Bộ Giáo dục - Đào tạo lên tiếng giải thích vị trí môn Lịch sử trong chương trình mới

  • Cập nhật: Thứ tư, 11/11/2015 | 8:05:47 AM

Dư luận xã hội đang phản ứng gay gắt về việc môn Lịch sử đang bị coi nhẹ ở chương trình mới. Việc tích hợp môn Lịch sử, Quốc phòng – An ninh và Giáo dục công dân thành môn Công dân với Tổ quốc là bất hợp lý, lãnh đạo Bộ  Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã lên tiếng giải thích.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển.

Trao đổi với phóng viên báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông nói chung, giáo dục Quốc phòng – An ninh, giáo dục lịch sử và giáo dục đạo đức - công dân nói riêng là những yêu cầu quan trọng của chương trình giáo dục phổ thông mới. Kiến thức Lịch sử được lồng ghép vào nhiều môn với thời gian học nhiều hơn.

Kiến thức phải lồng ghép, tích hợp để giảm bớt số môn học bắt buộc ở các cấp học.

- Thưa Thứ trưởng, không ít các chuyên gia về Lịch sử đã phản ứng gay gắt về việc tích hợp môn Lịch sử vào trong môn học Công dân với Tổ quốc như vậy giáo dục lịch sử đã bị coi nhẹ, điều này gây “bất ổn” vì thực tế hiện nay giới trẻ đang thờ ơ với môn Lịch sử?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Việc bố trí các nội dung giáo dục trong chương trình phải được xem xét trong tổng thể của toàn bộ CT và điều kiện của giáo dục, góp phần đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Môn Công dân với Tổ quốc là môn học bắt buộc, tuy không có hai tên gọi Quốc phòng – An Ninh (QP-AN) và Lịch sử nhưng tất cả học sinh (HS) đều phải học QP-AN theo quy định của Luật GD Quốc phòng - An ninh và tất cả học sinh THPT đều bắt buộc phải học lịch sử.

Đồng thời, tất cả học sinh còn phải bắt buộc học Lịch sử trong môn Khoa học xã hội (dành cho HS đi vào các ngành Khoa học Tự nhiên và Công nghệ - Kỹ thuật) hoặc môn Lịch sử (có yêu cầu cao hơn cả về Kiến thức lịch sử và về Khoa học lịch sử, dành cho những học sinh định hướng nghề nghiệp sẽ làm việc trực tiếp hoặc liên quan đến Khoa học lịch sử).

Để đáp ứng các yêu cầu nêu trên, môn Công dân với Tổ quốc gồm 03 mạch nội dung chính (3 phân môn) và một số chuyên đề tích hợp. Cụ thể, GD Đạo đức - Công dân: chủ yếu là giáo dục giá trị đạo đức truyền thống và đạo đức cách mạng, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và một số kỹ năng sống cần thiết chuẩn bị cho học sinh gia nhập xã hội Việt Nam hội nhập quốc tế với tư cách công dân

GD Đạo đức - Công dân bao gồm 3 mạch nội dung chính liên quan chặt chẽ: giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật và giáo dục kĩ năng sống (các kỹ năng này cũng sẽ được tích hợp trong các hoạt động trải nghiệm sáng tạo). Ngoài ra cũng tích hợp, lồng ghép các nội dung khác như giáo dục kinh doanh, giáo dục chính trị …

GD Quốc phòng - An ninh: Bảo đảm cho học sinh có những hiểu biết ban đầu về nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, của lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam và một số nội dung mang tính thực hành như kỹ thuật, chiến thuật, kỹ thuật phòng thủ dân sự…, (các nội dung thực hành này cũng sẽ được tích hợp trong các hoạt động trải nghiệm sáng tạo).

GD Lịch sử: Các nội dung giáo dục về chủ quyền quốc gia, lãnh thổ, lòng yêu tổ quốc, tinh thần xả thân vì nước, tinh thần tự cường dân tộc, tư tưởng và những bài học, nghệ thuật quốc phòng của cha ông ta.

Đối với các kiến thức về lịch sử khác sẽ được dành cho môn Khoa học xã hội và môn Lịch sử.

Ngoài ra sẽ có một số chuyên đề tích hợp sâu và chủ yếu từ 3 phân môn. Ví dụ, Lịch sử kinh đô nước ta qua các triều đại, Chủ quyền biển đảo Việt Nam, Truyền thống quan hệ Việt Nam – Lào…

Chúng ta cần coi trọng việc đổi mới hình thức tổ chức dạy học, cách trình bày các sự kiện, hiện tượng lịch sử, đánh giá, nhận xét… tránh ôm đồm và gây nặng nề, nhàm chán cho người học.

- Cấu trúc nội dung môn học “Công dân với Tổ quốc” gồm có 3 phân môn: GD Đạo đức-Công dân, GD QPAN, GD Lịch sử. Đã có ý kiến cho rằng, đó là sự lắp ghép cơ học, làm 2 môn GD QPAN, Lịch sử vốn được coi là những môn học độc lập trước đây bị mờ đi thành môn phụ. Thứ trưởng nghĩ gì về những ý kiến này?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Trước hết chúng ta đều đồng tình quan điểm: Môn Lịch sử hay Giáo dục Đạo đức – Công dân đều rất quan trọng; Cần phải đổi mới về phương pháp cũng như là nội dung giáo dục hiệu quả hơn trong quá trình dạy và học.

