Trấn Yên: Nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh mùa hè

  • Cập nhật: Thứ ba, 26/4/2016 | 10:14:28 AM

YBĐT - Thời điểm này, hầu hết các xã, thị trấn ở Trấn Yên đã triển khai phòng, chống dịch bệnh mùa hè xuống từng khu dân cư, như: phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh…

Lãnh đạo Trạm Y tế xã Hòa Cuông (Trấn Yên) triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè.
Lãnh đạo Trạm Y tế xã Hòa Cuông (Trấn Yên) triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè.

Ở thời điểm giao mùa, thời tiết thường có những diễn biến phức tạp cộng với ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, giao thương đi lại của người dân tăng cao, trong khi ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh của một bộ phận người dân chưa tốt là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh và phát triển. Trước tình hình đó, ngành y tế huyện Trấn Yên đã triển khai nhiều giải pháp để phòng, chống dịch bệnh mùa hè. 

Năm 2015, tình hình dịch bệnh mùa hè trên địa bàn huyện tương đối ổn định, các bệnh thông thường xuất hiện rải rác ở 22 xã, thị trấn  như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, tay chân miệng… với khoảng 400 ca bệnh và được điều trị kịp thời, nên không có tử vong.

Theo dự báo của Trung tâm Y tế huyện, năm 2016, diễn biến các dịch bệnh mùa hè trên địa bàn huyện tương đối phức tạp. Các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm nhóm A mới nổi như: Cúm A, Mers-CoV, Ebola, Zika, bại liệt, dịch hạch… có thể xâm nhập vào địa bàn huyện ngày càng gia tăng do sự đi lại, giao lưu.

Ông Trần Hữu Khiêm - Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: “Ngay từ đầu năm, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch, đưa ra các tình huống và giải pháp phòng, chống cụ thể. Một trong những biện pháp quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng về phòng, chống các loại bệnh dễ phát sinh, dịch bệnh nguy hiểm. Mặt khác, Trung tâm cũng chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc và vật tư cho công tác phòng, chống các dịch bệnh mùa hè. Bên cạnh đó, thường xuyên tiến hành kiểm tra, vận hành các thiết bị máy móc phục vụ phòng, chống dịch bảo đảm nếu có dịch xảy ra sẵn sàng hoạt động tốt”.

Ghi nhận của chúng tôi, thời điểm này, hầu hết các xã, thị trấn đã triển khai phòng, chống dịch bệnh mùa hè xuống từng khu dân cư, như: phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh…

Tuy nhiên, là huyện có địa bàn rộng, trong đó, các xã như: Kiên Thành, Hồng Ca… với nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, bất đồng ngôn ngữ, nhận thức của người dân còn hạn chế, nhất là thói quen vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa tốt… Trong khi đó, cán bộ y tế ở cơ sở còn thiếu, một số trạm y tế đã xuống cấp chưa đáp ứng kịp thời. Vì vậy, công tác phòng, chống dịch mùa hè còn tương đối khó khăn.

Khuyến cáo của các chuyên gia y tế, mọi người đều có thể mắc các bệnh truyền nhiễm trong mùa hè, đối tượng dễ mắc nhất vẫn là trẻ em, chẳng hạn như bệnh tiêu chảy thường gặp ở trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi; bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi (chiếm 91%); bệnh quai bị thường gặp ở lứa tuổi thanh thiếu niên; bệnh thủy đậu thường gặp ở trẻ em dưới 10 tuổi (chiếm 90%); bệnh viêm não Nhật Bản thường gặp ở trẻ từ 3 - 5 tuổi.

Ông Khiêm cho biết thêm: “Trong thời điểm giao mùa, Trung tâm triển khai đồng loạt tiêm phòng các loại bệnh cho trẻ em trên toàn huyện, như: vắc xin sởi, bại liệt… Tuy nhiên, bản thân người dân cần nêu cao ý thức trong việc bảo vệ sức khỏe, tham gia vào phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng. Khi phát hiện bệnh không tự ý điều trị tại nhà mà cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để bệnh lây lan ra cộng đồng...”.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè đạt hiệu quả, ngành y tế Trấn Yên đã chỉ đạo các đơn vị chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương phối hợp với ban, ngành, đoàn thể huy động nhân dân triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh mùa hè, nhất là bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết. Cụ thể, tổ chức diệt lăng quăng trên địa bàn ngay từ đầu năm và duy trì thường xuyên, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng, chống dịch để người dân hiểu, thực hiện.

Cùng với đó, vận động cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân như: rửa tay bằng xà phòng, thực hiện ăn sạch; phối hợp với các trường học triển khai hoạt động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, nhất là tại các trường mầm non, nhà trẻ...

Song song là tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch, không để lây lan diện rộng, thực hiện nghiêm túc chế độ khai báo, thông tin báo cáo các bệnh truyền nhiễm theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Trần Minh

Các tin khác
Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước giúp các đối tượng giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Ảnh minh họa

YBĐT - Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Mù Cang Chải đang quản lý và chi trả cho 1.004 đối tượng.

YBĐT - Hiện nay, đã có 5 bác sĩ là người dân tộc thiểu số trong số 10 bác sĩ trẻ ra trường về công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ.

Theo Bộ NN&PTNT, qua kiểm tra ở các lò mổ ở Hà Nội và Hải Dương gần đây, không phát hiện ra tồn dư chất cấm.

Các loại bệnh ung thư ở Việt Nam đang có xu hướng gia tăng. Trong đó có nguyên nhân ăn nhiều loại thực phẩm độc hại hoặc không an toàn. Người tiêu dùng như đang bị dồn vào chân tường.

Lãnh đạo huyện Mù Cang Chải thăm hỏi, động viên và hỗ trợ gia đình nạn nhân Mùa A Ninh.

YBĐT - Khoảng 19h30 ngày 24/4, tại khu vực Háng Màng thuộc bản Mồ Dề, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải, trời mưa giông to, sét đánh đã làm cháu Mùa A Vệnh, sinh năm 2006 tử vong tại chỗ và anh Mùa A Ninh (bố đẻ cháu Vệnh) sinh năm 1983 bị thương nặng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục