Tự hào Tiểu đoàn Yên Ninh anh dũng
- Cập nhật: Thứ sáu, 29/4/2016 | 10:01:42 AM
YBĐT - “Yên Ninh ta ra đi băng qua rừng suối sâu với đèo cao. Sương đêm mênh mông tiến quân trên đường thiên lý mạnh bước. Xa quê hương ta ra đi càng thiết tha yêu bản làng. Ta hy sinh không ngại ngần vì miền Nam yêu thương”…
Cựu chiến binh Tiểu đoàn Yên Ninh thăm lại chiến trường xưa.
|
Những lời ca trong "Bài ca Yên Ninh" do nhạc sĩ Tuấn Long - Quân khu Việt Bắc sáng tác những năm tháng kháng chiến chống Mỹ hôm nay vẫn được các cựu chiến binh (CCB) ở Tiểu đoàn Yên Ninh hát vang khi nhớ về thời kỳ oanh liệt đó!
Ngược dòng lịch sử
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta vào những năm 1967 - 1968 có thể nói là cam go, khốc liệt nhất. Thực hiện lời kêu gọi tổng động viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 7/1967 với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tất cả cho tiền tuyến”, chỉ trong 2 năm 1967 - 1968, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái đã xây dựng 4 tiểu đoàn mang tên Yên Ninh với gần 3.000 quân để chi viện cho chiến trường miền Nam. Tiểu đoàn Yên Ninh 1 được thành lập tháng 6/1967 với trên 700 cán bộ chiến sỹ được tổ chức huấn luyện tại xã Tân Hương.
Tháng 9/1967 được lệnh vào Nam chiến đấu, giai đoạn đầu bổ sung cho chiến trường Tây Nguyên. Sau đó tiếp tục hành quân vào chiến trường miền Đông Nam Bộ, bổ sung cho Sư đoàn 5 - Quân khu 7, tham gia chiến dịch Campuchia 1970, chiến dịch Lam Sơn 1, Lam Sơn 2 năm 1971… cho tới khi kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh.
Tiểu đoàn Yên Ninh 2 được thành lập tháng 2/1968 với trên 700 quân, huấn luyện tại xã Tân Hương (Yên Bình) từ tháng 2 đến tháng 5/1968 thì được lệnh hành quân vào chiến trường. Sau hơn 5 tháng hành quân bộ dài ngày, tháng 1/1968, Tiểu đoàn vào đến Long An. Kể từ đó và suốt quá trình vào chiến trường cho đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, các cán bộ, chiến sỹ của Tiểu đoàn đã cùng với quân dân Long An chiến đấu bám trụ kiên cường, tham gia nhiều chiến dịch lớn như Bình Tân, Thủ Thừa, Kênh Bo Bo, các trận đánh tầu địch trên sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn…
Tiểu đoàn Yên Ninh 3 thành lập tháng 4/1968 với 650 quân số huấn luyện tại xã Tân Hương đến tháng 12/1968 vào chiến trường bổ sung cho mặt trận Thừa Thiên Huế và cũng từ năm 1969 đã cùng với quân và dân Thừa Thiên Huế tham gia nhiều chiến dịch, các trận đánh lớn và trực tiếp tham gia giải phóng Thừa Thiên Huế ngày 26/3/1975.
Tiểu đoàn Yên Ninh 4 được thành lập tháng 6/1968 với 650 quân số, tổ chức huấn luyện tại Hán Đà, Đại Minh, vào Nam chiến đấu tháng 1/1969, được bổ sung cho chiến trường miền Đông Nam Bộ, trực tiếp tham gia các chiến dịch, trận đánh lớn như Đồng Dù, núi Bà Đen năm 1969, Thiện Ngôn, Sa Mát năm 1970, Đồng Soài - Phước Long năm 1973, Xuân Lộc - Long Khánh 1975…
Trong 4 tiểu đoàn Yên Ninh, rất nhiều đồng chí được vinh dự trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Từ đây, nhiều đồng chí đã được mặt trận tặng thưởng nhiều huân chương, bằng “Dũng sỹ diệt Mỹ”, “Dũng sỹ diệt cơ giới”, “Dũng sỹ diệt máy bay”.