Qua rút kinh nghiệm của chương trình phổ thông hiện hành và thực hiện yêu cầu của Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là phải tăng cường giáo dục phát triển năng lực, phẩm chất người học thay cho việc chỉ chú trọng trang bị kiến thức. Chính vì thế, vấn đề đặt ra là kiến thức phải lồng ghép, tích hợp thế nào để giảm bớt số môn học bắt buộc ở các cấp học.

Tích hợp nội dung GD QP-AN với GD đạo đức - công dân và GD Lịch sử thành môn Công dân với Tổ quốc chính là thực hiện yêu cầu đó. Việc tích hợp này không phải là coi nhẹ các nội dung giáo dục truyền thống mà là cấu trúc lại cho phù hợp yêu cầu mới, để tổ chức thực hiện có chất lượng và hiệu quả hơn.

Với cấu trúc mới, các lĩnh vực kiến thức sẽ được tinh gọn và bổ sung, hỗ trợ hiệu quả cho nhau theo tinh thần Nghị quyết 29 là nhằm chuyển từ việc dạy học nặng về truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất và năng lực người học. Đồng thời với việc thiết kế lại nội dung giáo dục, cũng cần phải đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp giáo dục, cách thức kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục môn học.

Thời lượng học kiến thức lịch sử sẽ nhiều hơn so với chương trình phổ thông hiện hành

- Như Thứ trưởng có đề cập, ở chương trình mới thì thời lượng học kiến thức lịch sử nhiều hơn. Vậy thực hư việc này là như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Như tôi đã nói ở trên, mục tiêu quan trọng nhất là hình thành phẩm chất, năng lực người học. Trang bị kiến thức chỉ là bước ban đầu nhưng cũng là bước rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là kiến thức đó lại liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau nên đòi hỏi người học phải vận dụng một cách sáng tạo. Đây chính là lý do để Bộ GD-ĐT sắp xếp lại hệ thống các môn học trong chương trình mới sau chương trình cũ.

Không phải chỉ có môn Giáo dục công dân hay Lịch sử mà các bộ môn khác như Sinh, Sử, Địa, Hóa, Lý…cũng được sắp xếp lại thành môn học mới theo tinh thần tăng cường tính tích hợp ở cấp học dưới, tăng tính định hướng nghề nghiệp ở bậc THPT.

Một số môn học do tính quan trọng của nó như môn Toán, Văn, Ngoại ngữ thì bắt buộc phải học từ lớp 1 cho đến lớp 12. Các môn học khác cũng là bắt buộc nhưng được sắp xếp lại như môn Công dân với Tổ quốc mà tôi nói ở trên.

Tôi xin khẳng định, thời lượng học kiến thức lịch sử sẽ nhiều hơn so với chương trình phổ thông hiện hành. Hiện nay môn Lịch sử được sắp xếp là 1,5 tiết/tuần. Sắp tới nêu chương trình mới được thông qua thì học sinh học Lịch sử trong môn Công dân với Tổ quốc (nếu 3 phân môn trong 3 tiết thì có thể là 1 tiết), trong Khoa học xã hội có hai phân môn với 3 tiết, nghĩa là Lịch sử sẽ khoảng 1,5 tiết.

Như vậy học sinh sẽ được học khoảng 2,5 tiết/tuần kiến thức Lịch sử ở chương trình mới. Nếu học sinh đi theo hướng khoa học xã hội thì sẽ là 4 tiết/tuần (học môn Công dân với Tổ quốc khoảng 1 tiết, môn Lịch sử 3 tiết). Sở dĩ chúng ta có sự phân biệt thời lượng học của hai nhóm này là để định hướng nghề nghiệp.

- Vai trò của giáo viên dạy Lịch sử có thay đổi hay không khi chương trình mới được áp dụng không thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Vai trò của giáo viên dạy lịch sử cũng thay đổi giống như các môn học khác, đó là phải thay đổi phù hợp với đổi mới giáo dục, còn giá trị để truyền đạt lịch sử thì không thay đổi. Kiến thức lịch sử vẫn do các thầy cô đảm nhận nhưng trong hoàn cảnh khác, dạy với quyển sách giáo khoa khác để thầy cô tiện vận dụng hơn, dễ tích hợp hơn.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!

(Theo Dân Trí)

Các tin khác
Tuổi trẻ Khối doanh nghiệp tỉnh tặng quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Trường Tiểu học số 1, xã Yên Thành.

YBĐT - Đoàn khối doanh nghiệp tỉnh Yên Bái vừa tổ chức chương trình tình nguyện "Mùa đông cho em" tại xã Yên Thành, huyện Yên Bình.

Ngày càng có nhiều mô hình chăn nuôi tập trung quy mô lớn được đầu tư trên địa bàn tỉnh.

YBĐT - Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Yên Bái liên tục giành được những thắng lợi. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của 1.708 đoàn viên công đoàn ở 32 công đoàn cơ sở trực thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT).

Nông dân xã Sơn Thịnh (Văn Chấn) trồng cà chua mang lại hiệu quả kinh tế cao.
(Ảnh: Hồng Duyên)

YBĐT - Năm 2015, xã Sơn Thịnh (Văn Chấn) có 404 hộ nghèo trên tổng số 2.524 hộ, chiếm hơn 16%. Tỷ lệ này tuy không cao so với mặt bằng chung của huyện, song đối với một địa phương trung tâm huyện lỵ thì đây là vấn đề cần tập trung quan tâm của Đảng ủy, chính quyền xã trong việc giảm nghèo.

YBĐT - Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, những năm qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) huyện Lục Yên đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, góp phần tích cực xây dựng và phát triển khối đoàn kết toàn dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục