Cai nghiện ma túy ở Yên Bái: Thực trạng và giải pháp
- Cập nhật: Thứ tư, 9/12/2015 | 4:06:44 PM
YBĐT - Theo số liệu rà soát năm 2014, trên địa bàn toàn tỉnh Yên Bái có 2.928 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (nam 2.783 người, nữ 145 người).
Công an tỉnh và Tỉnh đoàn Yên Bái ký cam kết hưởng ứng các hoạt động phòng chống ma túy và an toàn giao thông. (Ảnh: T.L)
|
Tuy là một tỉnh miền núi nhưng Yên Bái có vị trí địa lý và hệ thống giao thông thuận lợi, tiếp giáp nhiều tỉnh dẫn đến việc tiêu thụ, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép chất ma túy diễn ra khá phức tạp.
Bên cạnh đó, tại hai huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải vào những năm 80 của thế kỷ trước được Nhà nước cho trồng cây thuốc phiện để kinh doanh lấy nhựa xuất khẩu nên tập quán trồng và hút thuốc phiện đã ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào. Đây là nguyên nhân dẫn đến số lượng người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh luôn khá cao, từ đó gây khó khăn cho công tác cai nghiện ma túy cũng như công tác phòng, chống tái nghiện trên địa bàn.
Quyết liệt các giải pháp
Để cai nghiện ma túy, cùng với ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương hướng dẫn, tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về cai nghiện ma túy; thực hiện các hoạt động tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về tác hại của ma túy, cách phòng, chống và ngăn ngừa giảm hại; đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống ma túy, đồng thời giao chỉ tiêu cai nghiện bắt buộc và cai nghiện tại cộng đồng cho các địa phương.
Được sự quan tâm của Trung ương và của tỉnh, Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh đã được đầu tư, mở rộng, có quy mô tiếp nhận cai nghiện 700 học viên. Cùng với thực hiện các nội dung của Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020, tỉnh đã mở rộng điều trị thay thế bằng Methadone trên địa bàn...
Các bệnh nhân uống Methadone tại Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh.
Những kết quả
Từ những cố gắng của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở và cả cộng đồng, trong 5 năm (2011 - 2015), toàn tỉnh đã tổ chức cai nghiện cho 1.600 lượt người tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh bảo đảm an toàn, đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, các địa phương đã tổ chức cai nghiện tại cộng đồng cho 628 người. Cùng với cai nghiện, công tác quản lý sau cai nghiện được quan tâm. Giai đoạn 2011 - 2015 đã thực hiện quản lý sau cai tại nơi cư trú cho 1.250 người hoàn thành thời gian cai nghiện.
Với hình thức trước 45 ngày hoàn thành thời gian cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh, người cai nghiện sẽ được giao cho ủy ban nhân dân cấp xã và các ban, ngành, đoàn thể của địa phương, thôn bản, tổ nhân dân và gia đình người nghiện có trách nhiệm quản lý, giáo dục, giúp đỡ, hỗ trợ dạy nghề, tìm kiếm việc làm cho người nghiện tại nơi cư trú sớm hoà nhập cộng đồng, phòng chống tái nghiện.
Trên thực tế, cai nghiện ma túy là điều hết sức khó khăn, chính vì vậy việc triển khai điều trị thay thế bằng Methadone là hết sức cần thiết. Thực hiện Quyết định số 1936/QĐ-UBND ngày 23/10/2014 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái đến năm 2020, đến nay tỉnh đã quyết định thành lập 9 cơ sở tại các huyện Văn Chấn, Văn Yên, Yên Bình, Lục Yên, Mù Cang Chải và thành phố Yên Bái.
Hiện nay, có 6 cơ sở đang hoạt động điều trị cho 894 bệnh nhân, 3 cơ sở còn lại đang tiếp tục hoàn thiện các bước và thủ tục theo quy định để cấp phép và đi vào hoạt động. Theo tính toán hết năm 2015, số điều trị Methadone 1.000 bệnh nhân và năm 2016 với 11 cơ sở, dự kiến sẽ điều trị cho trên 1.500 bệnh nhân.
