“Cú huých” mạnh mẽ từ chính sách
- Cập nhật: Thứ hai, 28/9/2015 | 2:27:16 PM
YênBái - YBĐT - Sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, số lượng và chất lượng đội ngũ cùng những khó khăn về đời sống và nhận thức của người dân đã là những trở ngại lớn trong sự nghiệp phát triển giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) ở vùng dân tộc, vùng cao vùng khó khăn của Yên Bái.
Học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh trong giờ Tin học. (Ảnh: Thanh Ba)
|
Thấy rõ vấn đề này, những năm qua tỉnh đã tập trung tháo gỡ bằng chính sách và cơ chế, từ đó tạo ra những “cú huých” mạnh mẽ làm chuyển biến từ tư duy, nhận thức đến hành động của các cấp, các ngành và nhân dân, đem lại những kết quả rất tích cực, rõ nét cho giáo dục dân tộc, vùng cao…
Một thời gian dài, giáo dục dân tộc, vùng cao luôn là một “mảng xám” trong bức tranh chung của sự nghiệp GD-ĐT Yên Bái. Phát triển giáo dục ở tỉnh miền núi có quá nửa dân số là đồng bào dân tộc thiểu số ở 70 xã vùng cao và 62 xã đặc biệt khó khăn luôn là “bài toán” làm “đau đầu” các nhà lãnh đạo địa phương và ngành GD-ĐT. Nghị quyết của Đảng luôn nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết phát triển giáo dục dân tộc; Nhà nước rất quan tâm đầu tư phát triển giáo dục dân tộc, vùng cao. Tuy nhiên, trong vô vàn khó khăn của một tỉnh miền núi, sự đầu tư đó dường như chưa đủ mạnh để thúc đẩy giáo dục dân tộc, vùng cao đi lên. Trong tình hình đó, các nhà lãnh đạo địa phương và quản lý giáo dục đã chủ động đổi mới tư duy, phân tích, đánh giá đúng tình hình, từ đó bắt tay vào giải quyết vấn đề trước hết bằng chính sách.
Ngay từ năm 2009, Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy Yên Bái và Nghị quyết số 22/2009/NQ-HĐND của HĐND tỉnh có thể coi là những quyết sách có tính đột phá, tiên phong đi trước xây trường, mở lớp, nâng bước cho con em đồng bào dân tộc, vùng cao tới lớp, tới trường. Đồng chí Giàng A Tông - Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải trao đổi: “Nghị quyết của Đảng đã chỉ đường cho giáo dục dân tộc vùng cao. Với tỉnh miền núi như Yên Bái, đặc biệt với huyện "30a" như Mù Cang Chải nếu không có chính sách phù hợp, kịp thời thì giáo dục vẫn rất khó khăn. Nhờ thực hiện các nghị quyết của Đảng, năm học 2014 - 2015, toàn huyện đã có 38 trường, trong đó 14 trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), 1 trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT)”.
Ở huyện vùng cao Trạm Tấu, những năm qua, sự nghiệp GD-ĐT cũng chuyển biến mạnh mẽ. Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Xa cho biết: “Năm học 2013 - 2014, huyện đã có 10 trường PTDTBT tiểu học và THCS với 139 lớp và 3.566 học sinh; 2.394/5.834 học sinh được hưởng chế độ bán trú. Nhờ phát triển các trường PTDTBT và đồng bộ về chính sách hỗ trợ cho giáo dục dân tộc, vùng cao mà tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học đạt 99%, học sinh đi học chuyên cần thường xuyên đạt 93% - 98%”.
Văn Chấn là huyện trước đây cũng có nhiều khó khăn trong phát triển giáo dục dân tộc, vùng cao; tới nay đã có những chuyển biến rõ nét. Phó chủ tịch UBND huyện Đặng Duy Hiển cho biết: “Trong 5 năm qua, huyện đã đầu tư 28 tỷ đồng nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất các trường PTDTBT; triển khai đầy đủ các chính sách hỗ trợ cho học sinh bán trú cũng như bổ sung kinh phí chi thường xuyên hàng năm hỗ trợ một số hoạt động văn hóa, văn nghệ, chăm sóc sức khỏe của học sinh bán trú. Các trường bán trú và trường có học sinh bán trú luôn nhận được sự quan tâm về mọi mặt của các tổ chức, cá nhân, các ban, ngành, đoàn thể; các chi, đảng bộ được Huyện ủy phân công đỡ đầu và các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ, đóng góp với số tiền mặt và giá trị hàng hóa hàng tỷ đồng”.
