Dự án Giảm nghèo giai đoạn II: Trao “cần câu”, không trao “con cá”
- Cập nhật: Thứ hai, 21/9/2015 | 5:09:40 PM
YênBái - YBĐT - Yên Bái là một trong 6 tỉnh miền núi phía Bắc được tiếp tục triển khai Dự án Giảm nghèo giai đoạn II từ năm 2010 đến 2015, Dự án được thực hiện trên địa bàn 40 xã, 351 thôn, bản của 5 huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Lục Yên, Văn Yên, với tổng số 28.860 hộ được hưởng lợi, trong đó có 15.988 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 59,30%.
Chăn nuôi bò cái sinh sản tại thôn Đầu Cầu, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu.
|
Tổng mức đầu tư của Dự án 589 tỷ 800 triệu đồng, gồm vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) 511 tỷ 569 triệu đồng và vốn đối ứng 78 tỷ 231 triệu đồng. Dự án thiết kế có 4 hợp phần. Hợp phần I về phát triển kinh tế huyện, hợp phần II về ngân sách phát triển xã, hợp phần III về tăng cường năng lực và hợp phần IV về quản lý đánh giá và giám sát đánh giá.
Trong đó, tiểu hợp phần hỗ trợ sinh kế nằm trong hợp phần II. Mục tiêu của tiểu hợp phần hỗ trợ sinh kế là tập trung thúc đẩy các hoạt động sinh kế để người nghèo có thể cải thiện đời sống hiện tại và trong tương lai thông qua mô hình tổ, nhóm có cùng sở thích, cùng đặc thù kinh tế như tự cung tự cấp là chính, cùng có các hoạt động sinh kế: Sản xuất cây lương thực, chăn nuôi, trồng rừng, trồng và chế biến chè, trồng nấm...
Đối tượng hưởng lợi đều là hộ nghèo và hình thành các nhóm khoảng 10 hộ có cùng sở thích về các hoạt động sinh kế. Khi tham gia Dự án, ngoài được hỗ trợ về vốn, con giống, cây giống, xây dựng chuồng trại, các nhóm cùng sở thích còn thường xuyên được giúp đỡ từ sự chỉ đạo và theo dõi của Ban Phát triển xã về sử dụng vốn, hỗ trợ về khoa học kỹ thuật sản xuất, vật tư liên quan đến phát triển sản xuất, được cung cấp thông tin về thị trường. Các trưởng, phó các nhóm chủ động nắm bắt tình tình sản xuất chung của các thành viên để báo cáo với cơ quan quản lý Dự án có những điều chỉnh hợp lý cho sản xuất.
Điểm nhấn quan trọng trong thiết kế Dự án là tăng cường các hoạt động sinh kế bền vững cho người dân nghèo. Bằng cách làm chặt chẽ, thiết thực, hiệu quả hoạt động sinh kế đã khẳng định ngay trong thời gian ngắn.
Điển hình như nhóm 10 hộ chăn nuôi lợn ở xã Mường Lai, huyện Lục Yên được hỗ trợ lợn nái đã sinh sản từ 1 đến 2 lứa hoặc đến tuổi phối giống. Là giống lợn địa phương nên rất thích ứng với điều kiện chăn nuôi của các hộ nghèo. Các thành viên trong nhóm này còn được hỗ trợ cả lợn đực giống. Bởi vậy, nhiều hộ từ chỗ không có tiền mua con giống, thì nay, đã có lợn giống để chăn nuôi thương phẩm.
Tại xã Tân Lập, huyện Lục Yên có tới 30 hộ được hỗ trợ sinh kế. Trong số đó, chị Triệu Thị Dự, dân tộc Dao ở bản Chang - Trưởng nhóm Cây Đa cùng sở thích chăn nuôi gà bày tỏ: “Trước khi chưa có hỗ trợ của Dự án gia đình tôi chăn nuôi nhỏ lẻ, gà hay bị bệnh. Nay nhờ được hỗ trợ làm chuồng trại, kỹ thuật, con giống nên gà không bị bệnh nữa. Năm 2012, tôi được hỗ trợ 10 triệu đồng mua 100 con gà, đến nay, đàn gà của gia đình có đến 300 con. Mỗi năm, tiền bán gà cũng được 40 triệu đồng. Số tiền đó để trang trải cuộc sống và nuôi 2 con học đại học”.
Vợ chồng chị Trần Thị Hiền ở xã Thạch Lương, huyện Văn Chấn có 2 con đang học đại học nhưng cả nhà chỉ trông vào hơn 3 sào ruộng, vất vả quanh năm vẫn không đủ ăn. Năm 2012, chị Hiền được hỗ trợ bò, cây giống, hướng dẫn kỹ thuật canh tác. Sau hơn 3 năm cần cù lao động vợ chồng chị Hiền có con bò sinh sản, bò đực kéo cày.
Với phương châm trao “cần câu”, không trao “con cá”, sau những lợi ích kinh tế, Dự án hỗ trợ sinh kế đã tác động mạnh vào cách nghĩ, cách làm kinh tế của người nghèo. Đặc biệt, họ học được tính kế hoạch trong các hoạt động sinh kế, biết tuân thủ các yêu cầu về kỹ thuật trong sản xuất, được động viên tinh thần vươn lên thoát nghèo.
Sau 5 năm triển khai, Dự án Giảm nghèo giai đoạn II đã thực hiện đầy đủ các thiết kế của Dự án. Thành công của Dự án giúp người dân nghèo hiểu rõ được chính sách của Đảng và Nhà nước, hiểu sự cần thiết của việc vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng cho gia đình và quê hương. Sự trông chờ, ỷ lại của người dân vào Nhà nước đã bị đẩy lùi. Từ những nhóm cùng sở thích của Dự án, nhiều người đã vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình, trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi. Năm 2010, tỷ lệ hộ đói nghèo của người dân trong vùng Dự án là 51,46%, thì năm 2015, đã giảm còn 47,15%.
Thu Hiền
Các tin khác
YBĐT - Các bác sĩ Bệnh viện E Hà Nội đã tổ chức thăm khám, chẩn đoán bệnh và phát thuốc miễn phí cho 370 người dân đến từ 5 thôn thuộc xã Ngọc Chấn với 400 cơ số thuốc tổng trị giá 20 triệu đồng.
YBĐT - Thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mù Cang Chải đã quản lý và khai thác sử dụng hiệu quả mọi nguồn vốn đầu tư về xây dựng cơ sở hạ tầng như: Giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở khám chữa bệnh; tăng cường đẩy mạnh sản xuất nông lâm nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận các nguồn vốn và các dịch vụ xã hội, để người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững…
YBĐT - Thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ nằm ở trung tâm huyện Văn Chấn, cách thị xã Nghĩa Lộ 5km trên trục quốc lộ 32; tiếp giáp với các xã Phù Nham, Sơn Thịnh, Thạch Lương, Thanh Lương và xã Phình Hồ (huyện Trạm Tấu). Trên địa bàn có 11 dân tộc anh em sinh sống tại 13 tổ nhân dân với ngành nghề chủ yếu dựa vào cây công nghiệp, cây lúa nước, chăn nuôi và buôn bán nhỏ lẻ.
YBĐT - Là một trong những xã có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển khá của huyện Văn Yên, đến nay, Đại Phác cơ bản đã hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Kết quả này có được ngoài sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể còn có sự đóng góp không nhỏ của những người nông dân.