Còn nhiều khó khăn trong dạy nghề ở Yên Bình
- Cập nhật: Thứ năm, 31/3/2016 | 2:50:37 PM
YBĐT - Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhằm nâng cao chất lượng lao động theo yêu cầu công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, giúp người dân tiếp thu các kiến thức khoa học, kỹ thuật mới áp dụng vào phát triển kinh tế hộ và có kỹ năng nghề để đi làm việc tại các doanh nghiệp.
Lớp học nghề may của học sinh THPT tại Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên.
|
Trên thực tế hiện nay, công tác dạy nghề của huyện Yên Bình, đang gặp phải một số khó khăn như: thiếu giáo viên, cơ sở vật chất cho dạy nghề xuống cấp, khó tuyển học viên… đã ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo nghề hàng năm.
Yên Bình là huyện có nhiều tiềm năng thế mạnh phát triển nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và chăn nuôi đại gia súc và tiềm năng du lịch vùng hồ Thác Bà và có số người trong độ tuổi lao động trên 54.000 người.
Để thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề, huyện đã thành lập ban chỉ đạo công tác dạy nghề từ cấp huyện đến các xã, thị trấn. Đặc biệt, Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên (TTDN & GDTX) của huyện đã triển khai thực hiện tốt Quyết định 1956/QĐ/TTg của Chính phủ về đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020, với mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho LĐNT, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu về ngành nghề phát triển kinh tế.
Để đáp ứng được các nhu cầu đào tào nghề cho LĐNT, hàng năm, Trung tâm đã lựa chọn các nghề có nhu cầu cao như: chế biến nông sản, chăn nuôi - thú y, sản xuất rau an toàn, kỹ thuật trồng lúa, nuôi lợn nái, trồng nấm, kỹ thuật thâm canh bưởi, nuôi và sơ chế kén tằm cùng một số nghề phi nông nghiệp như: sửa chữa điện dân dụng, sửa chữa máy nông cụ, xây dựng, may dân dụng…
Theo tổng hợp kết quả đào tạo nghề cho LĐNT từ năm 2012 đến 2015, huyện đã mở 78 lớp với 2.263 học viên. Trung bình mỗi lớp học được mở tại xã thu hút 30 học viên, thời gian học các lớp trồng trọt, chăn nuôi là 1 tháng và nghề phi nông nghiệp 3 tháng.
Cùng với công tác dạy nghề, hàng năm, Trung tâm còn đặc biệt quan tâm đến công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề, công tác tuyên truyền, tư vấn về học nghề và việc làm. Thông báo qua hệ thống phát thanh của huyện, xã, thị trấn về tuyển học viên học nghề và niêm yết tại trụ sở UBND các xã, thị trấn. Tổ chức phát tờ rơi tuyên truyền tại các buổi họp của xã, thôn để người dân nắm bắt thông tin đăng ký học nghề.
Ông Tạ Quang Công - Giám đốc TTDN & GDTX huyện Yên Bình cho biết: Khó lớn nhất của đơn vị là cần 5 giáo viên gồm: 2 giáo viên về lĩnh vực nông nghiệp, 1 giáo viên điện, 1 xây dựng và 1 giáo viên thú y. Việc chuyển đổi giáo viên từ dạy văn hoá sang dạy nghề nông thôn cũng gặp khó khăn bởi giáo viên thiếu kinh nghiệm.
"Để đáp ứng đủ giáo viên giảng dạy, Trung tâm đã liên kết đào tạo với Trường Cao đẳng Nghề Sông Hồng, tỉnh Phú Thọ và Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái. Các trang thiết bị phục vụ giảng dạy đã được đầu tư nhưng thiếu đồng bộ, qua nhiều năm sử dụng đã bị hư hỏng cần thay thế. Việc vận chuyển thiết bị đi giảng dạy ở các xã khó thực hiện vì không có kinh phí thuê phương tiện vận chuyển, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch mở các lớp học tại các xã…” - ông Công cho biết.
Thái Hưng
Các tin khác
YBĐT - Ban đại diện Hội NCT các cấp trong tỉnh thường xuyên quan tâm chăm lo các hoạt động chăm sóc NCT, tăng cường phối hợp với MTTQ, các đoàn thể, đôn đốc, kiểm tra, giám sát và thực hiện các chính sách đối với NCT.
YBĐT - Năm 2016, nhiệm vụ bảo đảm ANTT trên địa bàn thành phố Yên Bái được cấp ủy, chính quyền địa phương xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hết sức nặng nề.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 08/2016/TT-BGDĐT quy định chế độ giảm định mức giờ dạy cho giáo viên, giảng viên làm công tác công đoàn không chuyên trách trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Theo ước tính, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800.000 tấn, làm ô nhiễm trên 20% diện tích đất đai toàn quốc. Tất cả 63/63 tỉnh thành phố Việt Nam đều bị ô nhiễm bom mìn.