Đầu tư cơ sở vật chất, chú trọng giáo dục mũi nhọn
- Cập nhật: Thứ ba, 4/8/2015 | 9:52:06 AM
YênBái - YBĐT - Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Văn Yên đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) nên quy mô trường lớp, cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cũng như chất lượng dạy và học ngày một nâng cao. Nổi bật là nỗ lực xây dựng trường bán trú và nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn trên địa bàn huyện.
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Phong Dụ Thượng thực hành môn Tin học.
|
Phong Dụ Thượng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Yên, địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, nhiều thôn, bản cách xa trường cả chục cây số. Để đến trường, nhiều em phải vượt qua suối sâu. Những ngày mưa bão, học sinh nghỉ học rất đông, việc huy động các em đến lớp gặp nhiều khó khăn. Năm học 2010 - 2011, Trường THCS xã đã được Nhà nước đầu tư xây dựng nhà công vụ cho cán bộ, giáo viên; UBND huyện đã vận động các doanh nghiệp hỗ trợ 170 triệu đồng xây 4 phòng ở, 2 gian bếp và công trình vệ sinh cho học sinh bán trú. Thực hiện mô hình bán trú, học sinh được ăn, ở tập trung và học tập tại chỗ, tỷ lệ chuyên cần đạt cao; phụ huynh học sinh phấn khởi, các em chịu khó học tập hơn, kết quả học tập cũng có những chuyển biến tích cực.
Để thực hiện chủ trương xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), hàng năm, Phòng GD&ĐT huyện đã phối hợp với các cơ quan tham mưu cho UBND huyện, Sở GD&ĐT lồng ghép các nguồn vốn đầu tư cho giáo dục như chương trình mục tiêu, các dự án, Nghị quyết 30a, các nguồn vốn khác làm nhà ở, công trình, thiết bị phục vụ học sinh bán trú. Hàng năm, huyện tổ chức vận động cá nhân, tập thể, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội ủng hộ đóng góp để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị; vận động cán bộ, công chức của huyện ủng hộ một ngày lương cho học sinh các trường PTDTBT.
Các xã tuyên truyền, vận động để mỗi hộ gia đình thiết thực hỗ trợ học sinh bằng hình thức xây dựng kho thóc của xã. Huyện phân công các cơ quan, ban, ngành, tổ chức đoàn thể đỡ đầu từng đơn vị nhà trường. Nhờ lồng ghép các nguồn vốn đầu tư cho giáo dục cùng với thực hiện công tác xã hội hóa, từ năm 2011 đến nay, Văn Yên đã xây dựng và chuyển đổi được 11 trường sang mô hình trường PTDTBT, trong đó có 3 trường tiểu học, 7 trường THCS và 1 trường PTDTBT tiểu học và THCS.
Năm học 2014 - 2015, toàn huyện có 3.678 học sinh ở bán trú, 100% học sinh bán trú được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách theo quy định. Chất lượng dạy và học ngày một nâng lên, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm dần qua các năm. Những kết quả đạt được đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và nỗ lực của huyện về đầu tư xây dựng mô hình trường bán trú tại xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh quan tâm đầu tư cơ sở vật chất giáo dục, Phòng GD&ĐT huyện nhận thức rõ công tác bồi dưỡng học sinh giỏi giữ vị trí quan trọng và là một trong ba mục tiêu hàng đầu của giáo dục: “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Phòng đã tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, trong đó công tác giáo dục mũi nhọn được quan tâm đẩy mạnh.
Ông Phạm Xuân Sơn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: “Phòng đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí, trang thiết bị dạy học, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, giáo viên có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi; tổ chức cho giáo viên hội thảo xây dựng chuyên đề bồi dưỡng, đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi”.
Số lượng và chất lượng học sinh giỏi từ cấp trường đến cấp quốc gia của huyện đã không ngừng tăng qua từng năm học. Năm học 2014 - 2015, huyện Văn Yên đã có 170 em học sinh đạt 189 giải các loại, tăng 45 giải so với năm học trước, trong đó có 183 giải cấp tỉnh, 6 giải cấp quốc gia. Kết quả đạt được đã khẳng định bước đi đúng hướng, vững chắc về công tác tuyển chọn, bồi dưỡng, đào tạo học sinh giỏi của ngành GD&ĐT huyện Văn Yên và là “cú hích” quan trọng, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục của huyện những năm tới.
Văn Thông
Các tin khác
Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, trong bốn ngày từ 5-8/8 tới sẽ diễn ra Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ IV năm 2015 với chủ đề “Lắng nghe trẻ em nói”.
Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH do Thứ tưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân ký sẽ có hiệu lực từ 8/8. Trong đó có các nội dung hướng dẫn doanh nghiệp cách tính tiền lương làm thêm vào ngày thường, lương làm ban đêm và làm thêm vào ban đêm.
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo trung ương Phòng chống thiên tai, đến chiều 3-8, mưa lớn vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương của miền Bắc gây ngập úng và sạt lở đất rất nghiêm trọng.
YBĐT - Vụ sạt lở đất tại bản Tu San, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải đã khiến 1 người tử vong và 5 nhà dân bị vùi lấp hoàn toàn.