Phòng thương hiệu “Tình chị em” ở Mông Sơn
- Cập nhật: Thứ hai, 4/4/2016 | 3:49:56 PM
YBĐT - Đến thăm Phòng thương hiệu "Tình chị em” xã Mông Sơn, huyện Yên Bình đúng lúc các cán bộ y tế xã đang tiến hành tư vấn kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) cho một số chị em.
Cán bộ Trạm Y tế xã Mông Sơn (Yên Bình) tư vấn các biện pháp tránh thai an toàn, hiệu quả cho khách hàng tại Phòng thương hiệu "Tình chị em".
|
Hơn 1 năm nay, Phòng thương hiệu “Tình chị em” đã trở thành điểm đến thân thuộc đối với rất nhiều chị em phụ nữ xã Mông Sơn. Tại đây, chị em được coi như một khách hàng và được đội ngũ nhân viên là chính các cán bộ Trạm Y tế xã trực tiếp tư vấn, hướng dẫn và cung cấp miễn phí các dịch vụ CSSKSS kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) chất lượng cao với phong cách chuyên nghiệp và cam kết tôn trọng sự riêng tư.
Phòng thương hiệu “Tình chị em” được thiết kế thật hài hòa. Căn phòng nhỏ sơn mầu xanh nước biển được bài trí gọn gàng, ngăn nắp với đầy đủ các trang thiết bị thiết yếu phục vụ cho công tác tư vấn, tuyên truyền CSSKSS. Đặc biệt, căn phòng được thiết kế khá kín đáo, tạo nên không gian riêng tư giúp khách hàng thoải mái chia sẻ những điều khó nói để được tư vấn giúp đỡ.
Là một khách hàng thường xuyên của phòng thương hiệu, chị Hà Thị Hương, thôn Làng Cạn xã Mông Sơn chia sẻ: “Trước đây, mình rất ngại mỗi khi đi khám phụ khoa, nhưng từ khi có Phòng thương hiệu “Tình chị em”, mình cũng như nhiều chị em trong độ tuổi sinh đẻ của xã đã tự tin hơn nhiều. Bởi vì, đến đây mình không còn cảm giác là đi khám bệnh mà là cảm giác được tâm sự chia sẻ, nên mình rất thoải mái giãi bày, nhất là về các vấn đề như phòng tránh thai, các bệnh riêng tư của phụ nữ… Từ đó, mình được tư vấn những kiến thức bổ ích và giờ mình hoàn toàn yên tâm, tự tin lên rất nhiều”.
Chị Trần Thị Lành - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Mông Sơn cho biết: “Trước đây, khi chưa có Phòng thương hiệu “Tình chị em”, công tác tư vấn CSSKSS cho các chị em gặp rất nhiều khó khăn, bởi đa số các chị em có tâm lý ngại ngùng, vì đây là những vấn đề tế nhị, khó nói. Hơn nữa, các trang thiết bị y tế cũng như vật tư chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Tuy nhiên, sau khi Dự án được triển khai tại xã, số lượng các chị em đến thăm khám phụ khoa và tư vấn kiến thức CSSKSS đã ngày một đông. Chỉ riêng năm 2015, Trạm đã tiếp đón 467 lượt khách hàng và điều trị thành công cho 282 lượt khách hàng”.
Phòng thương hiệu “Tình chị em” là một mô hình của Dự án Nhượng quyền xã hội các dịch vụ CSSKSS trong lĩnh vực y tế do tổ chức Atlantic Philanthropies tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật Marie Stopes International Việt Nam tại huyện Yên Bình. Dự án được triển khai ở 10 xã gồm: Xuân Lai, Yên Thành, Vũ Linh, Vĩnh Kiên, Bạch Hà, Hán Đà, Thịnh Hưng, Bảo Ái, Tân Nguyên, Mông Sơn.
Tham gia Dự án, đội ngũ cán bộ y tế của các xã trên được tập huấn về: phòng chống nhiễm khuẩn; chất lượng dịch vụ và nhượng quyền xã hội; kỹ thuật đặt dụng cụ tử cung và phá thai an toàn; tạo nhu cầu cho khách hàng và tiếp thị xã hội; kỹ năng xử trí tích cực giai đoạn 3 của cuộc chuyển dạ và chăm sóc sản phụ và trẻ sơ sinh, sau sinh… Ngoài ra, các trạm y tế tham gia Dự án còn được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, thành lập phòng tư vấn “Tình chị em”; cung cấp miễn phí các dịch vụ CSSKSS/ KHHGĐ và cấp phát 8 loại tờ rơi tuyên truyền về CSSKSS/KHHGĐ…
Từ khi triển khai trên địa bàn huyện Yên Bình, Dự án đã tổ chức được hàng trăm buổi truyền thông với sự tham gia của gần 5.000 lượt khách hàng. Trên 10.000 tờ rơi được cung cấp tận tay khách hàng. Công tác tuyên truyền được chú trọng đến các hình thức như: truyền thông qua những buổi sinh hoạt nhóm tại cộng đồng; thăm hộ gia đình và tổ chức truyền thông quảng bá thương hiệu trên loa truyền thanh của xã; định kỳ mỗi tháng 2 lần đại sứ thương hiệu và nữ hộ sinh sẽ xuống tận thôn trực tiếp truyền thông cho người dân các kiến thức về CSSKSS/KHHGĐ.
Bằng những cách làm thiết thực, Dự án đã thu được những kết quả đáng khích lệ, với hơn 66% khách hàng được cung cấp các dịch vụ CSSKSS và KHHGĐ và đã có 89% khách hàng được phỏng vấn hài lòng về chất lượng dịch vụ, được bảo đảm quyền riêng tư, số lượng khách hàng đến với trạm y tế các xã tăng từ 15 - 20% so với trước khi Dự án triển khai.
Hiệu quả của Dự án đã góp phần cải thiện nâng cao chất lượng dân số/KHHGĐ của huyện Yên Bình, góp phần đưa tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ của huyện áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 70%, duy trì tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên của huyện ở mức 1%/.
Hồng Giang (Đài TT- TH huyện Yên Bình)
Các tin khác
YBĐT - Các cấp công đoàn trong tỉnh đã tích cực đổi mới nội dung, lựa chọn hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng.
YBĐT - Công đoàn cơ sở (CĐCS) Khối Văn phòng Huyện ủy Văn Chấn có 5 tổ công đoàn thuộc các cơ quan xây dựng Đảng Huyện ủy.
YBĐT - Những năm qua, đặc biệt là năm 2015, Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở huyện Yên Bình được triển khai thực hiện trên cả hai hình thức vận động tập trung và vận động thường xuyên.
YBĐT - Với phương châm “Mỗi thanh niên một việc làm, mỗi cơ sở Đoàn một hoạt động thiết thực trong Tháng Thanh niên” mỗi cơ sở Đoàn - Hội - Đội, mỗi đoàn viên thanh niên (ĐVTN) hưởng ứng Tháng Thanh niên bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.