“6 cơ sở đang điều trị Methadone trên địa bàn tỉnh là: Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh điều trị 157 bệnh nhân, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh 283 bệnh nhân, thị xã Nghĩa Lộ 144 bệnh nhân, huyện Văn Chấn 65 bệnh nhân, huyện Văn Yên 108 bệnh nhân và huyện Mù Cang Chải 137 bệnh nhân”. |
Có thể đánh giá, từ việc quản lý, giáo dục dạy nghề, lao động trị liệu, chăm sóc sức khỏe đối với học viên tại Trung tâm cai nghiện đến việc thực hiện tốt công tác cai nghiện ma túy, điều trị thay thế tại địa phương đã góp phần bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, giảm nhu cầu về ma túy, giảm các loại tội phạm và các tác hại do ma túy gây ra.
Nhiều người nghiện sau cai đã phục hồi về thể chất, tâm lý dần ổn định, trở về cộng đồng; được sự quản lý, giáo dục, giúp đỡ của gia đình và cộng đồng đã tái hòa nhập cộng đồng, trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội.
Truyền thông tác hại ma túy tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh.
Khó khăn và giải pháp
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cai nghiện và quản lý người nghiện ma túy đang gặp phải nhiều khó khăn do thay đổi của pháp luật về cai nghiện ma tuý và các hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương còn chưa kịp thời đầy đủ, đã ảnh hưởng đến công tác cai nghiện bắt trên địa bàn.
Bên cạnh giảm về nguồn lực, nhất là cho việc điều trị bằng Methadone, các điểm điều trị cắt cơn, điểm tư vấn, hỗ trợ và chăm sóc người nghiện tại cộng đồng cụm xã đều chưa được xây dựng. Khó khăn hơn đó là việc phân biệt, kỳ thị của xã hội đối với người nghiện vẫn còn; công tác chỉ đạo điều hành, thực hiện và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai nghiện nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức… Đây là những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nghiện và tái nghiện trên địa bàn tỉnh còn cao.
Để công tác cai nghiện ma túy thời gian tới có hiệu quả, bên cạnh việc hướng dẫn, triển khai đầy đủ các quy định của pháp luật cai nghiện ma tuý; quản lý tốt sau cai, việc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng nhằm chuyển đổi hành vi, cách thức phòng, chống nghiện ma tuý là rất cần thiết.
Bên cạnh đó, điểm mấu chốt trong công tác cai nghiện ma túy là cần tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma tuý, ngăn chặn triệt để nguồn cung cấp ma túy. Cùng với triển khai và thực hiện tốt các nội dung của Đề án đổi mới công tác cai nghiện tỉnh Yên Bái đến năm 2020, cần phát huy tốt cơ sở vật chất của Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh trong nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện phục hồi. Trong cai nghiện, cần tăng cường công tác dạy, học nghề, tạo cơ hội tái hòa nhập cộng đồng cho người nghiện...
Chống ma túy là cuộc chiến quyết liệt, lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của toàn xã hội. Để phòng, chống có hiệu quả vấn nạn này điều quan trọng nhất là mỗi gia đình, cụm dân cư cần nêu cao cảnh giác, tăng cường quản lý, giáo dục con em mình để cùng xây dựng xã, phường, thị trấn, thôn, bản nơi mình sinh sống lành mạnh, không có ma túy. Có làm tốt được điều đó công tác cai nghiện và phòng chống ma túy thời gian tới sẽ đạt kết quả, nhất là khi chúng ta đang tiến tới thực hiện mục tiêu 90 - 90 - 90 về phòng chống HIV/AIDS do Liên Hiệp Quốc đưa ra.
Nguyễn Đình
Các tin khác
YBĐT - Thực hiện phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, thời gian qua, cùng với các hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD), Nhà máy Z183 (nay là Công ty TNHH Một thành viên Cơ khí 83 đóng tại xã Minh Quán, huyện Trấn Yên) đã có nhiều việc làm cụ thể, thiết thực cùng các địa phương chung tay xây dựng nông thôn mới (XDNTM).
YBĐT - Nhà ở dân cư là một trong những tiêu chí quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, để đạt chuẩn xã nông thôn mới đây lại là một trong những tiêu chí khó đối với nhiều địa phương ở Trấn Yên.
Ngày 9-12,Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh họp báo công bố Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần II, năm 2015 sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 11 đến 13-12, tại Hà Nội, với chủ đề “Tài năng trẻ Việt Nam chung tay dựng xây đất nước”.
Sáng 9/12, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học "Thành tựu nhân quyền Việt Nam 70 năm qua".