Hồi ức một thời

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/11/2015 | 1:02:30 PM

YBĐT - Hơn 10 năm ngắn ngủi mà trường phải di chuyển địa điểm 4 lần, trong đó 3 lần vận chuyển nguyên vật liệu, bàn ghế... vượt sông Hồng bằng chính sức lực của thầy và trò.

Trường THPT Lý Thường Kiệt hôm nay.
(Ảnh: Thanh Ba)
Trường THPT Lý Thường Kiệt hôm nay. (Ảnh: Thanh Ba)

Đó là thời kỳ đất nước chiến tranh, cuộc chống Mỹ cứu nước vừa kết thúc thắng lợi, hai miền Nam - Bắc sum họp một nhà thì lại tiếp ngay cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Tây Nam, rồi biên giới phía Bắc mà tỉnh nhà lúc đó là Hoàng Liên Sơn phải trực tiếp đương đầu.

Đất nước và địa phương còn nghèo, đời sống nhân dân rất nhiều khó khăn, nhà trường lúc đó cũng không ngoài những khó khăn chung. Nhiều năm liên tục lớp học, nơi ăn ở của các thầy giáo, cô giáo đều bằng tranh tre, nứa lá do chính bàn tay lao động của thầy trò và phụ huynh xây dựng nên.

Hơn 10 năm ngắn ngủi mà trường phải di chuyển địa điểm 4 lần, trong đó 3 lần vận chuyển nguyên vật liệu, bàn ghế... vượt sông Hồng bằng chính sức lực của thầy và trò. Mãi tới năm học 1976 - 1977, được sự quan tâm đầu tư của tỉnh, trường được xây dựng phòng học, nơi làm việc khang trang, sạch đẹp nhưng số học sinh tăng nhanh.

Dù vậy được sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của phụ huynh học sinh thầy và trò nhà trường thật sự là một tập thể đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, nề nếp. Mọi người đều hăng hái thi đua thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Dù khó khăn đến đâu cũng phải dạy tốt, học tốt”. Thầy giáo, cô giáo, cán bộ nhà trường ngầm nhắc nhau: “Tất cả vì học sinh thân yêu”, quyết tâm “Xây dựng trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học”.

Tuy cuộc sống nhiều thiếu thốn song trên nền tảng đạo đức "Người giáo viên nhân dân", các thầy, các cô luôn rèn luyện đạo đức lối sống làm gương cho học sinh noi theo; không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn.

Bốn mùa - kể cả những ngày đông giá lạnh, vẫn thức khuya, dậy sớm để vừa lo tròn trách nhiệm người chồng, người cha, người vợ, người mẹ, kịp đưa con vào nhà trẻ đồng thời lo xong giáo án, chấm bài đầy đủ, lên lớp đúng giờ, truyền thụ kiến thức tốt nhất cho học sinh; kể cả những buổi dạy ngoài giờ để bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém, chỉ mong đạt được mục đích là học sinh tiến bộ không ngừng mà không hề tính toán thiệt hơn.

Còn các em học sinh luôn chăm học, chăm làm, rèn luyện đạo đức, rèn luyện nề nếp kỷ cương trong nhà trường. Nhiều học sinh đạt thành tích học tập xuất sắc như: em Lê Văn Thạch, khóa 1969 - 1972 là học sinh cấp 3 đầu tiên của tỉnh đạt danh hiệu Học sinh giỏi toàn diện được nhận phần thưởng cao quý của Bác Hồ; em Nguyễn Công Chiến, khóa 1974 - 1977 là học sinh cấp 3 đầu tiên đạt giải Ba môn Văn trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; em Phạm Anh Tuấn, khóa 1976 - 1979 đạt giải học sinh giỏi quốc gia môn Toán.

Sau khi ra trường các em tiếp tục học lên, nhiều em trở thành cán bộ chủ chốt của các bộ, ngành trung ương, cán bộ chủ chốt của các tỉnh, sỹ quan cao cấp của lực lượng vũ trang nhân dân. Em Nguyễn Đình Đức - học sinh chuyên Toán khóa 1 trở thành giáo sư, viện sỹ… Có thể nói chính sự rèn luyện, học tập tốt của các em học sinh đã làm mát lòng, mát dạ cha mẹ và thầy cô, góp phần làm rạng danh nhà trường.

Đó là một thời các thầy giáo, cô giáo, cán bộ hầu hết xa nhà, luôn coi nhà trường là một tổ ấm; luôn nương tựa vào nhau, thương yêu nhau. Sự gắn bó với tình cảm chân thành, thân thiết đã tạo nên sức mạnh tập thể, giúp nhà trường luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nay các thầy, các cô, các cán bộ công tác ở trường thuở ấy hầu hết đã nghỉ hưu, nhưng dù đang cư trú ở nơi nào thì những kỷ niệm đẹp và sâu nặng một thời chắc không ai quên được.

Tôi hồi ức đôi điều về nhà trường một thời để nhớ mãi không quên và cũng là để tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành giáo dục tỉnh Yên Bái, nhất là nhà trường, các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, các bậc phụ huynh và các em học sinh một thời đã tạo dựng, vun đắp cho tôi và nhiều thầy giáo, cô giáo trở thành những “Người thầy giáo tốt"… Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh; đây là một điều rất vẻ vang” như Bác Hồ đã dạy.

Nhà giáo Lã Phú Tắc - Nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt

Các tin khác
Cán bộ phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái tổng hợp, rà soát và nhập thông tin danh sách kê khai đối tượng tham gia BHYT.

YBĐT - Để quản lý, theo dõi người tham gia bảo hiểm y (BHYT) tế theo quy định và vận động hộ gia đình (HGĐ) tham gia BHYT tiến tới BHYT toàn dân, tỉnh Yên Bái đang tích cực triển khai lập danh sách tham gia BHYT và cấp thẻ BHYT năm 2016.

YBĐT - Đến ngày 6/11/2015, huyện Trạm Tấu đã hoàn thành tập huấn lập danh sách gia đình tham gia BHYT hộ cận nghèo cho tất cả các xã, thị trấn.

Cô Nguyễn Lê Ninh (thứ ba bên phải) hướng dẫn học sinh trong phòng thí nghiệm.

YBĐT - Tiết học thực hành môn Hóa học của cô giáo Nguyễn Lê Ninh - Tổ trưởng tổ Hóa - Sinh - Công nghệ luôn có sức hút đặc biệt với học sinh Trường THPT Lý Thường Kiệt, thành phố Yên Bái.

YBĐT - Hội Người cao tuổi cụm thi đua số 1 gồm 6 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang và Yên Bái vừa tổ chức Hội nghị giao ban công tác hội năm 2015 tại tỉnh Yên Bái (ảnh).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục