16 mùa xuân "gieo chữ" non cao

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/2/2016 | 3:03:58 PM

YBĐT - Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hàng năm không có hoa, không quà, nhưng được nghe học sinh khoe với bố mẹ rằng con đã biết đọc, biết viết, biết làm toán, thì đó đã là niềm hạnh phúc lớn nhất đối với thầy giáo Đỗ Văn Tùng - người 16 năm liên tục cắm bản “gieo chữ” cho những trò nhỏ vùng cao điểm trường thôn Tấu Trên, thuộc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học và THCS Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu.

Hạnh phúc nhất đối với thầy giáo Đỗ Văn Tùng là các em biết đọc, biết viết.
Hạnh phúc nhất đối với thầy giáo Đỗ Văn Tùng là các em biết đọc, biết viết.

Những ngày giáp tết, thôn Tấu Trên mù mịt sương giăng trong cái lạnh tê buốt. Nhưng trong lớp học của thầy giáo Tùng chủ nhiệm tại điểm trường thôn Tấu Trên, những tiếng đánh vần "ê, a, ơ..." của học sinh vẫn ngân vang giữa núi rừng.

Đồng chí hiệu trưởng nhà trường cho biết trước là sẽ có khách đến thăm điểm trường Tấu Trên, thầy Tùng có tí trau chuốt hơn ngày thường, nhưng con người anh vẫn chân chất, mộc mạc như những người dân của bản. Tâm sự của thầy cũng mộc mạc như thế. Thầy sinh năm 1976, quê ở tận trong Thanh Hóa. Năm 1997, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Tùng rời quê ra sinh sống cùng anh trai ở thị xã Nghĩa Lộ. Sau đó, anh thi vào Trường Trung học Sư phạm 12 + 2 Nghĩa Lộ, khóa 1998 - 2000.

Muốn được thử sức với nghề, sau khi ra trường, Tùng đã viết đơn tình nguyện lên dạy ở những thôn bản khó khăn nhất của huyện Trạm Tấu. Nơi đặt chân đầu tiên của chàng trai xứ Thanh là điểm trường Chống Tầu, thuộc Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Làng Nhì.

Làng Nhì vốn đã là xã xa trung tâm huyện nhất của Trạm Tấu thì thôn Chống Tầu lại là thôn xa nhất của xã Làng Nhì.

“Ngày đầu tiên đến điểm trường lẻ, tôi ngỡ ngàng trước cuộc sống vất vả, thiếu thốn của người dân nơi đây. Đi từ Nghĩa Lộ lên xã Làng Nhì mất khoảng 5 tiếng thì từ điểm trường chính của xã đến điểm Chống Tầu lại phải đi bộ mất 4 - 5 tiếng nữa. Có những hôm trời mưa, đường trơn trượt, chuyện té ngã là bình thường”- Tùng kể.

Song, thử thách lớn nhất đối với thầy giáo trẻ khi đó là việc bất đồng ngôn ngữ, chưa hiểu gì về tập tục của đồng bào Mông nơi đây mà thầy lại đứng lớp tiểu học.

Tùng nhớ lại: “Hôm đó, mình dạy tiết luyện từ và câu, khi giải nghĩa từ "con rùa", cả lớp ngơ ngác nhìn tranh con rùa treo trên bảng mà không biết thầy giáo gọi tên con vật ấy là gì, vì các em chưa nghe tên "con rùa" bao giờ. Lúc đó, mình chợt nhớ "con rùa" trong tiếng Mông là "vu ky" nên đã hướng dẫn học sinh gọi tên con vật sang tiếng Mông và chuyển phát âm bằng tiếng phổ thông thì các em mới hiểu. Có em còn mạnh dạn chia sẻ sự hiểu biết về con rùa”.

Từ câu chuyện đó, thầy Tùng đã tự rút ra được cách truyền đạt để học sinh người Mông hiểu bài nhanh, đó là, khi giải nghĩa một từ nào đó thì nên phiên dịch từ tiếng phổ thông sang tiếng đồng bào Mông để học sinh dễ hiểu, dễ nhớ hơn.

- Vậy, thầy học tiếng Mông bằng cách nào? Tôi hỏi.

- Buổi lên lớp, mình vừa dạy học vừa học tiếng Mông từ chính học sinh.

Buổi tối, mình đến nhà phụ huynh để học tiếng và cũng để tìm hiểu các phong tục, tập quán của đồng bào. Đến nay, vốn tiếng Mông của mình đủ để giao tiếp và vận dụng tốt trong dạy học.

Những khó khăn về bất đồng ngôn ngữ, đường sá gian nan, trường lớp tạm bợ... cũng đôi lúc làm cho thầy Tùng nản lòng. Nhưng với tình thương, trách nhiệm của người giáo viên khi được chứng kiến sự ham học của học sinh và biết bao bà con người Mông mong muốn cho con được học chữ, nên thầy lại quên hết mọi gian nan. Và điều hạnh phúc nhất với thầy là, số gia đình muốn con bỏ học giữa chừng để ở nhà giúp cha mẹ làm nương rẫy ngày càng giảm mạnh. Thấm thoắt thế mà đã 16 năm thầy Tùng gắn bó với các cô cậu trò nhỏ vùng cao.