Năm 2009, Tỉnh ủy Yên Bái ban hành Nghị quyết số 10/2009/NQ-TU xác định một số mục tiêu ưu tiên đẩy mạnh phát triển giáo dục ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; HĐND tỉnh có Nghị quyết số 22/2009/NQ-HĐND về "Xây dựng hệ thống trường PTDTBT tỉnh Yên Bái" giai đoạn 2010 - 2015. Một loạt chính sách phát triển giáo dục dân tộc, vùng cao đã được ban hành, triển khai thực hiện, như: Đề án phát triển giáo dục mầm non, Nghị quyết 43/2011/NQ-HĐND phê duyệt Đề án xây dựng trường chuẩn quốc gia với mục tiêu từng bước hỗ trợ cho giáo dục dân tộc, Quyết định 50/2012/QĐ-UBND về tiêu chí xét duyệt học sinh bán trú, Chỉ thị số 19-CT/TU của Tỉnh ủy về tiếp tục củng cố và phát triển hệ thống trường PTDTBT tỉnh Yên Bái giai đoạn 2013 - 2015… |
Giải quyết cơ bản những khó khăn về trường lớp, tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các chính sách ưu tiên, hỗ trợ cho phát triển giáo dục dân tộc, vùng cao. Từ năm 2011 - 2014, tỉnh cấp kinh phí cho các trường PTDTBT và học sinh bán trú được hưởng chính sách hỗ trợ trên 168,5 tỷ đồng. Ngành GD-ĐT với vai trò nòng cốt đã tham mưu kịp thời để tỉnh phê duyệt kinh phí hỗ trợ là 26,17 tỷ đồng cho 11.641 lượt học sinh THPT được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định 12/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, kịp thời triển khai nhiều chính sách hỗ trợ khác của Chính phủ và tỉnh tới hàng chục nghìn học sinh trong diện được hỗ trợ. Kết quả đem lại là chất lượng giáo dục dân tộc, vùng cao từng bước được nâng lên rõ rệt.
Đối với trường PTDTNT, tỷ lệ học sinh xếp loại học lực khá, giỏi cấp THCS tăng 8,8%; cấp THPT tăng 9%, không có học sinh học lực kém; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt 100%. Đối với trường PTDTBT, cấp THCS tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng 9,7%; tỷ lệ học lực yếu, kém giảm 8,02%; bậc tiểu học, học sinh khá giỏi tăng 8%, học lực yếu giảm gần 10%. Tình trạng học sinh bỏ học tràn lan đã chấm dứt. Tính bình quân cả tỉnh ở ba cấp học, tỷ lệ này chỉ còn 0,5%.
Công tác xã hội hóa giáo dục đã thu được kết quả đáng khích lệ. Từ năm 2011 đến hết năm 2014, các trường PTDTBT đã nhận được 18,4 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà ở, trang bị đồ dùng học tập, đồ dùng sinh hoạt, quần áo ấm, lương thực, thực phẩm… cho học sinh bán trú. Phong trào “Kho thóc khuyến học” được triển khai sâu rộng và nhận được sự ủng hộ của đông đảo phụ huynh học sinh. Phát triển trường PTDTBT cũng đã thúc đẩy nhanh quá trình củng cố, duy trì phổ cập giáo dục. Đến nay, cả 180 đơn vị cấp xã, 9/9 đơn vị cấp huyện trong toàn tỉnh đạt chuẩn PCGD THCS; 178/180 đơn vị cấp xã và 8 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi, tỉnh đang đề nghị Bộ Giáo dục - Đào tạo công nhận đạt chuẩn trong năm 2015.
Bước phát triển mới của giáo dục dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn của Yên Bái những năm qua có thể khẳng định đó là kết quả, hiệu quả của những quyết sách của tỉnh cùng với các chính sách của trung ương đã tạo ra những điều kiện thuận lợi, có tác dụng như những “cú huých” liên tục, mạnh mẽ. Những quyết sách đó có được chính là nhờ sự đổi mới tư duy, phân tích, đánh giá, giải quyết vấn đề thực tiễn một cách khoa học. Từ đó, đã quyết định căn bản và đưa đến những thành công, góp phần quan trọng vào sự phát triển vượt bậc của sự nghiệp giáo dục - đào tạo Yên Bái trong những năm qua.
Tuấn Anh
Các tin khác
Bộ GIáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) vừa nêu ra một trong những nhiệm vụ cụ thể trong năm 2016 là tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh.
Trong 2 ngày 26-27/9, tại thành phố Huế đã diễn ra Hội nghị quốc tế về y tế công cộng các nước tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ bảy với chủ đề "Hợp tác quốc tế trong lập chính sách dựa vào bằng chứng trong lĩnh vực y tế công cộng."
YBĐT - Đến nay, 178/180 xã, phường của tỉnh Yên Bái đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; cơ bản hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra để công nhận tỉnh hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào cuối năm 2015.
Với mong muốn mang một tết Trung thu ý nghĩa đến với trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, Ban chỉ huy công trường thanh niên làm đường vành đai suối Thia, thị xã Nghĩa Lộ đã vận động quyên góp tiền, góp sức, kêu gọi các nhà hảo tâm cùng chung tay giúp đỡ để các em được hưởng niềm vui Trung thu trong tình cảm yêu thương, ấm áp của toàn xã hội.