Chưa chốt được mức tăng lương tối thiểu năm 2016
- Cập nhật: Thứ tư, 5/8/2015 | 2:10:31 PM
Phiên họp Hội đồng tiền lương quốc gia trong sáng nay (5.8) đã không đi đến thống nhất về mức lương tối thiểu năm 2016, bởi đại diện các bên chưa tìm được tiếng nói chung. Đáng chú ý, giới chủ sử dụng và người lao động đưa ra mức tăng chênh nhau tới 10%.
Phiên họp sáng nay của Hội đồng tiền lương quốc gia chưa đi đến được thống nhất về mức tăng lương tối thiểu trong năm 2016 cho người lao động.
|
Đề xuất tăng 6 - 7%
Trước phiên họp 2 ngày, Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị mức lương tối thiểu vùng năm 2016 tăng khoảng 6% (vùng 1 tăng 200.000 đồng, các vùng còn lại tăng 150.000 đồng), các năm 2017 và 2018 mỗi năm tăng khoảng 7% (vùng 1 tăng 250.000 đồng, các vùng còn lại tăng 200.000 đồng), để lương tối thiểu vùng năm 2018 cơ bản đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu.
Lý giải mức tăng thấp, đại diện Hiệp hội Dệt may cho rằng, ngành dệt may hiện đang sử dụng gần 3 triệu lao động. Các doanh nghiệp (DN) đang đối mặt với nhiều thách thức như giá đơn hàng, tiền điện, xăng than, tàu biển tăng.
Cũng theo đại diện hiệp hội này, việc tăng lương tối thiểu đi kèm với tăng các khoản đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), từ năm 2010 - 2014, trung bình 2 năm tăng thêm 1%, ảnh hưởng rất lớn tới DN. Hiện DN phải trích nộp 24% (trong đó, 18% đóng BHXH, 3% bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) 1%, kinh phí công đoàn 2%). Người lao động phải đóng 10,5% (BHYT 8%, BHYT 1,5% BHTN 1%) và 1% nếu là đoàn viên công đoàn.
Khi mức lương tối thiểu vùng 2016 tăng lên, mức đóng cũng sẽ tăng tương ứng. Đặc biệt, theo luật BHXH năm 2014 có hiệu lực từ 1.1.2016, mức đóng sẽ căn cứ vào mức tiền lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Số tiền này sẽ tăng khoảng 30%.
Trong phiên họp sáng nay 5.8, ông Hoàng Quốc Phòng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, quan điểm của VCCI là mức tăng lương tối thiểu vùng 2016 từ 6 % đến trên 7% là phù hợp. Mặc dù trước đó, VCCI đã đưa ra đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 trên 10%.
“Mức tăng 10% chỉ là dự báo ban đầu, còn mức này là trên cơ sở hội đủ thông tin đã phân tích cũng như các phản hồi thực tế của DN. Qua khảo sát thực tế từ DN, các DN đang rất khó khăn, có đến 70% DN kinh doanh không có lãi. Vậy thì vấn đề tăng lương đối với họ là một gánh nặng lớn. Do vậy, sau khi tổng hợp, trao đổi, tính toán kỹ chúng tôi thấy mức trên là hợp lý”, ông Phòng lý giải.
Cách biệt 10% về mức đề xuất tăng lương
Mặc dù vậy, phía đại diện cho người lao động là Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ VN) kiên định bảo vệ quan điểm đề xuất tăng lương trước đó là trên 16% đến gần 18%.
Trao đổi với phóng viên, ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ VN cho biết, với mức lương hiện nay từ 2,15 - 3,1 triệu đồng chỉ đáp ứng khoảng 75% nhu cầu sống tối thiểu. Vì vậy, Tổng LĐLĐ VN kiến nghị, vùng 1 tăng 550.000 đồng, từ 3,1 triệu đồng lên 3,65 triệu đồng. Vùng 2, từ 2,75 triệu đồng lên 3,2 triệu đồng (tăng 450.000 đồng); vùng 3 từ 2,4 triệu tăng lên 2,8 triệu đồng (tăng 400.000 đồng); vùng 4 từ 2,15 triệu đồng lên 2,5 triệu đồng (tăng 350.000 đồng).
Theo tính toán, mức tăng kể trên tương ứng khoảng 16,28 - 17,74%, đáp ứng được khoảng 87 - 89% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
Về phương án đề xuất của VCCI, ông Mai Đức Chính không đồng tình và cho rằng: “Năm nay kinh tế khá hơn, tăng trưởng chung của nền kinh tế khá hơn năm 2015, không thể nói DN khó khăn hơn. Ít nhất tôi cho rằng mức tăng của năm 2016 phải bằng hoặc nhỉnh hơn so với mức tăng của 2015 mới là hợp lý”.
Đến 11 giờ 30 sáng nay, phiên họp sáng kết thúc mà chưa có phương án cuối cùng được đưa ra.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, Phó chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia Phạm Minh Huân cho biết, Hội đồng phải tính toán rất kỹ mức tăng lương, bởi năm 2016, mức đóng BHXH sẽ tiến dần đến tổng thu nhập, khiến doanh nghiệp phải bỏ ra một khoản lớn. Bên cạnh đó, các chính sách về lao động nữ, an toàn vệ sinh lao động có những quy định mới cũng làm chi phí của doanh nghiệp tăng, nên phải tính toán mức tăng lương cho hợp lý.
(Theo TNO)
Các tin khác
YBĐT – Ngày 5/8, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ thông tin đối ngoại và công tác phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí tỉnh Yên Bái năm 2015.
YBĐT - Là huyện nghèo, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, tập quán canh tác lạc hậu… nên công tác vận động quần chúng tham gia phát triển kinh tế, xã hội luôn là điều rất cần thiết. Bởi vậy, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể huyện Mù Cang Chải luôn xác định công tác dân vận là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của hệ thống chính trị và phong trào "Dân vận khéo".
Thủ tướng Chính phủ đồng ý ủy quyền Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chủ tịch nước xem xét tặng quà cho một số đối tượng có nhiều công lao với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2015) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2015).
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2015-2016 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.