Anh Mùa A Sử - bố của em Mùa Thị Dùa, học sinh điểm trường Tấu Trên, chia sẻ: “Thầy Tùng hết mực thương yêu trẻ con người dân tộc mình. Thầy rất trách nhiệm, tâm huyết với nghề và thầy giống như một người con của bản mình rồi. Nhờ thầy mà con mình biết đọc, biết viết. Thầy Tùng tốt lắm! Đồng bào không muốn cho thầy rời xa bản đâu!”.

Luôn nghiên cứu, tìm tòi và học hỏi để có phương pháp giảng dạy phù hợp với học sinh vùng cao, ngoài giờ dạy chính khoá, thầy Tùng còn tự nguyện kèm gặp, bồi dưỡng cho các em học yếu.

Nhận xét về thầy Tùng, thầy Nguyễn Duy Tiến - Hiệu trường nhà trường cho biết: "Được phân công giảng dạy tại điểm trường thôn Tấu Trên, cách trường chính 11 km, giao thông khó khăn nhưng nhiều năm qua. thầy Tùng với lòng say mê nghề nghiệp, tận tụy với học sinh đã có nhiều sáng kiến đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học sinh là người dân tộc thiểu số. Hàng năm, thầy đều được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp trường, chất lượng học sinh các lớp do thầy dạy đều có tỷ lệ chuyển lớp 100%, trong đó 30 - 40% xếp loại khá, giỏi”.

16 năm "cắm bản" ở điểm trưởng lẻ của các xã: Làng Nhì, Trạm Tấu là 16 mùa xuân mà thầy giáo Đỗ Văn Tùng đã công hiến tuổi thanh xuân để mang tri thức, ánh sáng của Đảng đến với học sinh vùng cao. Điểm trường lẻ hiện tại đã trở thành ngôi nhà thứ hai không thể rời xa với Tùng.

Thành tích 16 năm "gieo chữ" ở điểm trường lẻ đã ghi tên thầy Đỗ Văn Tùng trong số 64 giáo viên "cắm bản" tiêu biểu cả nước được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô 2015" nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 vừa qua tại Hà Nội và vinh dự được nhận Kỷ niệm chương, bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn vì thành tích xuất sắc trong việc bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ.

Đó chính là động lực thôi thúc những người thầy "yêu nghề, thương trẻ, giàu lòng hy sinh" như thầy Tùng để tiếp tục bám trường, bám lớp, bám bản vì đàn em thân yêu nơi vùng cao gian khó.

 Văn Tuấn

Các tin khác
Đại tá Phạm Hồng Chương - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (bên phải) nghiên cứu thực địa, phục vụ công tác quân sự quốc phòng.
(Ảnh: Thanh Năm)

YBĐT - Không khí ngày tết thường làm cho mọi người nao nao nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Song, với bộ đội Sư đoàn 355, cảm giác ấy trôi qua rất nhanh. Từ bao miền quê hội tụ về đây, xem đơn vị là đại gia đình, từ những cán bộ cao cấp đến anh lính binh nhì mới nhập ngũ chưa lâu, đều gác lại nỗi niềm riêng, chung tay chăm lo tết bộ đội.

YBĐT - Năm 2015 là năm đầu thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi, bổ sung và nhiều chế độ, chính sách mới. Với bao bộn bề công việc nhưng trong lòng mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Yên Bái luôn tràn đầy niềm vui vì đã đóng góp một phần công sức vào sự nghiệp an sinh xã hội ở địa phương.

YBĐT - Đông qua, xuân tới, trăm hoa rừng chen nhau đua nở. Sắc vàng của nắng trải đều trên những thung lũng. Hoa đỏ, trắng, phớt hồng rồi vàng nhạt. Lan tím, trắng, đỏ cứ nhất tề bung nở. Anh Tráng A Gà ở thôn Mù Cao, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu đi lên rừng hái lá chuối về gói bánh dày cười vui:

Bà Bùi Thị Sớm phấn khởi vì năm nay được đón Tết trong căn nhà mới khang trang, rộng rãi.

YBĐT - Với mong muốn mọi nhà đều được đón Tết, vui xuân đầm ấm, trọn vẹn, đã thành truyền thống mỗi dịp tết đến, xuân về, phong trào chăm lo Tết cho đối tượng người có công, người cao tuổi, người nghèo trên địa bàn huyện Văn Yên lại trở nên sôi nổi hơn. Với tinh thần đoàn kết, “lá lành đùm lá rách", phong trào đã và đang ngày càng thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân, của các cấp, các ngành để giúp những hoàn cảnh khó khăn có một cái Tết thêm đủ đầy.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục