Công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Yên Bái: Nhiều rào cản cần tháo gỡ
- Cập nhật: Thứ ba, 10/11/2015 | 8:42:03 AM
YênBái - YBĐT - Sự thiếu hiểu biết, thiếu thông tin về HIV/AIDS dẫn đến thái độ phân biệt kỳ thị, gây tổn thương tinh thần rất lớn, tạo sự mặc cảm đối với những người nhiễm HIV.
Cán bộ Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tư vấn cho người muốn làm xét nghiệm HIV.
|
Mặc dù công tác truyền thông phòng - chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm, nhưng biểu hiện kỳ thị, phân biệt đối với người nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng vẫn còn, thậm chí ngay cả trong gia đình. Bên cạnh đó, số lượng bệnh nhân HIV/AIDS tại Yên Bái không ngừng tăng lên trong những năm gần đây khiến công tác phòng, chống HIV/AIDS đã và đang gặp nhiều khó khăn.
Rào cản kỳ thị
Để tiếp cận với người nhiễm HIV/AIDS là việc rất khó khăn, bởi phần lớn họ đều mặc cảm, không muốn chia sẻ thông tin về bản thân. Chị L. T. A, 38 tuổi, phường Yên Thịnh bị lây nhiễm HIV từ chồng cách đây 10 năm. Từ khi nhận kết quả xét nghiệm dương tính với HIV, chị A. lo lắng và bị ảm ảnh suốt thời gian dài.
Tuy nhiên, sự động viên, chia sẻ của người thân, gia đình đã giúp chị vượt qua cú sốc tinh thần để lấy lại thăng bằng. Chị bắt đầu tìm hiểu các thông tin, tiếp cận với dịch vụ điều trị dành cho người nhiễm HIV, song khó khăn lớn nhất với chị là phải đối diện với ánh mắt, sự lạnh nhạt từ một số người khi biết chị nhiễm HIV. “Thái độ, cư xử đó nhiều lúc khiến tôi thấy chạnh lòng. Cảm giác bị tổn thương khiến tôi dần tránh tiếp xúc với mọi người”- chị A tâm sự.
Do thiếu hiểu biết, thiếu thông tin về HIV/AIDS khiến nhiều người nghĩ HIV là bệnh lây qua các tiếp xúc thông thường nên không muốn gần với người nhiễm HIV. Sự kỳ thị, thiếu thông cảm ấy còn diễn ra đối với trẻ em bị nhiễm HIV, khiến nhiều phụ huynh không cho con chơi chung, ngồi chung, thậm chí tỏ thái độ, phản ứng gay gắt với các em nhiễm HIV. Chính thái độ phân biệt ấy, đã gây tổn thương về tinh thần rất lớn, tạo sự mặc cảm đối với trẻ.
Theo số liệu giám sát, đến tháng 10/2015, lũy tích số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện trên địa bàn tỉnh là 5.303 người, 2.383 người chuyển sang giai đoạn AIDS, 1.453 trường hợp người nhiễm HIV/AIDS đã tử vong, hiện còn sống 3.850 người và số người còn sống được điều trị ARV là 1.132 người. Nhóm đối tượng nhiễm bệnh, phần lớn là gái mại dâm, người nghiện ma túy, lây nhiễm từ chồng sang vợ, mẹ truyền sang thai nhi.
Để tăng cường biện pháp phòng, chống HIV/AIDS, hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi đã được triển khai tại 100% xã, phường, thị trấn với hình thức và nội dung đa dạng, phong phú. Dự án Quỹ toàn cầu hỗ trợ can thiệp tác hại, chăm sóc điều trị người nhiễm HIV/AIDS, lây truyền từ mẹ sang con được triển khai tại các huyện: Yên Bình, Văn Chấn, Nghĩa Lộ...
Đặc biệt, chương trình điều trị nghiện các chất dạng ma túy bằng chất thay thế Methadone được triển khai trên địa bàn, đang mang lại nhiều tín hiệu khả quan. Thông qua nhân viên y tế từ tuyến huyện, thành phố đến các xã, phường, thị trấn có cộng tác viên, người nhiễm HIV/AIDS được tiếp cận, tư vấn hỗ trợ trong quá trình điều trị, giới thiệu chuyển tiếp đến phòng khám ngoại trú. Hiện, các phòng khám ngoại trú là nơi khám cấp thuốc ARV, thuốc nhiễm trùng cơ hội, xét nghiệm theo dõi điều trị, xét nghiệm theo dõi kháng thuốc, chẩn đoán sớm cho trẻ HIV phơi nhiễm.
Nhiều khó khăn cần tháo gỡ
Theo bác sĩ Dương Tuấn Anh - Phó giám đốc Trung tâm Phòng - chống HIV/AIDS thì công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Yên Bái hiện đang gặp một số khó khăn nhất định. Tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS làm ảnh hưởng đáng kể đến việc tiếp cận với dịch vụ điều trị của người nhiễm HIV và là rào cản cho việc tư vấn xét nghiệm phát hiện HIV sớm để gửi đến dịch vụ chăm sóc điều trị.
Đầu tư của trung ương và các tổ chức quốc tế cho công tác phòng, chống HIV/AIDS giảm; địa bàn can thiệp thu hẹp; chương trình mục tiêu quốc gia năm 2014 giảm 70% kinh phí so với năm 2013; 2 dự án quốc tế tại Yên Bái đã kết thúc... ảnh hưởng đến sự ổn định và tính bền vững của các chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Đây là một gánh nặng cho ngân sách của tỉnh.
Ngoài ra, cán bộ chuyên trách HIV tuyến huyện, xã thường thay đổi và thiếu kinh nghiệm cũng là rào cản cho việc tiếp cận tư vấn đối tượng nguy cơ cao, quản lý, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn cũng như ảnh hưởng đến việc mở rộng chương trình điều trị và can thiệp giảm tác hại ở cộng đồng dân cư.
Toàn tỉnh có 2.928 người nghiện ma túy có hồ sơ, trong đó, số người nghiện ma túy đang có mặt ngoài xã hội là 1.535 người. Công tác phối hợp quản lý người nghiện sau cai nghiện ở các cơ sở trở về chưa chặt chẽ, tỷ lệ tái nghiện còn cao.
Việc phát động phong trào quần chúng tham gia đấu tranh tố giác tội phạm và tệ nạn ma túy ở một số địa phương còn yếu. Một khó khăn nữa là công tác phòng, chống ma túy, ý thức về khai báo tình trạng của người nghiện và gia đình có người nghiện còn thấp. Nhiều gia đình không dám khai báo với chính quyền địa phương khi con em mình nghiện ma túy.
Việc giúp đỡ người nghiện đi cai nghiện và phòng chống tái nghiện khó thực hiện. Đặc biệt là công tác quản lý người sau cai nghiện tại nơi cư trú còn gặp nhiều khó khăn do các đối tượng này thường đi làm ăn xa, thay đổi chỗ ở, không hợp tác với chính quyền địa phương, không có chế tài xử lý những người này khi không chấp hành đúng quy trình quản lý sau cai nghiện.
Những bất cập trên làm cho công tác phòng, chống HIV đối với đối tượng tiêm chích ma túy khó khăn, đồng nghĩa với việc nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng càng tăng.
Từng có một thời, nhắc đến HIV/AIDS người ta nghĩ ngay đến cụm từ như “căn bệnh thế kỷ”, rồi những hình ảnh tuyên truyền về sự nguy hiểm của căn bệnh này khiến nhiều người sợ hãi, sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người bệnh cũng vì thế mà không giảm. Chính vì vậy, đã đến lúc cần thay đổi nhận thức, cần có một chiến lược tuyên truyền phù hợp để góp phần cho công tác phòng - chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao trong thời gian tới.
Thu Hiền
Các tin khác
Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, sau 10 tháng đầu năm 2015, số thu BHXH và bảo hiểm y tế (BHYT) thực hiện 167.900 tỉ đồng, đạt 82,4% kế hoạch năm 2015. Trong đó: BHYT đạt 45.100 tỉ đồng, BHXH bắt buộc đạt 114.300 nghìn tỉ đồng...Tuy nhiên, mức nợ của BHYT còn hơn 2.700 tỉ đồng.
Ngày 9-11, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức hội nghị triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2015 và công bố sự kiện 100.000 bệnh nhân được điều trị ARV.
YBĐT - Những năm qua, Trường THPT Trần Nhật Duật (Yên Bình) đã nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt công tác giáo dục kiến thức quốc phòng - an ninh (QP-AN), góp phần nâng cao chất lượng toàn diện cho học sinh trên địa bàn.