Chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết
- Cập nhật: Thứ năm, 24/9/2015 | 10:00:27 AM
YênBái - YBĐT - Trước tính chất nguy hiểm của dịch sốt xuất huyết (SXH), ngày 11/9, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện yêu cầu các bộ, ngành tỉnh, thành quyết liệt triển khai phòng chống dịch sốt xuất huyết (SXH) đang có dấu hiệu gia tăng ở nhiều tỉnh, thành. Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Hồng Vân - Phó giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh về vấn đề này.
P.V: Xin bà cho biết diễn biến tình hình dịch SXH cả nước nói chung và đối với tỉnh Yên Bái?
Bà Lê Thị Hồng Vân: Tại Việt Nam, SXH là bệnh lưu hành tại hầu hết các tỉnh, thành phố, nhưng chủ yếu ở khu vực miền Nam. Bệnh SXH có tính chất chu kỳ, bùng phát 4 - 5 năm/lần, thường vào các tháng mùa mưa. Từ đầu năm 2015 đến nay, dịch đã, đang xảy ra tại 50 tỉnh, thành phố trong cả nước, nhưng dịch bắt đầu gia tăng mạnh từ cuối tháng 6 đến nay. Số bệnh nhân SXH được ghi nhận là khoảng 30.000 trường hợp nhiễm, tập trung nhiều tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Nam, miền Trung và Hà Nội, trong đó có 18 trường hợp tử vong được ghi nhận tại 10 tỉnh.
Yên Bái không phải là vùng trọng điểm của SXH, nhưng từ đầu năm 2015 đến nay đã ghi nhận 4 trường hợp mắc SXH lâm sàng, đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong khoảng thời gian cuối tháng 8, đầu tháng 9/2015. Tất cả 4 ca mắc đều là người sống, làm việc tại Hà Nội, nhiễm bệnh tại Hà Nội nhưng có gia đình tại Yên Bái, nên khi mắc bệnh quay về khám, điều trị tại Bệnh viện tỉnh để tiện chăm sóc (2 ca ở Lục Yên, 1 ca ở Trấn Yên, 1 ca ở Yên Bình). Trung tâm Y tế dự phòng đã lấy 4 mẫu xét nghiệm kết quả có 2 ca dương tính với vi rút SXH dengue.
P.V: Đến thời điểm này, Yên Bái đã triển khai theo tinh thần công điện của Thủ tướng Chính phủ ra sao thưa bà?
Bà Lê Thị Hồng Vân: Ngay từ đầu năm 2015, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tham mưu với ngành y tế ban hành kế hoạch phòng chống SXH một cách chủ động, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch SXH trên địa bàn. Cùng đó, tổ chức tuyên truyền phòng chống bệnh SXH; tập huấn chuyên môn cho cán bộ y tế dự phòng và cán bộ làm công tác điều trị; giám sát muỗi truyền bệnh SXH định kỳ tại 2 điểm là thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ; tổ chức phun hóa chất diệt muỗi để chủ động phòng bệnh, giám sát chặt chẽ các ca bệnh mắc từ nơi khác đến điều trị tại Yên Bái; lấy mẫu xét nghiệm tìm căn nguyên giúp cho việc chẩn đoán, điều trị và cách ly kịp thời; ban hành các kế hoạch, công văn gửi bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, tuyến huyện, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố để chỉ đạo tăng cường giám sát, phòng chống bệnh SXH. Đồng thời, tổ chức đoàn giám sát hỗ trợ các hoạt động phòng chống dịch SXH tại các huyện, giám sát vec - tơ (muỗi) truyền bệnh định kỳ. Qua nhiều năm giám sát vec - tơ không phát hiện vec - tơ chính truyền bệnh SXH là muỗi Aedes agypti (muỗi vằn) mà chỉ phát hiện véc - tơ phụ là muỗi Aedes albopictus với chỉ số mật độ rất nhỏ (<0,1 con/nhà), vì vậy nguy cơ dịch bùng phát trên địa bàn tỉnh là rất thấp.
Tuy vậy, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sự gia tăng các hoạt động giao thương giữa các vùng miền và tốc độ đô thị hóa ngày càng cao… không loại trừ nguy cơ dịch SXH xâm nhập vì muỗi truyền bệnh rất có thể theo các phương tiện cộng cộng xâm nhập vào địa bàn tỉnh. Do đó, công tác giám sát luôn được tăng cường, không thể chủ quan lơ là trong việc phòng chống.
P.V: Cách xử lý cụ thể khi phát hiện dịch như thế nào thưa bà?
Bà Lê Thị Hồng Vân: Khi phát hiện dịch SXH, việc đầu tiên là cách ly điều trị bệnh nhân, xác định và khoanh vùng ổ dịch. Các biện pháp xử lý ổ dịch cần phải được triển khai ngay trong vòng 48 giờ kể từ khi ổ dịch được phát hiện và phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh; giám sát bệnh nhân và muỗi truyền bệnh trưởng thành, bọ gậy, loăng quăng; đẩy mạnh tuyên truyền và huy động cộng đồng cùng hưởng ứng, tham gia chiến dịch diệt bọ gậy và loăng quăng muỗi truyền bệnh; thực hiện ngay vệ sinh môi trường, loại bỏ, hoặc đậy kín hết các dụng cụ có khả năng lưu trữ nước để muỗi không vào đẻ trứng được... Tùy thuộc vào số lượng ổ dịch xuất hiện trên địa bàn, tùy theo qui mô ổ dịch lớn hay nhỏ mà sử dụng các biện pháp can thiệp phù hợp theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
P.V: Xin bà cho biết, để phòng tránh dịch cần phải làm gì?
Bà Lê Thị Hồng Vân: Bệnh SXH đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt. Để thiết thực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau: đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch; khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!
Trần Minh (thực hiện)
Các tin khác
Tối 23/9, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã tổ chức tuyên dương cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi toàn quốc lần thứ II năm 2015.
YBĐT - Tối ngày 23/9 (tức ngày 11/8 Âm lịch), Đảng ủy, Ban Biên tập, Công đoàn và Chi đoàn thanh niên Báo Yên Bái tổ chức đêm vui Trung thu cho các cháu thiếu niên nhi đồng là con em cán bộ, công nhân viên chức cơ quan với chủ đề:“ Vui hội đêm trăng”.
YBĐT - Ngày 23/9, Hội đồng tuyển dụng công chức tỉnh Yên Bái năm 2015 đã tổ chức cuộc họp đánh giá công tác chuẩn bị, triển khai các bước phục vụ kỳ thi tuyển dụng công chức tỉnh Yên Bái năm 2015.
YBĐT - Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá (THCTL) với sức khỏe con người và môi trường, từng bước đưa pháp luật về phòng chống THCTL vào cuộc sống, tỉnh Yên Bái đã xây dựng kế hoạch và đề ra chỉ tiêu cụ thể cho nhiệm vụ phòng chống THCTL trong năm 2015.