Tết Việt - nỗi nhớ người xa xứ
- Cập nhật: Thứ sáu, 5/2/2016 | 4:19:08 PM
YBĐT - Tết về - là tiếng hồn quê hương của mỗi người con đất Việt xa xứ. Giữa chốn phồn hoa, tráng lệ, ồn ào của cuộc sống hiện đại bên trời Tây, không khí tết đầm ấm ở quê nhà Việt Nam vẫn luôn có sức hút ghê gớm, lay động, mời gọi, thôi thúc họ nhớ về cội nguồn, nơi hình ảnh lưng bà, dáng mẹ, bóng cha còn in đậm trong trái tim.
Gia đình chị Đoàn Thu Hương định cư ở Australia trong một lần trở về Việt Nam dịp tết Nguyên đán.
|
Nỗi nhớ khôn nguôi
Xa quê, định cư ở Australia gần 18 năm nhưng chị Đoàn Thu Hương, hướng dẫn viên của Công ty Du lịch TST ở thành phố Sydney vẫn khôn nguôi nhớ quê mình. Với chị, quê hương là điểm tựa của tinh thần và ý chí giúp chị sống, học tập và làm việc mong có cơ hội được trở về góp sức xây dựng quê hương.
Nhớ lại những ngày tết xưa cũ, chị Hương dốc lòng: “Nhìn những chiếc bánh chưng mà người thân gửi sang trước tết, mình nhớ mãi những ngày bé thơ, theo cha vào rừng lấy giang, lá dong về gói bánh. Nhà nghèo nên nồi bánh chưng là mối quan tâm lớn nhất của cả nhà. Từ khi cha ngồi chẻ lạt, mẹ vo gạo, đãi đỗ đến khi ngọn lửa bùng lên, chúng mình chỉ biết nhìn săm soi vào nồi bánh. Vui lắm khi vớt bánh, bố chia cho mỗi đứa một chiếc bánh nhỏ để thưởng thức trước, những cái bánh to còn lại phải chờ sang ngày mùng 1 tết, cúng tổ tiên xong mới được ăn. Bây giờ, đi khắp phương trời, nếm đủ vị ngọt bùi, mới lạ vẫn không thể tìm lại cảm giác và vị ngậy ngọt ngào của những chiếc bánh chưng nơi quê nhà”.
Cũng là người xa xứ như chị Hương, nhưng anh Đoàn Việt Nam - Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) Việt Nam tại Lào may mắn hơn là không phải định cư ở nước bạn. Tuy nhiên, vào dịp Tết, anh lại không được nghỉ mà phải ở lại nước bạn làm nhiệm vụ.
Nói về tết cổ truyền, anh chia sẻ: “Mình đã sang đây vài năm, công việc bận rộn, cuốn hút nhưng cứ đêm về thì nỗi nhớ đầu tiên là quê hương. Mặc dù ngày nào cũng gọi điện cho cha mẹ, vợ con nhưng tết đến, nỗi nhớ nhà thì không bao giờ cũ. Mình nhớ bố mẹ những ngày tết thường tất bật lắm, từ lo việc thờ cúng tổ tiên, tạ mộ, thăm thú họ hàng, người thân... Những nét văn hoá ấy luôn là nỗi khát khao, nhớ nhung của mình”.
Nhớ quê hương, dù mẹ cha không còn, nhưng anh Nguyễn Văn Cường - nhân viên lái xe và phục vụ tại cửa hàng ăn uống Châu Á, thành phố Munchen (Cộng hoà Liên bang Đức) năm nào cũng về quê ăn tết. Nhà có 7 anh chị em, ai cũng có gia đình nên lần trở về, đại gia đình anh lại cùng sum vầy ăn tết tại nhà bố mẹ đẻ.
Anh tâm sự: “Quê hương là tất cả. Dù ở Đức có đủ vợ, con và sự nghiệp nhưng đó là cuộc sống, còn gia đình, người thân, quê hương đã là máu thịt, hơi thở của mình. Mình mong sao, khi con cái trưởng thành, khi về già mình được trở về quê sống những năm tháng cuối đời”.
Là người cũng đã định cư tại Đức 25 năm, chị Trần Việt Hoa - nhân viên Khách sạn Mariot, thành phố Munchen (Cộng hoà Liên bang Đức) còn dành tình cảm đặc biệt với quê nhà qua cách dạy con.
Ngoài thời gian dành cho công việc ở khách sạn, lúc ở nhà, chị dùng tiếng Việt để giao tiếp với 2 cậu con trai. Những kỷ niệm, những phong tục người Việt hầu như các con chị đều rất hiểu. Do đó, chị rất tự hào với những người Việt ở Đức về điều này. Năm nào cũng vậy, cứ vào đêm 30 tết, chị lại dành thời gian để các con nói chuyện điện thoại với ông bà bằng tiếng Việt, sau đó cả nhà cùng ngồi xem chương trình “Chào Xuân mới” của Đài Truyền hình Việt Nam trên kênh VTV4.
Nói về tết cổ truyền, chị Hoa tâm sự: “Ngày nào còn sống thì ngày ấy mình đều nhớ về đất Việt. Nhớ cái tết với phong tục mừng tuổi, lì xì và đón giao thừa rồi theo mẹ ra chùa Bách Lẫm cầu an. Nhớ lắm tiếng trống chèo, tiếng thơ của Đoàn chèo Hoàng Liên Sơn (nay là Đoàn Nghệ thuật tỉnh Yên Bái) và vườn đào ngày tết của bố. Những ngày còn nhỏ, tết ở quê nghèo nhưng đầm ấm, sum vầy, mẹ cha đều khoẻ mạnh, bây giờ nhà nhà đầy đủ, có thể báo hiếu cho cha mẹ thì cha mẹ lại già mất rồi...”.
Còn với Bạch Linh Chi - sinh viên Đại học Đông Anglia tại Anh thì tết cổ truyền in đậm qua lời kể của bà, Linh Chi tâm sự: “Cháu xa bố mẹ từ khi vào học cấp III ở Trường Hà Nội - Amsterdam, rồi đi du học, ký ức của cháu về những cái tết chủ yếu qua những câu chuyện của bà nội. Ngày bé, vào những đêm giao thừa khi bố mẹ còn bận chuyện cúng lễ, chỉ có cháu và bà rảnh, bà kể cho cháu nghe câu chuyện về Táo công và giải thích vì sao phải cúng giao thừa. Bà bảo, lúc bé bà chưa bao giờ được may quần áo đẹp vì ở nông thôn nghèo nên em bé thường mặc lại của anh chị lớn, ngày tết chỉ được nghỉ 1 ngày, từ mồng 2 trở đi là phải đi cấy, cháu nhớ bà mỗi khi tết về bà thường dẫn cháu lên chùa Am cầu an cho gia đình”.
Tết đến - hẹn ngày về
Cây đào được chị Đoàn Thu Hương mang sang trồng ở Australia để vơi nỗi nhớ quê hương mỗi khi tết đến, xuân về.
Dường như vô tình không hẹn trước, tôi - người kết nối những nỗi niềm xa quê ấy đã nhận được tin vui: chị Đoàn Thu Hương, anh Đoàn Việt Nam, anh Nguyễn Văn Cường, chị Trần Việt Hoa và bạn Bạch Linh Chi cùng về quê ăn tết.
Nói chuyện qua những dòng tin trên Zalo, chị Hương cho biết: “Cảm giác nhìn về cuối chân trời, nơi có mẹ, cha đang ngóng chờ mình cảm thấy hồi hộp lắm. Cái tết này thật ý nghĩa vô cùng. Mình sẽ cùng gia đình tổ chức mừng thọ cho bố mẹ, sau đó sẽ đưa chồng con đi thăm họ hàng, bà con vì từ ngày sang đó chưa bao giờ cả nhà cùng về quê ngoại. Mình sẽ giải thích cho các con hiểu hơn về Yên Bái - mảnh đất mình sinh ra và lớn lên, về phong tục, tập quán người Việt và cả nhà sẽ mặc áo dài truyền thống. Mình hy vọng, bố mẹ sẽ hài lòng”.
Với anh Nam, tết này đã là tết thứ 3 anh mới trở về đúng dịp. Anh bảo, sẽ dành trọn thời gian cho gia đình. Từ ngày 23 tháng Chạp (cúng Táo công) cho đến những ngày áp tết, với anh, sẽ là những công việc quen thuộc: đưa mẹ đi sắm sửa đồ lễ, về quê thắp hương cho các cụ, cùng vợ con đi lễ chùa...
Anh Cường thì chia sẻ, tết này vẫn là tết đoàn viên dưới mái nhà mẹ cha để lại. Ngoài ra, anh Cường còn có dự định cùng người thân sẽ đi du lịch xuyên Việt. Bởi anh quan niệm rằng, càng đi xa, càng thấm thía, quê hương mình sinh ra nằm trong quê hương lớn Việt Nam. Chừng nào mình còn thấy quê hương mình giàu đẹp, tình người hồn hậu thì đó còn là nẻo về của các đời con cháu mai sau.
Với chị Hoa, tết từ trong tâm khảm: “Ngày tết ở quê rất đầm ấm và linh thiêng vô cùng. Khi nói với các con về nghi lễ cúng giao thừa và đi chúc tết năm mới, các con chị rất hân hoan, chúng bảo sau này, mỗi năm phải về quê ăn tết một lần bởi vì ở đó mẹ được sinh ra và là cội nguồn tổ tiên của chúng”.
“Năm nay cháu sẽ về quê ăn tết sớm hơn mọi năm, không tham gia các hoạt động ngoại khoá cùng các bạn nữa vì mẹ cháu bảo bà nội năm nay yếu lắm, lưng bà còng hơn và không nhai trầu được mà phải dùng cối xay, bà muốn nhìn thấy cháu lấy chồng...” - từ xứ xở Sương mù, Bạch Linh Chi gửi gắm.
Quê hương vẫn và sẽ luôn là nơi để trở về. Những nỗi niềm, tâm tư của những người con xa xứ vẫn đong đầy, hướng về nguồn cội. Dù đi đâu, sống ở phương trời nào thì với họ, quê hương vẫn mãi là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn, là nơi sưởi ấm lòng mình khi mỗi mùa tuyết rơi nơi xứ lạnh. Xin được mượn lời thơ của nhà thơ Giang Nam để lần nữa thay tiếng lòng của họ: “Quê hương, mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một mẹ thôi/ Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người...”.
Nguyễn Thanh
Các tin khác
YBĐT - Đất trời vào xuân, cao nguyên Mù Cang Chải đẹp hơn trong sắc màu sặc sỡ của hoa tớ dảy, hoa dã quỳ, hoa đào đua nhau khoe sắc. Bởi thế, dù đã bao lần đến đây, nhưng với tôi lúc nào cũng trong tâm trạng háo hức và có phần ngỡ ngàng về một vùng cao đang thay đổi từng ngày. Con người cũng tươi vui hơn bởi cái đói, cái nghèo đang lùi xa và người Mông vui sống hài hòa giữa nét văn hóa truyền thống đặc sắc cùng ánh sáng văn minh hiện đại.
YBĐT - Mùa xuân đã tràn ngập các miền quê Yên Bái. Lòng người rạo rực, tiết xuân ấm áp. Từ bản làng vùng cao đến các góc phố, đường quê đang phơi phới đón xuân mới. Mỗi nhành hoa, ngọn cỏ; từng công việc bình dị, những cảm nhận đầu năm... dường như đang gom góp, chở đầy xuân đến khắp nẻo đường và mỗi căn nhà dạt dào hạnh phúc.
YBĐT - Những ngày đầu xuân Bính Thân, chúng về thăm quê hương Văn Yên anh hùng, đến đâu cũng thấy cờ hoa rực rỡ treo khắp đường phố trung tâm thị trấn Mậu A đến các bản, làng ở các xã vùng cao Viễn Sơn, Đại Sơn, Mỏ Vàng, Châu Quế Hạ, Châu Quế Thượng... mừng Đảng, mừng xuân, mừng những thành quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện đã nỗ lực phấn đấu đạt được trong năm 2015 và cả nhiệm kỳ 2010- 2015.
YBĐT - Trong lúc người người mừng đón xuân sang thì các chiến sĩ cảnh sát hình sự - lực lượng chủ công trong trấn áp tội phạm vẫn âm thầm thực hiện các biện pháp nghiệp vụ. Nói như thiếu tá Hoàng Thế Dũng (Phòng PC45, Công an tỉnh Yên Bái) “đã là lính hình sự làm gì có ngày nghỉ. Các anh không có ngày nghỉ là để mùa xuân được tươi vui, người người, nhà nhà được hạnh phúc".