Cho mình, cho mọi người và toàn xã hội
- Cập nhật: Thứ ba, 4/8/2015 | 2:44:52 PM
YênBái - YBĐT- Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình (BHYTHGĐ) là một trong những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Qua nửa năm triển khai, một số bất cập về thủ tục đã được nhanh chóng điều chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi và tăng số người, số hộ gia đình tham gia hình thức BHYTHGĐ. Đó cũng là một trong những đóng góp quan trọng của Đảng ủy, chính quyền các xã, phường trên địa bàn thành phố Yên Bái khi thực hiện Luật này.
Cán bộ Văn phòng - Thống kê, UBND phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái kiêm Đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT trong giờ làm việc.
|
Thực tế từ cơ sở
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh - cán bộ văn phòng, thống kê được UBND phường Hồng Hà phân công làm nhiệm vụ đại lý thu bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, BHYT. Kiêm nhiệm công việc này, quỹ thời gian của bà cũng trở nên khít khao và bận rộn hơn nhiều. Chờ khoảng 30 phút để trao đổi công việc vào buổi chiều một ngày cuối tuần là chứng kiến bà cứ luôn tay cũng như liên tục trả lời, giải đáp, tiếp người dân đến giao dịch... Nhiệm vụ mới đòi hỏi bà Minh phải cố gắng hơn, thường xuyên trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ để tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền phường các biện pháp chỉ đạo, giải quyết các khó khăn, vướng mắc và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của đại lý. Bà cũng chủ động phối hợp, liên hệ với cơ quan BHXH thành phố cung cấp tài liệu, văn bản, hướng dẫn mới và tích cực tuyên truyền, vận động, thông tin kịp thời những thay đổi về chính sách, chế độ đến người tham gia.
Lần đầu tiên thực hiện hình thức BHYTHGĐ, 6 tháng đầu năm nay, quá trình lập hồ sơ còn lúng túng do có thay đổi về thủ tục nhưng cũng đã kịp thời được giải quyết một cách hiệu quả. Nếu như năm 2014, phường Hồng Hà có 530 người tham gia BHYT tự nguyện thì đã có 447 người mua BHYTHGĐ trong 6 tháng đầu năm 2015.
Ghé đến sớm hơn dự định để hỏi thẻ BHYTHGĐ, ông Trần Hồng Quảng ở tổ 18, phường Hồng Hà cho rằng, thủ tục đỡ rườm rà hơn thì người tham gia sẽ nhiều hơn. “Từ ba năm trước, vợ chồng tôi đã tham gia mua BHYT tự nguyện. Năm nay, bắt đầu có hình thức BHYTHGĐ, nhà tôi mua thêm cho cả hai con nữa. Bớt được khoản giấy tờ và thủ tục, tôi thấy thích vì rõ ràng là thuận lợi hơn nhiều chứ” - ông Quảng khẳng định.
Xã Giới Phiên, kinh tế thuần nông, mua BHYTHGĐ, việc giảm trừ phần trăm có lợi cho người tham gia, song thực tế số tiền phải đóng lên tới tiền triệu nên nhiều hộ chưa đủ khả năng. Thêm nữa, gia đình có người ốm thì tham gia liên tục, còn lại hầu hết chỉ khi nào bị ốm thì người dân mới nhớ đến và thấy cần BHYT. Nhận nhiệm vụ làm đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT từ tháng 3 năm nay, bà Vũ Thị Kim Ngân - kế toán UBND xã Giới Phiên là người có kinh nghiệm.
Bà Ngân cho rằng: “Đối với Giới Phiên, các yếu tố khó khăn rất cụ thể. Khó khăn chồng thêm một cách đương nhiên nữa là năm đầu thực hiện hình thức BHYTHGĐ. Công tác tuyên truyền, vận động vì vậy trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu, bởi người dân thấy có lợi mới tự nguyện tham gia”. Có một câu chuyện ở xã Giới Phiên đã tác động trực tiếp, làm thay đổi nhận thức của nhiều người về việc tham gia BHYT tự nguyện. Đó là câu chuyện của bà Phùng Thị Lan, sinh sống tại thôn 3. Bà Lan được chẩn đoán ung thư vú giai đoạn 3 vào thời điểm tháng 6 năm ngoái. Đến nay, đã hơn một năm điều trị ở Bệnh viện K Hà Nội, ngoài số tiền BHYT chi trả đúng tuyến, nhà bà phải tự trang trải khoảng 200 triệu đồng mà hầu hết vay mượn của anh em, họ hàng. Số tiền 200 triệu đồng thực sự quá lớn đối với gia đình bà vì chồng bị tàn tật, con trai út vừa hết lớp 10, con gái lớn đã lập gia đình.
Bà Lan cười khi nói về sự “ảnh hưởng” của mình đối với mọi người xung quanh: “Từ thực tế bản thân, tôi luôn nhắc người thân phải mua BHYT. Các anh chị em tôi, các cháu tôi ở Phúc Lộc đã tự giác mua hết. Anh Hà Sĩ Bang ngay thôn 1 cũng vừa mới mua 4 thẻ BHYT mà trước đây chưa bao giờ tham gia...”. Trong 6 tháng đầu năm 2015, Giới Phiên đã có 118 thẻ mua theo hình thức BHYTHGĐ, so với năm 2014 có tất cả 161 người tham gia BHYT tự nguyện.
Bà Phùng Thị Lan, thôn 3, xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái: “Nếu không tham gia BHYT, tôi chắc chắn không có đủ điều kiện để chữa bệnh và cũng không thể có ngày hôm nay. Mỗi ngày đối với tôi thật đáng quý nên tôi luôn sống vui vẻ và lạc quan!”.
Vai trò của chính quyền địa phương
Thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, UBND các xã, phường của thành phố Yên Bái đã xây dựng phương án tổ chức thu BHYTHGĐ, bố trí các điểm thu hợp lý trên địa bàn các tổ dân phố và cử cán bộ, công chức làm nhân viên đại lý thu. Các vấn đề liên quan khác cũng được quy định rõ ràng như: UBND xã, phường xây dựng cam kết bồi thường nếu như để xảy ra mất quyền lợi của người tham gia; trong thời gian 3 ngày, nhân viên đại lý thu tiền của đối tượng lập danh sách, nộp cho cơ quan BHXH thành phố và sau 10 ngày, cơ quan này cấp thẻ, trả đại lý để trao tận tay người tham gia.
Qua công tác kiểm tra của BHXH thành phố, Đảng ủy, UBND các địa phương đều đã xây dựng kế hoạch, đưa vào nghị quyết của Đảng bộ nội dung công tác BHXH, BHYT. UBND xã, phường thường xuyên chỉ đạo nhân viên đại lý thu phối hợp với các đoàn thể, khu dân cư, tổ dân phố, thôn... chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về BHXH, BHYT. Một số phường, xã tiêu biểu trong quá trình thực hiện BHYTHGĐ là: Hồng Hà, Nguyễn Thái Học, Đồng Tâm, Yên Thịnh, Nam Cường, Hợp Minh, Minh Bảo...
Hiệu quả phối hợp hoạt động giữa cơ quan chuyên môn với UBND các địa phương là số người tham gia BHYTHGĐ của thành phố Yên Bái ngày càng tăng. Theo báo cáo đến ngày 30/6/2015, BHXH thành phố đã thu 3,515 tỷ đồng/6,831 tỷ đồng của 5.650 người/11.000 người theo kế hoạch giao BHYTHGĐ năm 2015 của BHXH tỉnh Yên Bái. Nhìn lại năm 2013, số người tham gia BHYT tự nguyện của thành phố có 6.600 người, số thu 4,5 tỷ đồng/3,7 tỷ đồng kế hoạch; năm 2014 tương ứng là 8.752 người, số thu 5,4 tỷ đồng/5,2 tỷ đồng kế hoạch. Theo ông Trần Đình Lợi - Phó giám đốc BHXH thành phố Yên Bái: “Cơ quan BHXH thành phố đã xây dựng nghị quyết thực hiện và xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu BHYTHGĐ cho đại lý của 17 xã, phường. Qua kiểm tra, đánh giá tình hình thực tế của các địa phương, chỉ tiêu 11.000 người tham gia BHYTHGĐ hoàn toàn có thể đạt và vượt kế hoạch”.
Có lợi cho chính bản thân mình, giúp đỡ thêm được nhiều người, chung tay cùng toàn xã hội chia sẻ rủi ro, hỗ trợ lẫn nhau trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe chính là ý nghĩa nhân văn khi mỗi người tham gia BHYT.
Ông Lê Văn Nghị - Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Yên Bái:
Ông Vũ Kim Việt - Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Giới Phiên:
“Để đẩy mạnh công tác thu BHYTHGĐ, chúng tôi kiến nghị nên tính toán phần trăm giảm trừ mức đóng phí cho phù hợp giữa khu vực nông thôn với khu vực thành thị. Đồng thời, đối với cán bộ kiêm nhiệm nhân viên đại lý thu ở tuyến xã, cần quan tâm bằng chế độ cụ thể để khuyến khích họ làm tốt”.
Bà Nguyễn Thùy Chinh - Phó chủ tịch UBND phường Hồng Hà:
|
Nguyễn Thơm
Các tin khác
YBĐT - Đông Cuông là xã vùng thấp của huyện Văn Yên, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều năm qua, địa phương luôn thực hiện tốt phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Bằng nhiều cách làm cụ thể, Đông Cuông đã vận động nhân dân tham gia giữ gìn an ninh trật tự (ANTT), trở thành lá cờ đầu trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” của huyện.
Trận mưa lũ lịch sử “càn quét” khắp miền Bắc từ ngày 27/7 - 3/8 đã làm thiệt mạng 27 người, hơn 40 người bị thương; nhấn chìm hàng nghìn ngôi nhà trong biển nước…
Đoàn Việt Nam gồm 24 học sinh, chia thành 6 đội, đến từ trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội – Amsterdam đã xuất sắc đạt được thành tích cao nhất trong tất cả các đoàn tham dự kỳ thi Toán học trẻ quốc tế CIMC 2015.