Văn Yên: Khởi sắc giáo dục vùng kinh tế, xã hội khó khăn
- Cập nhật: Thứ năm, 14/1/2016 | 9:39:09 AM
YBĐT - Hiện tại, 100% số xã trong khu vực khó khăn của huyện Văn Yên đạt chuẩn phổ cập giáo dục - chống mù chữ với tỷ lệ người biết chữ từ 15 - 25 tuổi đạt 97,2%; người biết chữ từ 26 - 35 tuổi đạt tỷ lệ 96,3%.
Dù là huyện vùng thấp, nhưng Văn Yên có tới 13 xã vùng cao, vùng kinh tế, xã hội khó khăn (gọi tắt là vùng khó khăn). Ông Phạm Xuân Sơn - Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện cho biết: cách đây 5 năm, toàn khu vực khó khăn mới có 11 trường mầm non, 14 trường tiểu học, 11 trường THCS, 2 trường tiểu học & THCS với tổng số 365 phòng học (87 phòng học tạm). Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên cũng thiếu, yếu về chất lượng và chưa đồng đều về cơ cấu môn học.
Đây là những nguyên nhân dẫn đến chất lượng giáo dục cũng như tỷ lệ huy động học sinh ra lớp khu vực khó khăn đạt thấp, tình trạng bỏ học còn nhiều. Việc thực hiện quy chế phối hợp giữa nhà trường với chính quyền chưa thường xuyên, nên công tác giáo dục chưa hiệu quả.
Để nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó khăn, huyện tập trung chỉ đạo thực hiện tốt Đề án nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao giai đoạn 2011 - 2015 và được sự quan tâm đầu tư của tỉnh, của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự ủng hộ của nhân dân, giúp cho giáo dục vùng cao Văn Yên đã có sự khởi sắc.
Điều này được thể hiện, sau 5 năm triển khai Đề án, cơ sở vật chất có sự phát triển khá. Số phòng học đã có tới 422 phòng, trong đó bán kiên cố trở lên là 179 phòng, chiếm 42,4%. Phòng ở bán trú cũng được đầu tư với 19 phòng xây mới, đảm bảo cho học sinh bán trú có chỗ ở và có 226 phòng công vụ, cơ bản đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho giáo viên.
Đội ngũ giáo viên cũng được tăng cường. Với tổng số 972 cán bộ, giáo viên, đến nay có 451/800 giáo viên khu vực khó khăn có trình độ trên chuẩn, đạt 56,4%, tăng 1,4% so với mục tiêu Đề án.
Đặc biệt, từ quan tâm đầu tư, sau 5 năm đã xây dựng được 6 trường đạt chuẩn quốc gia gồm: Trường Tiểu học An Bình, Trường Tiểu học số 2 Lang Thíp, Trường Tiểu học Viễn Sơn; Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Châu Quế Hạ, Trường THCS An Bình, Trường PTDTBT THCS Đại Sơn, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia lên 9 trường.
Đồng thời, đã xây dựng được 7 trường PTDTBT, nâng tổng số trường PTDTBT bán trú lên 4 trường, tăng 4 trường so với mục tiêu Đề án.
Cơ sở trường lớp được đầu tư, nhân lực được tăng cường, mạng lưới trường lớp được rà soát, sắp xếp lại với số lượng, quy mô phù hợp là nguyên nhân dẫn đến chất lượng giáo dục được nâng lên. Qua 5 năm triển khai Đề án, các xã vùng cao đã có 12 trường mầm non độc lập, mở 137 nhóm lớp, huy động 3.921 trẻ ra lớp, đạt 118,9% mục tiêu Đề án.
Trong đó, 100% trẻ cấp học này được theo dõi sức khỏe bằng biểu đồ tăng trưởng, được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc - xin và khám sức khỏe định kỳ theo quy định; trẻ 5 tuổi ở các xã đặc biệt khó khăn được hỗ trợ ăn trưa…
Qua đó, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở cấp học này giảm còn 10,4%, vượt 6,1% so với mục tiêu Đề án. Bên cạnh đó, công tác vệ sinh phòng bệnh được triển khai ở tất cả các cơ sở giáo dục, nên không nơi nào để xảy ra dịch bệnh, ngộ độc thức ăn, tai nạn thương tích và hàng năm, tỷ lệ bé khỏe, bé ngoan đạt từ 90% trở lên.
Đối với cấp giáo dục tiểu học, đến nay toàn khu vực khó khăn có 16 trường (đạt 100% mục tiêu Đề án), trong đó có 5 trường đạt chuẩn quốc gia; 3 trường PTDTBT. Cấp học này đã mở được 277 lớp, huy động được 5.713 học sinh đến lớp, đạt 103% mục tiêu Đề án.
Đối với bậc giáo dục THCS, toàn khu vực đã có 13 trường, tăng 3 trường so với mục tiêu Đề án; mở được 114 lớp, huy động được 3.670 học sinh, đạt 95,1% mục tiêu Đề án. Chất lượng giáo dục tăng mạnh, thể hiện qua xếp loại hạnh kiểm từ trung bình trở lên đạt 100%; học lực từ trung bình trở lên đạt 99%, trong đó loại khá, giỏi chiếm 33,6%.
Điều đáng mừng là từ sự quan tâm đầu tư của nhà nước và sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, người dân mà hiện tại cả 13 xã vùng cao, vùng khó khăn của huyện đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi ở mức độ 1, trong đó có 4 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2.
Hiện tại, 100% số xã trong khu vực khó khăn đạt chuẩn phổ cập giáo dục - chống mù chữ với tỷ lệ người biết chữ từ 15 - 25 tuổi đạt 97,2%; người biết chữ từ 26 - 35 tuổi đạt tỷ lệ 96,3%; 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS và đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non với tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt 80%.
Nguyễn Đình
Các tin khác
YBĐT - Vào lúc 8h40 phút ngày 13/1/2016, tại Km150 tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Đội Quản lý thị trường số 4 huyện Văn Yên phối hợp với Đội Chống buôn lậu, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Yên Bái phát hiện và thu giữ 12 kg pháo nổ do Trung Quốc sản xuất.
YBĐT - Từ ngày 5/1/2016 đến ngày 8/1/2016, tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Trạm Tấu có 69 học sinh mắc bệnh thủy đậu.
YBĐT - Trong số kinh phí trên, 6,55 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, 300 triệu đồng từ ngân sách địa phương.
YBĐT - Đến nay, toàn huyện Lục Yên còn 4.513 hộ nghèo và 4.475 hộ cận nghèo. Trong năm 2015, từ các nguồn quỹ, huyện Lục Yên đã làm mới và tu sửa cho 40 nhà ở với tổng giá trị trên 800 triệu đồng.