Học làm nhà tiêu dùng thông thái
- Cập nhật: Thứ ba, 10/5/2016 | 2:39:47 PM
YBĐT - Chiều nay, không giống bao buổi chiều khác, các cụ hưu ở xóm không chơi cờ mà cùng ngồi nhâm nhi chén trà và bắt đầu với câu chuyện về thực phẩm bẩn.
Nhấp chén trà nóng, ông Thực thủng thẳng: “Các ông có thấy ăn uống bây giờ rất sợ không?”
- Trước thì không có mà ăn. Giờ đủ đầy quá lại lo ăn vào sẽ sinh ra lắm thứ bệnh. Ông Tuân tiếp lời.
- Tôi thấy trên báo chí giờ hay nói về nhà tiêu dùng thông thái! Vậy nhà tiêu dùng thông thái nghĩa là thế nào các ông nhỉ? Ông Thực hỏi.
- Theo tôi hiểu đơn giản thì nhà tiêu dùng thông thái là người mua sản phẩm hàng hóa phải biết lựa chọn hàng chất lượng tốt, không mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Ông Kháng hào hứng phân tích.
- Nhưng làm sao có thể phân biệt đâu là hàng giả, hàng kém chất lượng khi mà trong thời buổi công nghệ hiện đại, với muôn hình vạn trạng kiểu vi phạm, nhìn bằng mắt thường thì không thể phát hiện được ấy chứ.
- Trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan chức năng đều khuyến cáo người tiêu dùng phải trở thành nhà tiêu dùng thông thái. Nhưng thực phẩm giờ đa dạng, phong phú về mẫu mã, chủng loại như hiện nay, để làm được nhà tiêu dùng thông thái quả thật không đơn giản các ông ạ! Vừa rồi con dâu tôi mua mấy quả táo nhìn rất ngon, đẹp mã, tôi để dành một quả và có ghi ngày trên đó. Các ông biết không, sau 3 tháng quả táo vẫn tươi nguyên. Thế mới tài chứ!
Câu chuyện về an toàn thực phẩm của các cụ càng trở nên rôm rả hơn khi bà Ngọc cùng tham gia vào.
- Các ông còn ít đi mua hàng chứ phụ nữ chúng tôi ra đến chợ là cứ đứng nhìn không biết mua gì, ăn gì để bảo đảm an toàn bữa cơm cho gia đình. Rau củ, quả, thịt, cá, tôm… nhìn tất cả đều tươi ngon, nhưng nào ai biết được đâu là sản phẩm sạch và không sạch. Để trở thành nhà thông thái quả là khó các ông ạ!
- Thời xưa, ăn uống kham khổ thế mà các cụ vẫn sống khỏe mạnh. Giờ cuộc sống đủ đầy, ăn vào lại sinh ra nhiều bệnh tật, nào là ung thư, tiểu đường và nhiều bệnh nan y khác.
- Ôi dào! Người bán vì hám lợi mà bất chấp, còn người mua không phân biệt được đâu là sản phẩm sạch và bẩn, nhưng vẫn phải mua. Vì thế, việc loại bỏ thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn thật khó. Trong đó, lương tâm và trách nhiệm của những người sản xuất là vô cùng quan trọng. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần phải mạnh tay, quyết liệt hơn và phải có những chế tài xử lý thích đáng đối với những kẻ chỉ vì hám lợi mà coi thường sức khỏe, tính mạng của cộng đồng.
- Theo tôi, muốn bảo vệ sức khỏe cho gia đình, không còn cách nào khác là chúng ta phải tự học để trở thành nhà tiêu dùng thông thái thôi. Nên mua hàng hóa ở những nơi uy tín, rõ nguồn gốc và kịp thời phát hiện, phản ánh đến cơ quan chức năng những đơn vị, cá nhân vi phạm công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Như thế, vừa để răn đe những người vi phạm, vừa là hành động tích cực để bảo vệ sức khỏe cho chính chúng ta và người tiêu dùng nói chung - ông Kháng kết luận.
Thanh Chi
Các tin khác
Khác với các lần điều chỉnh lương hưu, trợ cấp hàng năm tăng cùng một mức cho tất cả các đối tượng, lần này điều chỉnh năm 2016 sẽ xem xét điều chỉnh tăng riêng cho các đối tượng đang hưởng lương hưu dưới 2 triệu đồng.
Tối qua, 9-5, đoàn học sinh Việt Nam dự thi Olympic Vật lý châu Á năm 2016 về Hà Nội trong sự hân hoan chào đón của gia đình, thầy cô, bạn bè. Đón đoàn tại sân bay quốc tế Nội Bài có Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Vinh Hiển.
YBĐT - Trong những ngày nghỉ đầu tháng 5/2016, Nhà thiếu nhi tỉnh Yên Bái đã thu hút trên 12 nghìn lượt trẻ em đến tham gia vào các hoạt động vui chơi lý thú như: điểm đọc sách của thanh thiếu nhi, giàn phun mưa, tô tượng, làm tranh cát, khu vui chơi liên hoàn, xe đụng, đu chao…
Ngày 9-5, trao đổi với báo chí, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT), cho biết: Kỳ tuyển sinh năm 2016, Bộ sẽ tổ chức xét tuyển chung cho tất cả các trường sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia.