Xung đột và những hậu quả trong việc giáo dục trẻ
- Cập nhật: Thứ sáu, 26/6/2015 | 9:17:03 AM
YênBái - YBĐT - Trời cũng có lúc quang mây tạnh, nhưng cũng có những lúc bão táp mưa sa. Cuộc sống gia đình cũng vậy, những xung đột dường như tồn tại tất yếu trong mỗi gia đình, đặc biệt là những gia đình trẻ.
Khi không tìm được tiếng nói chung. (Ảnh minh họa).
|
Đối diện với những xung đột, người lớn thường quên mất đi sự hiện diện của những đứa con nhỏ mà không hề biết rằng xung đột dù ở mức độ nào cũng có thể làm rạn nứt tình cảm, hạnh phúc gia đình và hơn cả làm ảnh hưởng không nhỏ trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho con trẻ.
Xung đột trong gia đình trẻ ngày càng có xu hướng gia tăng - đó không còn là nhận xét của những người lớn tuổi, người thuộc thế hệ trước, mà đó còn là khẳng định của các chuyên gia và ngay cả từ những con số biết nói của những vụ việc ly hôn tăng dần theo từng năm của cơ quan pháp luật. Theo số liệu của Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, Tòa đã thụ lý 724 vụ ly hôn, giải quyết 574 vụ, tăng so với cùng kỳ năm 2014. Hàng năm, số vụ ở độ tuổi 18 - 30 chiếm từ 35 - 40%. Những con số ấy chỉ phản ánh những xung đột đỉnh điểm trong các gia đình, còn những xung đột hàng ngày khó mà thống kê được. Những xung đột tưởng chừng rất nhỏ mà vợ chồng trẻ cho rằng không làm ảnh hưởng đến con thuyền gia đình lại có những tác động ghê gớm tới con trẻ, tới việc giáo dục con trẻ của chính cha mẹ.
Có lẽ không phải là trường hợp duy nhất như anh Nguyễn Quang Hùng - phường Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái) gặp phải trong cuộc sống gia đình: “Tôi rất buồn vì những lời cô ấy nói tôi đã ăn sâu vào ký ức của con trai, để thỉnh thoảng thằng bé lại nói lại những lời ấy. Không chỉ “cứa” nát tim tôi, mà nghiêm trọng hơn là tôi không thể nói được thằng bé khi nó sai”. Cách ứng xử của cha mẹ với nhau, ứng xử của cha mẹ với con cái chính là con đường hình thành nên nhân cách của trẻ. Những cặp vợ chồng trẻ dường như không thể nhận biết được hậu quả của những xung đột gia đình đối với trẻ cho tới khi con trẻ biểu hiện ra.
Cứ nghĩ rằng vợ chồng không cãi vã ầm ĩ, không dành “tặng” nhau những lời khó nghe thì sẽ không ảnh hưởng tới con trẻ, chị Kim Thoa - phường Đồng Tâm (thành phố Yên Bái) đã ngỡ ngàng khi đọc được những dòng tâm sự của đứa con gái. Chị nói: “Vợ chồng tôi không có thói quen xung đột là cãi vã ầm ĩ mà chỉ chọn cách im lặng hay nói cách khác là lạnh nhạt với nhau. Tưởng rằng con trẻ còn quá nhỏ để hiểu sự việc. Nhưng tôi thật không ngờ khi đọc được những dòng nhật kí của cô con gái lớn năm nay mới 7 tuổi. Con bé nói, nó mệt mỏi khi chứng kiến cảnh bố mẹ sống như hai người dưng trong nhà. Tôi đã lý giải được việc tại sao con bé ngày càng ít nói, khi làm sai, mẹ chỉ dạy thì luôn vâng nhưng lại không thay đổi”.
Chị Lê Thị Ánh Tuyết - phường Hồng Hà (thành phố Yên Bái) chia sẻ: “Có lần tôi bức xúc ông chồng của mình quá nên rủ bạn ra quán cafe tâm sự, không gửi được con, tôi cho thằng bé 3 tuổi đi cùng. Chúng tôi nói đủ chuyện, còn con trai tôi quanh quẩn chơi xung quanh. Tưởng thằng bé mải chơi không để ý gì. Nhưng tôi đã giật mình khi trên đường về nhà thằng bé nói: Ba là người đàn ông không tốt, mẹ nhỉ”.
“Anh là người chồng tồi”, “Cô là đàn bà biết gì”... những câu nói mà người lớn tưởng chừng như vô nghĩa với con trẻ nhưng lại để lại những hậu quả khôn lường trong việc giáo dục con trẻ. Bé trai sẽ hệt như người cha của chúng. Nếu người chồng gia trưởng, coi thường vợ, có lẽ bé cũng sẽ ảnh hưởng tính gia trưởng, coi thường mẹ, coi người những người khác giới mình. Lối sống lệch lạc được hình thành từ những hành động, lời nói, cuộc cãi vã đơn giản ấy. Những đứa con sẽ coi thường người cha của chúng khi mẹ chúng luôn miệng bảo chồng mình là người chồng tồi, không biết chăm lo gia đình...
Đã có rất nhiều những nghiên cứu về nguyên nhân gây ra những xung đột gia đình trẻ hiện nay. Đó là do xã hội hiện đại, cái “tôi” cá nhân của mỗi người đều rất lớn, tính độc lập giữa hai cá thể vợ và chồng trong gia đình cũng như ngoài xã hội hiện nay rất rõ nên dễ dàng nảy sinh xung đột trong gia đình trẻ. Khi cái tôi cá nhân và tính độc lập lớn thì con người ta trở nên ích kỉ, trách nhiệm với người kia, với gia đình sẽ thấp hơn. Bên cạnh đó, còn có những nguyên nhân khách quan khác, rất dễ gây xung đột trong gia đình, đó là áp lực trong cuộc sống làm ảnh hưởng không nhỏ tới cách cư xử của các thành viên trong gia đình, đặc biệt trong những gia đình trẻ...
Do đó trong đời sống hôn nhân gia đình, để tạo được sự hòa hợp trọn vẹn và bền vững, hai vợ chồng cần hiểu rõ những khác biệt của nhau, để có thể cảm thông, chia sẻ và nương tựa vào nhau trong sự kính trọng và yêu thương chân thành. Có như vậy, gia đình mới làm tròn trách nhiệm giáo dục đạo đức lối sống, hình thành nhân cách cho con trẻ.
Minh Tư
Các tin khác
Thống kê mới nhất từ một số tỉnh miền núi phía Bắc như Sơn La, Lai Châu, Lào Cai đến chiều 25-6 đã có 15 người chết và mất tích do mưa lũ liên quan đến bão số 1.
Chiều 25/6 tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội thảo Nâng cao chất lượng và hiệu quả các cuộc vận động do mặt trận phát động.
Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch bệnh nguy hiểm MERS-CoV diễn ra chiều tối 25/6.
YBĐT - Vừa qua, Huyện ủy Mù Cang Chải phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân vận năm 2015 cho gần 100 học viên là các bí thư chi bộ, trưởng thôn bản, tổ dân phố các xã, thị trấn trên địa bàn toàn huyện.