Về Phong Dụ Hạ
- Cập nhật: Thứ sáu, 5/2/2016 | 4:31:39 PM
YBĐT - Chúng tôi về Phong Dụ Hạ (Văn Yên) một ngày cuối đông. Tuyến đường Đông An - Gia Hội dài gần 20 km trải nhựa phẳng phiu, thẳng đến tận trung tâm xã. Khúc giao mùa, bên đại ngàn xanh bung sắc thắm hoa đào, trắng hoa mận, hoa mơ, bên kia là dòng suối Hút xanh trong, uốn lượn, ôm trọn cả vùng đất. Phong Dụ Hạ giờ đã trở thành trung tâm của 3 xã: Xuân Tầm, Phong Dụ Hạ và Phong Dụ Thượng.
Xã Phong Dụ Hạ hôm nay.
|
Phong Dụ Hạ có 9 thôn. Toàn xã có trên 950 hộ, 4.300 khẩu. Đồng bào Tày chiếm trên 60%, còn lại là đồng bào Thái, Kinh và Dao. Là "trái tim" cụm xã, trung tâm Phong Dụ Hạ tấp nập các đầu mối tư thương, sản xuất chế biến quế, gỗ rừng trồng; các điểm dịch vụ, thương mại, doanh nghiệp, giúp bà con trao đổi hàng hóa, cung cấp các nguyên vật liệu xây dựng... Thôn nối thôn, phẳng đường bê tông hóa. Thị tứ Phong Dụ Hạ sầm uất. Đâu đâu cũng nhà xây hai tầng khang trang, chưa kể giữa nơi này sừng sững một khách sạn 7 tầng được bà con khẳng định là to, cao và đẹp nhất huyện Văn Yên. Ô tô chở khách, xe tải, xe máy vận chuyển hàng hóa nhộn nhịp ngày đêm…
Phòng khám Đa khoa khu vực xây dựng khang trang, hiện đại. Các điểm trường được đầu tư xây dựng thu hút 100% trẻ em trong độ tuổi ra lớp thường xuyên... Phong Dụ Hạ hôm nay đã khoác trên mình màu áo mới. Một sự sung túc, mở mang đang hiện hữu.
“Để Phong Dụ Hạ như ngày hôm nay là cả một quá trình, chứ trước đây thì khó khăn, vất vả lắm! Cái gì cũng thiếu, nói cách khác là... không có gì” - đồng chí Lê Văn Thọ - Chủ tịch UBND xã chia sẻ. Ngày ấy, khi chưa chia tách, 3 xã Phong Dụ Hạ, Phong Dụ Thượng, Xuân Tầm đều thuộc Phong Dụ, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Sau năm 1965, Phong Dụ sáp nhập vào tỉnh Yên Bái và chia tách thành 3 xã như ngày hôm nay.
30 năm trước, cứ nghĩ đến việc đi công tác tại Phong Dụ Hạ ai cũng thấy ngại ngần, bởi muốn đến chỉ có cách đi tàu hỏa lên Trái Hút, sau đó “cuốc bộ” 17 km đường đất. Người đi nhanh cũng chừng 4 đến 5 giờ đồng hồ, người chậm hết cả ngày. Vùng Phong Dụ trở nên xa cách, biệt lập với các địa phương khác của huyện.
“Ngày đó, cây chủ lực của xã là quế. Nhờ lợi thế, địa phương có 3 sân bay lên thẳng để máy bay vào chuyên chở quế và các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân nhưng chẳng đáng là bao” - đồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết thêm. Xã khi đó thực sự khó khăn: điện lưới không, hệ thống giao thông đến các thôn, bản chủ yếu là đường mòn; mạng lưới y tế, giáo dục toàn nhà tạm hoặc tranh tre, nứa lá; ruộng nước ít, không bảo đảm được lương thực, thực phẩm… Kinh tế chậm phát triển, sản xuất hàng hóa chủ yếu tự cung, tự cấp và “chờ” vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước và tỉnh.
Từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước, xã được "mở mày" khi tuyến đường Đông An - Gia Hội thông suốt nhờ sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và ngày công của nhân dân địa phương, lại được huyện chỉ đạo xây dựng thành trung tâm cụm xã của vùng Phong Dụ. Xác định lợi thế và sự ưu ái của huyện, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chủ động họp bàn và đi đến thống nhất cao.
Muốn đưa kinh tế Phong Dụ Hạ phát triển điều tiên quyết phải xây dựng hệ thống giao thông. Đầu tiên, mở mới 1 km đường bê tông khu vực trung tâm xã, sau đó đẩy mạnh xây dựng đường giao thông liên thôn, bản bằng việc vận động trên 70% ngày công và hiến đất của người dân.
Là trung tâm cụm xã nên Phong Dụ Hạ chọn hướng phát triển mạnh thương mại, dịch vụ trên cơ sở thành lập các hợp tác xã chuyên sản xuất, cung cấp vật liệu xây dựng và các mặt hàng nông sản phục vụ người dân. Bên cạnh đó, xã còn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nơi khác đến kinh doanh, sản xuất và bao tiêu các sản phẩm nông, lâm sản, vật liệu xây dựng, cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết cho bà con.
Anh Vũ Văn Hải - kinh doanh dịch vụ, thương mại ngay trung tâm xã bộc bạch: “Mình là người dưới xuôi lên đây kinh doanh, buôn bán. Tuy không phải người địa phương song luôn được sự quan tâm, tạo điều kiện của xã nên việc kinh doanh rất tốt. Mình đã chuyển cả gia đình, con cháu lên đây lập nghiệp”.
Anh Trần Văn Tam - chủ cửa hàng buôn bán thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi quy mô khá lớn ở trung tâm xã cho biết: “Tôi chọn kinh doanh mặt hàng này vì thấy nhu cầu về thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại địa phương rất lớn. Điểm bán hàng tiện lợi, người dân không phải đi xa nên lượng khách khá đông. Ngoài ra, gia đình tôi còn nuôi thêm 5 con lợn nái và gần 100 con lợn thịt, hàng năm xuất chuồng từ 3 đến 4 lứa…".
Cũng giống như bao xã vùng cao của huyện, diện tích ruộng nước ít lại khó canh tác nên quế đã trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế địa phương. Với sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước về giống, kỹ thuật, bà con đã chủ động chuyển đổi đất và quy hoạch thành vùng quế (1 trong 8 vùng quế lớn nhất của huyện Văn Yên). Hàng năm, cấp ủy, chính quyền địa phương còn vận động nhân dân trồng mới từ 100 đến 150 ha. Đến nay, diện tích quế toàn xã đạt trên 1.100 ha.
“Chúng tôi còn chủ động thu hút các doanh nghiệp đến xây dựng các tổ, nhóm sản xuất quế sạch và chủ động bao tiêu các sản phẩm quế cho nhân dân địa phương” - đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Hà Cơ Yếu cho biết.
Phong Dụ Hạ chuyển mình rõ nét nhất là từ năm 2010 đến nay. Với 30 chỉ tiêu Đảng ủy xã đề ra, trong đó chủ yếu tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương như: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, làm đường giao thông nông thôn, phát triển mạnh đàn gia súc, gia cầm..., đến nay, cơ cấu kinh tế của xã đã chuyển dịch đúng hướng với tỷ trọng nông - lâm nghiệp giảm còn 52%, tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp tăng lên 48%.
Tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân hàng năm 11%. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 15 triệu đồng/năm, tăng 8 triệu đồng so với năm 2010. Toàn xã có 5 cơ sở chuyên sản xuất đồ mộc dân dụng, 4 cơ sở quy mô lớn thu mua quế và các hàng nông sản, 1 công ty khai thác đá, kinh doanh xăng dầu, hợp tác xã kinh doanh vật liệu xây dựng… với tổng doanh thu bình quân 28 tỷ đồng/năm, tăng 12 tỷ đồng so với năm 2010, góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 100 lao động mỗi năm. Xã còn có trên 150 hộ kinh doanh dịch vụ tổng hợp buôn bán, bán lẻ, 16 ô tô các loại tham gia kinh doanh, vận chuyển hàng hóa… Tổng doanh thu hàng năm bình quân đạt trên 85 tỷ đồng, tăng 25 tỷ đồng so với năm 2010.
Tuy thế, Phong Dụ Hạ vẫn là xã vùng ba. Sự chênh lệnh về kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo giữa các thôn còn khá lớn. Trong 9 thôn vẫn còn 3 thôn đặc biệt khó khăn là Khe Giang, Khe Kìa và Khe Hao. Bởi vậy, tỷ lệ hộ nghèo hiện nay của toàn xã theo tiêu chí mới vẫn còn chiếm trên 40% cùng một số khó khăn trong quá trình quy hoạch, phát triển khu vực trung tâm cụm xã, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều năm tới.
Song những đổi thay của Phong Dụ Hạ hôm nay đã cho thấy một sức sống mãnh liệt từ mảnh đất, con người, một luồng sinh khí mới để chúng ta kỳ vọng, như lời Bí thư Đảng ủy xã Hà Cơ Yếu trước lúc chia tay: “Đó là nhờ tinh thần đoàn kết, trên dưới một lòng của cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc nơi đây mà nên”.
Ngọc Sơn
Các tin khác
YBĐT - Tết về - là tiếng hồn quê hương của mỗi người con đất Việt xa xứ. Giữa chốn phồn hoa, tráng lệ, ồn ào của cuộc sống hiện đại bên trời Tây, không khí tết đầm ấm ở quê nhà Việt Nam vẫn luôn có sức hút ghê gớm, lay động, mời gọi, thôi thúc họ nhớ về cội nguồn, nơi hình ảnh lưng bà, dáng mẹ, bóng cha còn in đậm trong trái tim.
YBĐT - Đất trời vào xuân, cao nguyên Mù Cang Chải đẹp hơn trong sắc màu sặc sỡ của hoa tớ dảy, hoa dã quỳ, hoa đào đua nhau khoe sắc. Bởi thế, dù đã bao lần đến đây, nhưng với tôi lúc nào cũng trong tâm trạng háo hức và có phần ngỡ ngàng về một vùng cao đang thay đổi từng ngày. Con người cũng tươi vui hơn bởi cái đói, cái nghèo đang lùi xa và người Mông vui sống hài hòa giữa nét văn hóa truyền thống đặc sắc cùng ánh sáng văn minh hiện đại.
YBĐT - Mùa xuân đã tràn ngập các miền quê Yên Bái. Lòng người rạo rực, tiết xuân ấm áp. Từ bản làng vùng cao đến các góc phố, đường quê đang phơi phới đón xuân mới. Mỗi nhành hoa, ngọn cỏ; từng công việc bình dị, những cảm nhận đầu năm... dường như đang gom góp, chở đầy xuân đến khắp nẻo đường và mỗi căn nhà dạt dào hạnh phúc.
YBĐT - Những ngày đầu xuân Bính Thân, chúng về thăm quê hương Văn Yên anh hùng, đến đâu cũng thấy cờ hoa rực rỡ treo khắp đường phố trung tâm thị trấn Mậu A đến các bản, làng ở các xã vùng cao Viễn Sơn, Đại Sơn, Mỏ Vàng, Châu Quế Hạ, Châu Quế Thượng... mừng Đảng, mừng xuân, mừng những thành quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện đã nỗ lực phấn đấu đạt được trong năm 2015 và cả nhiệm kỳ 2010- 2015.