Kim chỉ nam cho phòng, chống HIV/AIDS ở Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ hai, 7/12/2015 | 11:12:49 AM

YBĐT - Năm nay là năm đầu tiên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm lựa chọn chủ đề “Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam”; là chủ đề cho Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS.

Tăng cường truyền thông trong cộng đồng là một trong những giải pháp tốt nhất trong phòng chống HIV/AIDS. (Trong ảnh: Tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS tại thôn Chao Hạ I, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ.
Tăng cường truyền thông trong cộng đồng là một trong những giải pháp tốt nhất trong phòng chống HIV/AIDS. (Trong ảnh: Tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS tại thôn Chao Hạ I, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ.

Năm 2014, Liên hiệp quốc đã phát động các mục tiêu toàn cầu đến năm 2020: 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.

Mục tiêu 90 - 90 - 90 của Liên hiệp quốc đưa ra mà Việt Nam cam kết thực hiện sẽ là dấu mốc quan trọng có tính chiến lược trong công tác phòng, chống HIV/AIDS nhằm tiến tới kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030 tại Việt Nam.

Nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2015 (từ ngày 10/11/2015 - 10/12/2015) và Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1/12), phóng viên Báo Yên Bái đã có cuộc phỏng vấn bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Tuyến - Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái về vấn đề này.

P.V: Các mục tiêu 90 - 90 - 90 là những dấu mốc quan trọng có tính chiến lược trong phòng, chống HIV/AIDS nói chung cũng như để có thể kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Xin ông cho biết, các hoạt động sẽ được triển khai trong “Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2015” tại tỉnh Yên Bái?

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Tuyến - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái

Bác sĩ Nguyễn Văn Tuyến: Năm nay là năm đầu tiên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm lựa chọn chủ đề “Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam”; là chủ đề cho Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS. Điều này thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam với Liên hiệp quốc trong việc phấn đấu thực hiện mục tiêu 90 - 90 - 90.

Hưởng ứng phát động đó, các hoạt động Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS tại Yên Bái tập trung xoay quanh thực hiện chủ đề này, với hai mảng hoạt động chính: Thứ nhất, tăng cường các hoạt động truyền thông đa dạng, sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân về phòng, chống HIV/AIDS nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, tạo môi trường không còn sự kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Đồng thời, cung cấp thông tin về các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh để qua đó khuyến khích những cộng đồng có nguy cơ, cộng đồng người dân chủ động kiểm tra tình trạng sức khỏe liên quan đến HIV/AIDS của mình.

Thứ hai, tăng cường cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn toàn tỉnh, từ tuyến xã, phường đến tuyến huyện, tuyến tỉnh như: tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện; can thiệp giảm tác hại (bao gồm phát bơm kim tiêm, điều trị Methadone); điều trị ARV và chăm sóc hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng... Các hoạt động trên sẽ tạo tiền đề cho việc tiến tới thực hiện mục tiêu 90 - 90 - 90 tại tỉnh Yên Bái.

P.V: Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay có khác biệt gì so với năm trước? Một trong những khẩu hiệu của Tháng hành động năm nay là “Điều trị ARV sớm giúp người nhiễm HIV sống khỏe mạnh và giảm lây nhiễm HIV”, vậy chúng ta sẽ làm gì để thực hiện khẩu hiệu này, thưa ông?

Bác sĩ Nguyễn Văn Tuyến: Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2015 khác với các năm trước đó là tập trung vào chủ đề “Hướng tới mục tiêu 90 - 90 - 90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam”. Như đã nói ở trên, đây là chủ đề mới, lần đầu tiên Việt Nam lựa chọn để thực hiện cam kết của Chính phủ với Liên hợp quốc. Từ chủ đề này chúng ta sẽ có các hoạt động tương ứng.

“Theo số liệu giám sát đến tháng 10/2015, lũy tích số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện trên địa bàn tỉnh Yên Bái là 5.303 người, 2.383 người chuyển sang giai đoạn AIDS. Trong số đó, 1.453 trường hợp người nhiễm HIV/AIDS đã tử vong, hiện còn sống 3.850 người (số người còn sống được điều trị ARV là 1.132 người; trong đó: 1.229 người lớn và 83 trẻ em). Cũng theo thống kê của Sở Y tế, hiện nay, chương trình điều trị ARV đã được triển khai trên toàn tỉnh với 11 cơ sở điều trị HIV; 27 điểm cấp phát thuốc tại xã, phường; 2 cơ sở cấp phát thuốc tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội và Trại giam Hồng Ca. Số bệnh nhân được điều trị đã lên tới gần 1.300 bệnh nhân, tăng gấp 3 lần so với năm 2010”.

Chúng ta biết rằng, điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) giúp người nhiễm HIV tăng khả năng hồi phục hệ thống miễn dịch, giảm nguy cơ mắc những bệnh nhiễm trùng cơ hội, giảm tử vong, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, điều trị ARV kịp thời cho người nhiễm còn là một trong các biện pháp dự phòng làm giảm khả năng lây lan HIV ra cộng đồng. Một số nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng người nhiễm HIV nếu được điều trị sớm bằng ARV và tuân thủ điều trị tốt có tuổi thọ tương đương những người không bị nhiễm HIV. Xác định rõ tầm quan trọng của việc điều trị sớm cho người nhiễm HIV/AIDS, tỉnh Yên Bái đã sớm triển khai “Mô hình cung cấp dịch vụ chăm sóc, điều trị HIV/AIDS tại khu vực miền núi”.

Điểm nổi bật của mô hình này là điều trị ngay cho người bệnh khi được phát hiện nhiễm HIV mà không phụ thuộc vào số lượng tế bào CD4 cũng như giai đoạn lâm sàng như trước đây. Điều này làm tăng khả năng tiếp cận chương trình điều trị của bệnh nhân và thuận lợi cho công tác quản lý người nhiễm HIV tại cộng đồng, tránh mất dấu người bệnh.

Song song với đó là việc mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ điều trị và chăm sóc HIV/AIDS bằng cách phân cấp và lồng ghép vào hệ thống khám chữa bệnh y tế ban đầu, cơ sở y tế trong trại giam, Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội của tỉnh để qua đó tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người nhiễm HIV/AIDS được tiếp cận chương trình điều trị ARV. Tôi tin tưởng rằng trong thời gian tới cùng với những giải pháp hoạt động chuyên môn, kỹ thuật trên và giải pháp thực hiện bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS sẽ đảm bảo bền vững cho chương trình điều trị ARV trên toàn tỉnh, trên cơ sở đó thực hiện mục tiêu 90 thứ hai và thứ ba.

P.V:Hướng tới mục tiêu 90 - 90 - 90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam”, xin ông cho biết Yên Bái cần phải nỗ lực vượt qua những thách thức, khó khăn gì? Và giải pháp để vượt qua những thách thức để có thể kiểm soát được căn bệnh thế kỷ?

Bác sĩ Nguyễn Văn Tuyến: Thực hiện mục tiêu 90 - 90 - 90 sẽ là kim chỉ nam cho công tác phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Yên Bái trong thời gian tới. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu trên chúng ta sẽ phải vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức. Dịch HIV/AIDS toàn tỉnh đã giảm nhưng chưa bền vững, số người nhiễm HIV còn sống được phát hiện tiếp tục gia tăng và dịch HIV vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại. Các nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS (từ các tổ chức quốc tế, ngân sách Quốc gia) đang giảm nhanh chóng.

Bên cạnh đó, thực tế hiện nay tại tỉnh Yên Bái cho thấy chúng ta còn cách khá xa so với mục tiêu 90 - 90 - 90, vì chúng ta chưa có số liệu chính xác về số người có khả năng đã nhiễm HIV do chưa có những công cụ tính toán hiệu quả nên chưa thể đánh giá việc thực hiện mục tiêu 90 đầu tiên, và như vậy cũng chưa thể đánh giá việc thực hiện các mục tiêu 90 tiếp theo. Để vượt qua được những khó khăn trên, chương trình phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Yên Bái cần tập trung vào những giải pháp:

Thứ nhất: Tăng cường công tác giám sát dịch HIV/AIDS toàn tỉnh, mở rộng dịch vụ xét nghiệm HIV tới các xã, phường. Bên cạnh đó, củng cố hệ thống giám sát, công cụ giám sát và đánh giá số liệu. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn tuyến trung ương xây dựng công cụ, phương pháp tính toán nhằm đưa ra số liệu về người nhiễm HIV đáng tin cậy, sát với thực tế của tỉnh Yên Bái từ đó từng bước thực hiện mục tiêu 90 đầu tiên.

Thứ hai: Tiếp tục phát triển và mở rộng các cơ sở điều trị ARV toàn tỉnh đồng thời, thực hiện tốt “Mô hình cung cấp dịch vụ chăm sóc, điều trị HIV/AIDS tại khu vực miền núi”. Đây chính là là cơ sở góp phần thực hiện thành công mục tiêu 90 thứ hai.

