Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia 2016: Kinh nghiệm và những điều cần lưu ý

  • Cập nhật: Thứ hai, 23/5/2016 | 10:27:19 AM

YBĐT - Kỳ thi đánh giá năng lực là kỳ thi riêng của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN). Kết quả được sử dụng để tuyển sinh đại học chính quy vào các trường thành viên và các khoa trực thuộc của ĐHQGHN.

Thầy cô và nhà trường cần có sự tư vấn cho các học sinh tham gia thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Thầy cô và nhà trường cần có sự tư vấn cho các học sinh tham gia thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Kỳ thi này hoàn toàn độc lập với kỳ thi THPT quốc gia, vì vậy học sinh có thể tham gia cả 2 kỳ thi và dùng kết quả của cả 2 để xét tuyển đại học. Dù rất mới, cùng với kỳ thi THPT quốc gia, nhưng kỳ thi đánh giá năng lực cũng đã thu hút được sự quan tâm của các em học sinh của tỉnh Yên Bái.

Những điều cần biết

Là năm thứ 2 ĐHQGHN tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực diễn ra trước kỳ thi THPT quốc gia nhằm đánh giá một cách toàn diện nhất những học sinh có mong muốn vào các trường đại học của ĐHQGHN. Năm 2015 là năm đầu tiên kỳ thi được tổ chức và đã được xã hội, học sinh đánh giá cao ở chất lượng và lợi ích cho học sinh: tiết kiệm, giảm áp lực, chống học lệch... Kỳ thi đánh giá năng lực 2016 được tổ chức vào hai đợt: đợt 1 từ ngày 5 đến 8/5 và từ 13 đến 15/5; đợt 2 từ 5 đến 15/8.

Bài thi đánh giá năng lực gồm 140 câu hỏi trắc nghiệm, thời gian làm bài là 195 phút với 3 phần: tư duy định lượng (80 phút); tư duy định tính (60 phút); khoa học tự nhiên/ khoa học xã hội (55 phút). Thí sinh hoàn thành bài thi đánh giá năng lực trong một ca thi của mỗi đợt thi. Kết quả bài thi có giá trị để đăng ký xét tuyển vào ĐHQGHN và vào các trường đại học, cao đẳng khác có công bố sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực và đã được ĐHQGHN đồng ý để xét tuyển.

Kết quả bài thi được bảo lưu trong thời gian 24 tháng kể từ ngày thi. Đợt 1, thí sinh đăng ký dự thi từ 8 giờ ngày 2/3 đến 17 giờ ngày 22/3; đợt 2 từ 8 giờ ngày 15/6 đến 17 giờ ngày 25/6. Thí sinh được đăng ký dự thi tất cả các đợt thi bằng hình thức trực tuyến trên website của Trung tâm Khảo thí. Lệ phí thi đánh giá năng lực là 200.000 đồng/thí sinh/lượt thi; lệ phí thi ngoại ngữ là 150.000 đồng/thí sinh/lượt thi.

Chia sẻ kinh nghiệm

Vừa trở về từ kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN đợt 1, em Lê Thúy Quỳnh - lớp 12 D2, Trường THPT Nguyễn Huệ đang rất phấn khởi vì đạt được số điểm cao nhất trong số các bạn trong lớp cùng đi thi với 94/140 điểm. Điều này càng làm em thêm quyết tâm và tràn đầy hy vọng cho mục tiêu của em đã đặt ra từ khi học lớp 10 là đỗ vào Trường Đại học Kinh tế của ĐHQGHN.

Em chia sẻ: “Em rất vui với kết quả đạt được, nên em sẽ quyết tâm cho kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia”. Đã là năm thứ 2, nhưng kỳ thi đánh giá năng lực cũng vẫn mang cho các thí sinh như Quỳnh những bất ngờ, với những câu hỏi ở nhiều lĩnh vực của đời sống, không hoàn toàn nằm trong sách giáo khoa.

Quỳnh cho biết: “Đề thi yêu cầu kiến thức xã hội phải rộng, liên hệ nhiều ngoài sách giáo khoa. Các câu hỏi tình huống từ thực tế đời sống mang cho chúng em nhiều sự thú vị, song lại khá khó nếu không đọc, nghe, xem”. Như vậy, đây là một đề thi tổng hợp các kiến thức, từ sách giáo khoa cho tới thực tế. Đòi hỏi mỗi học sinh ngoài trang bị cho mình các kiến thức đầy đủ, cơ bản từ chương trình lớp 10 đến lớp 12 thì cần phải trang bị cho mình lượng kiến thức xã hội rộng lớn.

Quỳnh chia sẻ: “Đối với môn Toán, đó là các kiến thức chủ điểm từ lớp 10 đến lớp 12; đối với phần thi khoa học xã hội cần phải đọc sách báo, xem ti vi, nghe đài, nắm bắt thông tin từ internet... Tóm lại, để thành công với đề thi đánh giá năng lực cần học, đọc sách giáo khoa và xem tivi thường xuyên”.

Đúng như chia sẻ của em Lê Thúy Quỳnh, bởi những câu hỏi như: “Hướng gió từ đại dương nào đến quần đảo Nhật Bản”; “Sản phẩm công nghiệp nào của Hoa Kỳ đứng hàng đầu thế giới năm 2004”; “Sản phẩm công nghiệp nào của Nhật Bản chiếm tỷ trọng khoảng 60% tổng giá trị sản phẩm đó của toàn thế giới?”... rất cần các em có sự hiểu biết kiến thức ngoài sách giáo khoa, những kiến thức xã hội các em thu nạp được từ các phương tiện truyền thông.

Phần thi khoa học xã hội được các em nhận định là tổng hợp của các môn Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân. Tuy vậy, với những câu hỏi tình huống khó liên quan đến kiến thức về pháp luật lại khiến các em lúng túng. Em Hoài Linh - Lớp 12D1, Trường THPT Nguyễn Huệ chia sẻ: “Dù chúng em đã tìm hiểu về kỳ thi và đề thi từ năm ngoái, song bọn em cũng khá bất ngờ với những câu hỏi kiến thức xã hội xa và rộng quá”. 

Cùng lớp với Linh, em Nguyễn Minh Hằng cho biết: “Trong đề thi của em có câu: Bà ủy quyền cho cháu đi bầu cử hộ bà, nhưng người cháu say rượu ra đến điểm bỏ phiếu lại nói to lựa chọn của bà. Vậy, người cháu vi phạm điều nào trong Luật Bầu cử? 4 đáp án được đưa ra, nhưng với em và rất nhiều bạn đây là câu hỏi khó, không biết chính xác câu trả lời mà chỉ trả lời theo cảm quan. Mặc dù trong môn Giáo dục Công dân chúng em có học một số luật, song để hiểu và lý giải chính xác các tình huống là điều khó. Cũng may vừa rồi chúng em được nghe tuyên truyền về Luật Bầu cử nên cũng trả lời được câu này”.

Với 40 câu hỏi khoa học xã hội, Hằng đã làm được 20 câu có đáp án chính xác thì trong đó có 15 câu là kiến thức trong sách giáo khoa, còn lại em “chọn đại”. Không chỉ Hằng, rất nhiều các bạn khác trong lớp thi cùng Hằng đều chia sẻ với những kiến thức xã hội ngoài sách giáo khoa, hầu hết các em “chọn đại”.

Nói như vậy, không có nghĩa rằng đề thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN đánh đố học sinh, mà mục tiêu của đề thi hướng tới đó là, chống học lệch, chống học kiểu “gà công nghiệp”, đảm bảo các em có đầy đủ kiến thức văn hóa và kiến thức xã hội - hành trang cho các em ra đời, làm việc sau này.

Từ những chia sẻ của các em học sinh ở Yên Bái vừa tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN cho thấy một kinh nghiệm, để đạt được kết quả cao, đó là nắm vững những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa từ lớp 10 cho đến lớp 12. Cùng với đó, phải tìm kiếm nắm bắt thông tin từ sách báo và các phương tiện truyền thông để bổ trợ những kiến thức xã hội cho bản thân.

Một kỳ thi sát hạch mang tính chất đánh giá năng lực tổng hợp không phải quá khó. Song, hiện nay hầu hết các em tham dự đều bột phát cá nhân, chưa có được sự hướng dẫn từ thầy cô, nhà trường. Dù chỉ là một kỳ thi sát hạch của một trường đại học lớn, không mang tính chất như kỳ thi THPT quốc gia, song vẫn rất cần sự tư vấn, hướng dẫn của các thầy cô giáo trong nhà trường.

Đồng thời, từ nội dung đề thi, cho thấy một thực trạng, các lứa học sinh kiểu “gà công nghiệp” kém kiến thức xã hội đang cần được lưu ý. Từ đó, gia đình, nhà trường cần có những cách giáo dục toàn diện hơn, để không chỉ giúp các em có thể vượt qua các câu hỏi kiến thức xã hội một cách dễ dàng mà còn là hành trang cho các em vào đời sau này.

Thanh Ba

Các tin khác
Đồng chí Vương Văn Bằng - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh (bên phải) trao hỗ trợ

YBĐT - Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là sau 30 năm đổi mới, cùng sự phát triển chung của đội ngũ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) cả nước, CNVCLĐ tỉnh Yên Bái đã có những bước phát triển quan trọng, tăng nhanh về số lượng, chất lượng, đa dạng về cơ cấu, bộ phận công nhân trí thức ngày càng đông đảo, phát huy tốt vai trò và có những đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của tỉnh.

Người dân huyện Trạm Tấu tích cực phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo.

YBĐT - Tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng Đảng ủy, chính quyền xã Bản Công, huyện Trạm Tấu đã làm tốt công tác chỉ đạo nhân dân xóa bỏ hoàn toàn cây thuốc phiện, ngăn chặn tệ nạn buôn bán, tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn.

YBĐT - Nhằm giúp cho học sinh dễ nhớ, dễ thuộc, dễ hiểu về môn lịch sử, thầy giáo Lê Văn Cường – Trường THPT Cảm Ân (Yên Bình) đã tâm huyết sáng tạo cho ra đời tác phẩm “Đại cương thế giới sử thi” với 3.456 câu bằng thơ lục bát, giới thiệu về lịch sử thế giới từ thời nguyên thủy đến năm 2015 được bạn đọc và học sinh yêu thích. Và thật bất ngờ tác phẩm lục bát về lịch sử của thầy đã được trao bằng xác lập công bố kỷ lục Việt Nam năm 2016.

Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) ngày 21-5 có thông báo cho biết, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa làm việc với các giám đốc sở GD-ĐT trong cả nước. Đây là cuộc làm việc đầu tiên của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ với lãnh đạo ngành giáo dục các địa phương kể từ khi ông nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục