“Bà đỡ” của người nghèo Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ năm, 5/5/2016 | 9:55:37 AM

YBĐT - Thực tế từ chương trình cho vay hộ nghèo đến nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 11 chương trình cho vay uỷ thác qua các tổ chức chính trị - xã hội được thực hiện qua kênh Ngân hàng Chính sách xã hội. 

Được vay vốn từ Ngân hàng CSXH huyện, gia đình anh Kiều Văn Hùng, thôn Ngọn Ngòi, xã Minh Quán, huyện Trấn Yên đầu tư chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Được vay vốn từ Ngân hàng CSXH huyện, gia đình anh Kiều Văn Hùng, thôn Ngọn Ngòi, xã Minh Quán, huyện Trấn Yên đầu tư chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Là một tỉnh miền núi nghèo, Yên Bái có nhiều khó khăn khi hạ tầng cơ sở còn thấp, điều kiện phát triển sản xuất của bà con bị hạn chế, nhiều mô hình kinh tế khả thi nhưng vì thiếu vốn mà dẫn đến không thể nhân rộng được. Trong khi đó, để vay được nguồn vốn của các ngân hàng thương mại thì vấn đề lãi suất là quá sức với những người dân nghèo.

Bởi vậy, vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã đáp ứng mong mỏi của người dân, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển chung của tỉnh.

Những ngày đầu triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi NHCSXH tỉnh đã đặt nhiệm vụ xây dựng, kiện toàn tổ chức mạng lưới lên hàng đầu. Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH được thành lập ở 9 huyện, thị xã, thành phố đã phát huy tốt vai trò kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Thực hiện ký kết văn bản liên tịch ủy thác tín dụng với 4 tổ chức chính trị xã hội là: hội nông dân, cựu chiến binh, phụ nữ và đoàn thanh niên; ký hợp đồng ủy thác với 547 hội cấp xã; hợp đồng ủy nhiệm với 2.510 tổ tiết kiệm vay vốn ở các thôn. Mạng lưới làm công tác ủy thác đã phủ rộng khắp 100% các thôn, trong toàn tỉnh.

Đến nay, NHCSXH tỉnh đã tổ chức 180 điểm giao dịch tại trụ sở UBND của 180 xã, phường, thị trấn, hàng năm thực hiện hơn 2.200 phiên giao dịch trực tiếp. Tại các điểm giao dịch được trang bị đầy đủ biển chỉ dẫn, biển hiệu, bảng tin, thông báo chính sách, hòm thư góp ý và các trang thiết bị làm việc bảo đảm phục vụ khách hàng một cách tốt nhất.

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Kiều Văn Hùng, thôn Ngọn Ngòi, xã Minh Quán, huyện Trấn Yên khi gia đình đang chuẩn bị đặt nóc cho căn nhà mới. Sau cái bắt tay thật chặt, anh Hùng “khoe” tiền làm nhà cũng từ trâu và dê của NHCSXH mà ra cả. Được biết, đầu năm 2013 gia đình anh Hùng được vay 30 triệu đồng từ NHCSXH để đầu tư phát triển chăn nuôi trâu.

Sau gần 3 năm, đàn trâu của gia đình đã phát triển được 6 con. Đầu năm 2015, gia đình bán một con trâu đực được trên 25 triệu đồng tiếp tục đầu tư nuôi dê. Đến nay, đàn dê đã có gần 30 con, cuộc sống ngày càng ổn định.

Còn chị Phạm Thị Khanh, ở thôn Thác Hoa 3, xã Sơn Thịnh (Văn Chấn) cũng là một trong những điển hình sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ NHCSXH để vươn lên thoát nghèo. Năm 2013, chị Khanh được NHCSXH huyện Văn Chấn cho vay 30 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình. Từ nguồn vốn này cộng với khoảng 5 triệu đồng tích góp được, chị đầu tư trồng và cải tạo diện tích chè của gia đình kết hợp với nấu rượu nuôi lợn. Do chăm chỉ làm ăn, đến nay, chị đã có cuộc sống ổn định, thu nhập bình quân mỗi năm đạt trên 80 triệu đồng. 

Thực tế từ chương trình cho vay hộ nghèo đến nay có 11 chương trình cho vay uỷ thác qua các tổ chức chính trị - xã hội được thực hiện như: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay xuất khẩu lao động… Tính đến 31/12/2015, tổng dư nợ các chương trình đạt trên 2.000 tỷ đồng với 101.433 khách hàng còn dư nợ các chương trình tín dụng.

Từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, trong 5 năm (2011 – 2015) các hộ nghèo trong tỉnh đã đầu tư trồng, chăm sóc, cải tạo được 27.194 ha rừng, 1.540 ha chè, 235 ha cây ăn quả, mua 30.790 con trâu, bò; 50.265 con giống gia súc khác; hỗ trợ 4.948 hộ nghèo làm nhà ở; 174 lao động được đi lao động ở nước ngoài…

Ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Yên Bái cho biết: “Nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Bên cạnh nguồn vốn của trung ương, NHCSXH tỉnh đang tích cực triển khai công tác huy động vốn nhàn rỗi trong nhân dân. Đồng thời, tiếp tục tăng cường dịch vụ ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn. Phấn đấu nguồn vốn tăng trưởng bình quân 10%/năm; dư nợ tăng trưởng bình quân 10%/năm; tỷ lệ nợ quá hạn duy trì dưới 0,15%”.

Với phương châm “Hoạt động vì người nghèo, người cận nghèo tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận với kênh tín dụng ưu đãi của Nhà nước” thời gian tới, NHCSXH tiếp tục tăng cường dịch vụ ủy thác thông qua các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, tiếp tục tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, quản lý tốt nguồn vốn ưu đãi, làm tốt công tác cho vay thu nợ, thu hồi vốn đến hạn để cho vay quay vòng... đồng thời tiếp tục nhân rộng những mô hình sử dụng vốn vay có hiệu quả. 

 Quang Thiều  

Các tin khác

YBĐT - Trong 4 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn huyện Văn Chấn xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm với 151 người mắc. Trong đó, xã Phúc Sơn 54 người, An Lương 93 người, Nghĩa Tâm 4 người, có 2 trường hợp tử vong.

YBĐT - Năm 2016, Ban quản lý Dự án Giảm nghèo giai đoạn 2 huyện Lục Yên thực hiện 113 tiểu dự án phát triển xã.

Bộ Gioa dục-Đào tạo (GD&ĐT) vừa có văn bản đính chính Quy chế sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học chính quy đã ban hành ngày 5/4/2016 về quy định các hành vi sinh viên không được làm.

Thí sinh sẽ làm bài thi trên máy tính.

Sáng 5/5, hàng nghìn thí sinh bắt đầu làm bài thi đánh giá năng lực trên máy tính. Kết quả thi được sử dụng để xét tuyển vào 6 trường thành viên của Đại học (ĐH) Quốc gia Hà Nội và 8 đại học khác.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục