Cần đẩy mạnh công tác dân số ở các xã đặc biệt khó khăn ở Yên Bái
- Cập nhật: Thứ năm, 10/3/2016 | 2:37:56 PM
YBĐT - Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS/KHHGĐ) ở các xã đặc biệt khó khăn ở Yên Bái luôn được quan tâm đặc biệt thực hiện vì những khó khăn đặc thù của địa bàn này.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền dân số - KHHGĐ luôn là việc cần làm trong thời gian tới.
|
Những năm qua, công tác tuyên truyền DS/KHHGĐ ở các xã này được mở rộng và đẩy mạnh. Đặc biệt, việc tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ KHHGĐ được duy trì 2 đợt/năm tại các xã đặc biệt khó khăn đã có tác động mạnh đến nhận thức của người dân và góp phần quan trọng trong việc tăng số người thực hiện KHHGĐ tại các địa bàn khó khăn của tỉnh.
Cùng đó, hệ thống cung cấp dịch vụ KHHGĐ được củng cố và phát triển tập trung ở tuyến cơ sở, giúp cho 100% số xã vùng đặc biệt khó khăn có đủ điều kiện làm dịch vụ KHHGĐ, góp phần quan trọng vào giảm tỷ lệ sinh và sinh con thứ ba ở các xã này. Trung bình, tỷ lệ sinh con thứ ba ở các xã này năm 2011 là 22%, đến năm 2015 giảm xuống còn 17%.
Cùng với tích cực đẩy mạnh thực hiện KHHGĐ thì vấn đề nâng cao chất lượng dân số cũng được quan tâm ở các xã đặc biệt khó khăn. Từ năm 2011, với nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia DS/KHHGĐ, Yên Bái đã được triển khai thí điểm mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 15 xã vùng cao của 4 huyện: Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên.
Kết quả, số cặp hôn nhân cận huyết thống giảm từ 5 cặp xuống còn 2 cặp, tỷ lệ cặp vợ chồng có đăng ký kết hôn tăng từ 51,4% lên 87% năm 2014, khắc phục tình trạng học sinh bỏ học lấy vợ, lấy chồng và các hệ lụy khác.
Một số chính sách của tỉnh theo Nghị quyết số 29/2012/HĐND ngày 12/12/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh “Về một số chính sách hỗ trợ công tác DS/KHHGĐ tỉnh Yên Bái giai đoạn 2013-2016” đã tỏ ra khá hiệu quả đối với vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.
Cụ thể, các hoạt động, chính sách như: hoạt động truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho các xã đặc biệt khó khăn (định mức 1 triệu đồng/xã/năm), chính sách bồi dưỡng người triệt sản (200.000 đồng/người), bồi dưỡng người đặt dụng cụ tử cung (50.000 đồng/người) đã khuyến khích đối tượng chấp nhận thực hiện KHHGĐ với khoảng 80 người/năm thực hiện triệt sản, 4.000 người/năm thực hiện đặt vòng.
Đặc biệt, huyện Trạm Tấu đã bổ sung kinh phí của địa phương để bồi dưỡng người thực hiện triệt sản là 1.000.000 đồng/người đã khuyến khích thêm người thực hiện KHHGĐ bằng phương pháp này. Các chính sách khuyến khích khen thưởng cũng đã góp phần mang lại hiệu quả trong công tác DS/KHHGĐ ở các xã đặc biệt khó khăn.
Trong hai năm 2013-2014, UBND tỉnh đã thưởng 10 lượt xã vùng cao, đặc biệt khó khăn có thành tích 1 năm giảm nhanh số người sinh con thứ ba trở lên so với năm trước.
Ngoài ra, các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Yên đã ban hành nghị quyết khen thưởng 71 lượt tổ, thôn có thành tích không có người sinh con thứ ba trở lên. Chính sách khuyến khích, khen thưởng đã góp phần đưa mô hình quy mô gia đình có hai con đi vào cuộc sống, hạn chế việc sinh con thứ ba trở lên.
Với nhiều hoạt động, chính sách và nỗ lực của đội ngũ những người làm công tác dân số, công tác DS/KHHGĐ ở các xã đặc biệt khó khăn đã đạt được một số kết quả nhất định, song cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém. Tỷ suất sinh thô và tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên tại vùng đặc biệt khó khăn còn cao, mức độ giảm hàng năm chậm so với toàn tỉnh.
Năm 2014, tỷ suất sinh thô tại vùng này là 20,5%o, trong khi toàn tỉnh là 18,6%o; tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên là 17% (toàn tỉnh dưới 9,7%), riêng hai huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải luôn ở mức trên 20% và chiếm gần 40% số trẻ là con thứ ba trở lên trong toàn tỉnh.
Mức sinh hàng năm giảm chậm, chưa bền vững (số xã được ghi nhận không sinh con thứ ba trở lên, giảm 50% số người sinh con thứ ba trở lên so với năm trước, từ năm 2013 đến 2015 bình quân đạt thấp: 6/72 xã/năm). Tỷ lệ các cặp vợ chồng thực hiện các biện pháp tránh thai đạt 58%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ chung của cả tỉnh (75%), trong đó, biện pháp triệt sản có hiệu quả cao, lâu dài rất thấp, trung bình 80 người/năm, riêng huyện Trạm Tấu 4 người/năm, Mù Cang Chải 3 người/năm.
Tỷ lệ tảo hôn tại vùng cao, vùng dân tộc thiểu số còn ở mức cao, đặc biệt là đối với đồng bào Mông (huyện Trạm Tấu 39%, Mù Cang Chải 27,9%). Tình trạng hôn nhân cận huyết thống còn rải rác ở các xã vùng cao (tại huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu năm 2011 có 10 cặp, năm 2014 có 4 cặp).
Tỷ lệ đẻ tại nhà ở các xã vùng cao, đặc biệt khó khăn khoảng 50%, riêng các xã của hai huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải trên 70%. Những thực trạng này đòi hỏi có những chính sách đặc thù, những nỗ lực hơn nữa cho công tác DS/KHHGĐ ở vùng đặc biệt khó khăn.
Hạnh Quyên
Các tin khác
YBĐT - Trong học kỳ, ở Văn Chấn có 359 học sinh tham gia thi học sinh giỏi cấp huyện, 157 em đạt giải.
Ngày 9-3, Bộ LĐTB-XH vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường đôn đốc các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện các quy định về lương tối thiểu vùng năm 2016 cho người lao động và giám sát, đánh giá việc doanh nghiệp thực hiện lương tối thiểu vùng 2016.
Sáng 10/3, nhiệt độ thấp nhất ở Mẫu Sơn (Lạng Sơn) là 8,2 độ C, nhiều nơi ở vùng núi phía Bắc thời tiết chuyển rét đậm, rét hại.
Sáng 10/3, tại Yên Bái, khu vực thi đua khối cơ quan tư pháp các tỉnh miền núi phía Bắc đã tổ chức Hội nghị phát động phong trào và ký kết giao ước thi đua năm 2016.