Lục Yên quan tâm phát triển văn hóa nông thôn
- Cập nhật: Thứ ba, 8/12/2015 | 3:24:19 PM
YBĐT - Đến nay, toàn huyện Lục Yên đã xây dựng được 190 nhà văn hóa thôn bản, trong đó có 94 nhà đạt theo quy định của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch; có 7 xã xây dựng được nhà văn hóa xã, trong đó có 1 nhà đạt chuẩn của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch.
Thi đấu bóng chuyền nữ tại cơ sở trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.
|
Là huyện miền núi, địa bàn sinh sống của 18 dân tộc anh em tại 300 thôn, bản, tổ dân phố thuộc 24 xã, thị trấn. Nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hóa trong quá trình phát triển, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, những năm qua, huyện Lục Yên đã quan tâm tới lĩnh vực văn hóa nông thôn (VHNT).
Ông Lý Đạt Lam - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết: "Việc phát triển VHNT được thể hiện rõ qua việc thực hiện Đề án “Phát triển VHNT mới đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” với nhiều nội dung thực hiện, đã huy động được cả hệ thống chính trị và người dân tham gia thực hiện. Trong phát triển VHNT, phong trào Xây dựng gia đình văn hoá tiếp tục được xác định là nòng cốt của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”.
Với sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể trong huyện, chất lượng phong trào từng bước nâng lên. Điều này thể hiện rõ qua tỷ lệ số hộ đăng ký gia đình văn hóa hàng năm đều đạt trên 80%, chất lượng bình xét cũng tăng theo.
Cùng với phong trào Xây dựng gia đình văn hóa, phong trào Xây dựng làng văn hoá, tổ dân phố văn hoá tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể.
Trong đó, chính quyền các xã, thị trấn đã tạo điều kiện để ban chỉ đạo phong trào, các đoàn thể và nhân dân tổ chức thực hiện. Cụ thể, các làng văn hoá luôn phấn đấu giữ vững danh hiệu, không ngừng phát huy tinh thần trách nhiệm thực hiện tốt các nội dung quy ước đề ra, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá tốt đẹp của địa phương.
Điều đáng ghi nhận là nhận thức của người dân về ý nghĩa văn hóa làng, tiêu chuẩn công nhận làng, bản, tổ dân phố văn hóa được nâng lên. Về vấn đề này, ông Triệu Tiến Phượng - Phó chủ tịch UBND xã Tân Phượng đánh giá: “Qua phong trào, ý thức và vai trò tự quản của các cộng đồng dân cư trong việc xây dựng, giữ vững và phát huy danh hiệu “làng văn hóa” được nâng lên. Đến nay, cả 9 thôn, bản của 5 cụm dân cư của xã đều được công nhận thôn, bản văn hóa. Trong đó, mô hình làng văn hóa chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề phụ, huy động nội lực của người dân nông thôn xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn mới được quan tâm”.
Năm 2010, Lục Yên có 21.267 hộ được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, đạt 88%; năm 2011 có 21.803 hộ, đạt 88%; năm 2012 có 16.660 hộ, đạt 65,4%; năm 2013 có 18.854 hộ, đạt 72%; năm 2014 có 19.454 hộ, đạt 73% và năm 2015 có trên 19.500 hộ, đạt 74%. |
Từ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc, năm 2010, Lục Yên có 137 thôn, bản được công nhân làng văn hóa, đạt 45,97%; năm 2013 công nhận lại 200 làng, đạt 66,6%; năm 2014 công nhận thêm 35 làng, nâng tổng số làng văn hóa đạt chuẩn trên địa bàn lên 78,3%; năm 2015 công nhận thêm 18 làng, nâng tổng số làng đạt chuẩn toàn huyện lên 84,3%.
Trong phát triển VHNT ở Lục Yên, điều đáng phấn khởi là các thiết chế văn hoá, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hóa được đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả. Với tổng số tiền trên 20,8 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Nhà nước trên 13,2 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 7,3 tỷ đồng cùng hàng ngàn ngày công lao động mà một số xã đã cơ bản hoàn thành mục tiêu xây dựng thiết chế nhà văn hoá, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hoá, giải trí và hưởng thụ của nhân dân.
Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 190 nhà văn hóa thôn bản, trong đó có 94 nhà đạt theo quy định của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch; có 7 xã xây dựng được nhà văn hóa xã, trong đó có 1 nhà đạt chuẩn của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch.
Thiết chế được đầu tư, hoạt động văn hoá thông tin cơ sở có bước phát triển khá tốt. Phong trào văn nghệ quần chúng phát triển sâu rộng, đồng đều. Số đội văn nghệ, câu lạc bộ văn nghệ tiếp tục thành lập từ xã đến khu dân cư thu hút hàng trăm nghệ nhân, diễn viên tham gia; các cơ sở đã tự tổ chức được hoạt động văn hoá - văn nghệ tại địa phương.
Trong đó, 300 thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn huyện đều có hệ thống loa truyền thanh cơ sở để thực hiện tốt việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước tới toàn thể nhân dân.
Từ những kết quả đó có thể khẳng định, việc quan tâm xây dựng VHNT không chỉ nâng cao hưởng thụ về đời sống tinh thần của nhân dân mà còn góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi bộ mặt nông thôn cũng như giữ gìn an ninh trật tự vùng nông thôn của Lục Yên.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc xây dựng VHNT tại Lục Yên cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế như: tiến độ triển khai còn chậm so với mục tiêu đặt ra, phong trào không đồng đều...
Trong thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới, các địa phương thường tập trung cao cho xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, còn việc phát triển văn hóa, cải thiện môi trường chưa được quan tâm tương xứng…
Để tiếp tục nâng cao chất lượng phát triển VHNT, thời gian tới, Lục Yên tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở và người dân về văn hóa và nhiệm vụ phát triển VHNT.
Huyện sẽ phát huy tinh thần chủ động, tích cực, nỗ lực của người dân và vai trò tự quản của cộng đồng trong quá trình phát triển VHNT; đưa mục tiêu, nhiệm vụ phát triển VHNT vào nghị quyết của cấp ủy đảng, kế hoạch Nhà nước các cấp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Bên cạnh đó, là việc tăng cường sự phối hợp, hỗ trợ của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp; tăng cường các hoạt động kiểm tra, hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ; nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình, làng văn hóa, xây dựng và nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến.
Cùng với tăng cường nguồn lực, huyện tiếp tục thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” xem đây là giải pháp quan trọng để huy động sức mạnh tổng hợp cho phát triển VHNT...
Nguyễn Đình
Các tin khác
YBĐT - Đến nay, tỷ lệ người tham gia các hình thức BHYT của Trấn Yên đạt 75,5%
YBĐT - Năm 2014, huyện Trạm Tấu có 3.153 hộ nghèo, tương đương 56,27% số hộ toàn huyện. Năm 2015, huyện đề ra chỉ tiêu giảm 6% hộ nghèo.
Sáng 8/12, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức buổi lễ phát động chiến dịch nhắn tin ủng hộ bệnh nhân ung thư nghèo thông qua Quỹ Ngày mai tươi sáng.
YBĐT - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Yên Bái vừa điều trị thành công, cứu sống bệnh nhân Nông Văn Dần, 65 tuổi, ở xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên bị chảy máu não thất gây giãn não thất cấp tính, hôn mê sâu, nguy cơ tử vong cao nếu không được can thiệp kịp thời.