Thứ ba: Tiếp tục tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS như: truyền thông thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS; can thiệp giảm tác hại (trao đổi bơm kim tiêm; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone).

Thứ tư: Tìm kiếm, huy động các nguồn lực tài chính bền vững cho công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh trong thời gian tới.

P.V: Xin cảm ơn bác sĩ đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này!

Đấu tranh phá vỡ rào cản kỳ thị

Ông Nguyễn Xuân Hiển - tổ 31A, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái:

Có một thực tế, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV hiện vẫn đang xảy ra ở nhiều nơi và biểu hiện công khai hoặc âm thầm, ở nhiều hoàn cảnh khác nhau dưới  hình thức và mức độ khác nhau. Kỳ thị và phân biệt đối xử là một trong những rào cản quan trọng khiến những người có hành vi nguy cơ cao và những người nhiễm HIV không dám tiếp cận đến các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, trong đó có các dịch vụ dự phòng, can thiệp giảm hại, xét nghiệm và điều trị HIV. Thiết nghĩ, phá vỡ rào cản kỳ thị đối với người nhiễm HIV phải là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn xã hội, của từng gia đình và của mỗi cá nhân.

Bà Hoàng Thị Thêm - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Minh Tân, thành phố Yên Bái:

Đối với vấn đề kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và gia đình họ theo tôi nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức chưa đúng của nhiều người về HIV/AIDS và việc thay đổi nhận thức này cần có phải có thời gian và kế hoạch tuyên truyền cụ thể. Trong đó, cần giáo dục bao gồm cả nâng cao nhận thức về HIV, hành vi nguy cơ để giảm bớt sự lo lắng và cả sợ hãi của cộng đồng. Đồng thời, có sự giúp đỡ thiết thực những người nhiễm HIV/AIDS tự vượt qua mặc cảm, sẵn sàng công khai tình trạng nhiễm HIV cho người thân và cộng đồng biết, tích cực tham gia các hoạt động có ích để lấy lại được niềm tin cho bản thân và sự chia sẻ, thông cảm của những người xung quanh.

Chị N.T.L - Người nhiễm HIV:

Mắc phải căn bệnh HIV là điều không ai mong muốn và chính bản thân tôi cũng vậy. Chung sống với HIV đã nhiều năm, khi mới phát hiện mình nhiễm HIV tôi đã rất sợ. Càng sợ, tôi càng sống khép kín, mặc cảm. Nếu không có sự động viên của gia đình tôi đã không có đủ nghị lực vươn lên để sống như bây giờ.

Mai Linh (thực hiện)

Các tin khác

YBĐT - Năm 2015, toàn ngành thanh tra tỉnh Yên Bái đã tiến hành 105 cuộc thanh tra hành chính tại 139 đơn vị. Trong đó, 46 cuộc thanh tra theo kế hoạch và 41 cuộc thanh tra đột xuất.

Hiến máu tình nguyện - nghĩa cử cao đẹp của đoàn viên thanh niên Công an Yên Bái.

YBĐT - Đại tá Trần Đức Ánh - Phó giám đốc Công an tỉnh Yên Bái tâm sự: “6 điều Bác Hồ dạy đã được lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sỹ lực lượng Công an Yên Bái ra sức phấn đấu, thực hiện trong suốt 70 năm qua. Lời Bác đã thực sự trở thành “Tư cách người công an cách mệnh”.

Học sinh Vũ Duy Hiếu đoạt giải nhất hạng Cao cấp - cá nhân sáng tạo game tốt nhất.

Cuộc thi Lập trình quốc tế dành cho học sinh phổ thông WeCode 2015 (Digital Campus WeCode) diễn ra ngày 6/12/2015 tại Kuala Lumpur, Malaysia với chủ đề “An ninh Mạng” (Cyber Sercurity). Học sinh Việt Nam đã xuất sắc giành giải nhất cuộc thi hạng Cao cấp.

777 thửa đất còn lại của dự án sẽ liên tục được đưa ra trong các phiên đấu giá từ nay đến hết tháng 12/2015.

YBĐT - 11 khu đô thị mới tại phường Trung Tâm, phường Cầu Thia và xã Nghĩa Lợi với diện tích trên 37 ha, có kết cấu hạ tầng hiện đại và các công trình phúc lợi đồng bộ đã và đang được đầu tư xây dựng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục