Người nông dân tâm huyết với cây chè
- Cập nhật: Thứ tư, 24/2/2016 | 10:40:57 AM
YBĐT - Mô hình trồng chè Bát tiên tưới tự động của gia đình ông Nguyễn Đình Hương được đánh giá là có nhiều cách làm mới được nhiều người dân không chỉ trong thôn, trong xã mà nhiều địa phương lân cận đến học tập.
Ông Nguyễn Đình Hương (ngoài cùng bên phải) giới thiệu mô hình trồng chè của gia đình.
|
Theo lời giới thiệu của đồng chí Trần Đức Học - Bí thư Đảng ủy xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, chúng tôi đến thăm mô hình trồng chè Bát Tiên tưới tự động của gia đình ông Nguyễn Đình Hương, thôn 5; mô hình được đánh giá là có nhiều cách làm mới được nhiều người dân không chỉ trong thôn, trong xã mà nhiều địa phương lân cận đến học tập.
Trên con đường bê tông phẳng lì, chưa đầy 10 phút từ trụ sở UBND xã chúng tôi đã có mặt tại nhà ông Hương, đón chúng tôi bằng cái bắt tay khá chặt và nụ cười tươi rói, ông kể cho chúng tôi nghe về ngày đầu khởi nghiệp của gia đình. Sinh ra trong gia đình thuần nông, cuộc sống bao năm qua cũng chỉ quanh quẩn với ruộng vườn, vốn là người có chí không cam chịu đói nghèo, tuy nhiên, với một vùng quê thuần nông để thoát nghèo không phải là chuyện đơn giản, xoay xở đủ nghề mà cuộc sống cũng không khả giả hơn là mấy, sau vài lần đi thăm quan các mô hình làm kinh tế của những hộ dân ở các địa phương lân cận, đặc biệt là việc trồng cây chè kinh doanh cũng không có gì là khó khăn, ở một số địa phương của các huyện vùng cao mọi người còn làm được chả nhẽ vùng thấp có nhiều điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi lại không làm được? Nghĩ là làm, sẵn có diện tích đồi rừng rộng, hơn nữa, huyện đang có chủ trương phát triển cây chè Bát tiên, năm 2006, gia đình ông đã mạnh dạn đăng ký với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để được hỗ trợ giống chè về trồng.
Lúc đầu cũng chỉ trồng theo chương trình của huyện bởi theo suy nghĩ của gia đình ông thì việc trồng thêm cây chè cũng chỉ để thêm thắt chút thu nhập cho gia đình chứ cũng không thể coi là cây chủ lực trong việc xóa đói giảm nghèo.
Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu qua sách báo và đi thăm quan vài mô hình trồng chè bằng hình thức tưới tự động của các hộ dân ở xã khác thấy hiệu quả hơn hẳn bởi thực tế nhiều năm qua, việc trồng chè chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên là chính. Năm nào mưa gió thuận hòa thì cây chè phát triển tốt, năm nào thời tiết khắc nghiệt thì cây chè kém hiệu quả. Sẵn có nguồn nước dồi dào, hơn nữa trồng chè bằng hình thức tưới tự động, cây chè sinh trưởng phát triển tốt hơn, năng suất cao hơn mà thời gian thu hái cũng dài hơn.
Được chương trình khuyến công của huyện hỗ trợ 50% giá trị máy móc, gia đình ông đã tập trung vốn liếng đầu tư hệ thống tưới tự động trị giá 15 triệu đồng gồm hệ thống ống dẫn nước, vòi tưới tự động. Vậy là không còn phải phó mặc, trông cậy vào điều kiện thiên nhiên, nương chè của gia đình ông thường xuyên giữ được độ ẩm. Chính bởi vậy mà cây chè sinh trưởng phát triển khá tốt, chỉ sau 2 năm trồng, chè đã cho thu hái lứa đầu tiên với năng suất cao hơn hẳn chè trồng dựa vào tự nhiên.
Ông Hương cho biết: “Việc trồng chè bằng hình thức tưới tự động không tốn nhiều nhân công, thời gian thu hái dài hơn, nếu như để phụ thuộc vào tự nhiên thì một năm chỉ thu hái từ tháng 3 Âm lịch đến tháng 10 Âm lịch, còn trồng bằng hình thức tưới tự động có thể thu hái quanh năm, khi thời điểm chè trong dân chưa có gia đình mình đã có chè hoặc khi mọi người đã hết chè gia đình mình vẫn còn chè. Như vậy tính về kinh tế, bỏ ra chi phí ban đầu cao nhưng bù lại sẽ thu được lâu dài”.
Không làm chè như những hộ dân khác, sẵn có nhân lực, gia đình ông đầu tư thêm “bom” để sao chè bán, bằng hình thức tự sản xuất, chế biến lấy, đáp ứng đúng theo tiêu chuẩn sản xuất chè VietGAP, với giá bán vừa phải, dao động từ 100 - 150 ngàn đồng/kg chè khô. Bởi vậy, sản phẩm chè khô của gia đình ông làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy. Giờ đây, không chỉ các hộ dân trong thôn, trong xã mà nhiều hộ dân ở những xã khác cũng đã tìm đến gia đình ông để mua chè khô về sử dụng, như dịp tết Nguyên đán vừa qua, nhiều người đến đặt chè để mua với khối lượng lớn mà gia đình ông không còn chè để bán.
Mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, từ một hộ nghèo đến nay, gia đình ông đã vươn lên trở thành hộ khá giả trong thôn. Từ chỗ xác định là cây trồng phụ thì nay, chè đã trở thành cây chủ lực của gia đình, bình quân mỗi năm trừ chi phí thu nhập từ cây chè cũng mang về cho gia đình ông nguồn thu trên 20 triệu đồng, cộng với thêm thắt trong chăn nuôi, gia đình ông đã sắm sửa được nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền. Dự định trong năm nay, nếu có điều kiện thì gia đình ông sẽ mở rộng quy mô để tập trung chuyên canh vào trồng chè bằng hình thức tưới tự động.
Thanh Tân
Các tin khác
Ngày 23-2, Bộ Y tế cho biết để phục vụ nhu cầu tiêm chủng vaccine dịch vụ của người dân, đồng thời giảm bớt tình trạng căng thẳng vaccine dịch vụ, vào tháng 3 tới sẽ có thêm 30.000 liều vaccine dịch vụ “5 trong 1” Pentaxim được nhập về Việt Nam và chuyển cho các tỉnh, thành khu vực phía Bắc.
Từ 1/5, một số đối tượng sẽ được bổ sung trong diện miễn thuế thu nhập cá nhân trong đó có chuyên gia nước ngoài thực hiện chương trình, dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.
YBĐT - 1.000 thanh niên trong toàn tỉnh Yên Bái được gọi nhập ngũ của năm 2016 đã sẵn sàng cho ngày hội tòng quân diễn ra vào sáng ngày 25/2/2016 tới đây.
Ngày 24-25/2, nhiệt độ miền Bắc sẽ xuống thấp nhất trong đợt rét lần này, đồng bằng khoảng 10-13 độ, vùng núi 3-6 độ C.