Hơn 40 năm trôi qua, ký ức oai hùng vẫn in sâu trong tâm khảm mỗi người lính hôm nay. Họ - những người còn sống trở về sau cuộc chiến khốc liệt và cả những người đã nằm yên nơi đất mẹ đã góp một phần xương máu làm nên chiến thắng lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chàng trai trẻ 19 tuổi Hoàng Hữu Thắng năm ấy bắt đầu tham gia cách mạng và nhập ngũ vào Tiểu đoàn Yên Ninh 3 năm1969. Vừa vào quân ngũ được 2 tháng thì anh Thắng có giấy báo trúng tuyển Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội. Lãnh đạo đơn vị nói anh có thể trở về theo học, nhưng anh Thắng trả lời: “Cần phải có bằng đánh Mỹ”.
Người chiến sỹ chí khí năm ấy giờ đã 66 tuổi, dáng người hao gầy, mái tóc pha sương. Hôm nay, đồng đội vẫn kể về chiến công mà ông lập được ngày 8/8/1970, trên điểm chốt động Cooc Ba Sai khi một mình ông bắn cháy trực thăng OH6 của Mỹ. Với thành tích đó, sau trận này, ông Thắng đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba.
Phát huy truyền thống
Hòa bình lập lại, những người lính Tiểu đoàn Yên Ninh, người thì nằm lại vĩnh viễn, hoặc để lại một phần xương máu trong lòng đất mẹ, người xuất ngũ trở về địa phương, người tiếp tục nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhiều người trong số đó đã đứng vào hàng ngũ tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Đầu năm 2000, Câu lạc bộ (CLB) các Tiểu đoàn Yên Ninh tỉnh Yên Bái được thành lập trên cơ sở hợp nhất 4 ban liên lạc của 4 tiểu đoàn Yên Ninh. Đến nay, số lượng hội viên của Tiểu đoàn Yên Ninh còn gần 200 người, họ cùng động viên giúp đỡ nhau trong cuộc sống để tiếp tục giữ vững bản chất bộ đội Cụ Hồ và truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Rất nhiều hội viên CCB trong CLB làm nhiều việc hữu ích cho xã hội như: CCB Hoàng Hữu Thắng - phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái, chiến tranh kết thúc, ông về công tác tại Tòa án nhân dân tỉnh; năm 2008 ông về hưu mở văn phòng Luật sư Hoàng Thắng với mục đích là để mọi người dân đều có thể thụ hưởng các dịch vụ pháp lý, để giúp đỡ và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân, doanh nghiệp, các cơ quan và tổ chức khác theo quy định của pháp luật. Hay CCB Nguyễn Trọng Khải nay là Chủ tịch Hội CCB phường Nguyễn Thái Học; CCB Phạm Văn Nga nay là Chi hội phó Chi hội CCB khu phố 2 - phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái...
Ngoài ra, còn rất nhiều hội viên tích cực tham gia phát triển kinh tế gia đình, bỏ vốn thành lập các công ty, doanh nghiệp giúp giải quyết việc làm, tạo nguồn thu cho địa phương. Qua khảo sát đến nay, trong CLB diện hội viên có mức sống giàu và khá chiếm 10%, diện có mức sống trung bình chiếm 65%, diện còn khó khăn chiếm khoảng 25%.
Hôm nay, trong những ngày tháng 4 lịch sử, những người lính năm xưa lại gặp nhau cùng ôn lại kỷ niệm chiến trường, cùng nắm tay hát vang “Bài ca Yên Ninh” đầy hào sảng.
Anh Dũng
Các tin khác
YBĐT - Những năm qua, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS/KHHGĐ) của tỉnh đã đạt được kết quả đáng khích lệ, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên được khống chế, duy trì ở mức 1,2%.
YBĐT - Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý khám chữa bệnh (KCB) và thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) là yêu cầu bức thiết để hiện đại hóa ngành y tế. Tuy nhiên, vấn đề này trong thời điểm hiện tại đang còn gặp nhiều khó khăn.
Ngày 28-4, Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, báo Tuổi trẻ và Tập đoàn Văn phòng phẩm Thiên Long công bố chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục”, nhằm cổ vũ động viên, khuyến khích thanh niên, đặc biệt là các trí thức trẻ đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.
Ngày 28/4, Phòng Cảnh sát môi trường (PC49), Công an tỉnh Bình Phước tiến hành kiểm tra phát hiện 4 cơ sở kinh doanh thịt động vật trên địa bàn thị xã Đồng Xoài, tàng trữ, mua bán thịt động vật không rõ nguồn gốc, bốc mùi hôi thối và có dấu hiệu bơm tẩm hóa chất.