Vượt lên số phận
- Cập nhật: Thứ tư, 25/5/2016 | 10:06:08 AM
YBĐT - Năm 2011, tai nạn giao thông đã vĩnh viễn lấy đi đôi chân của anh, khiến anh trở thành người tàn phế. Nhưng sự nghiệt ngã ấy, đã không làm gục ngã quyết tâm vươn lên, không đầu hàng số phận của anh.
Vợ chồng anh Tố, chị Hoa đang chăm sóc lợn giống.
|
Miệt mài nghiên cứu, suy nghĩ, tìm tòi, anh đã nghĩ ra cách làm kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình, để giờ đây, mỗi năm gia đình anh thu về từ 90 - 100 triệu đồng tiền lãi... Đó chính là câu chuyện về gia đình anh Nguyễn Xuân Tố ở thôn Đá Voi, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình.
Thấy khách đến, anh Tố ra đón với vẻ mặt niềm nở như đã thân quen từ lâu. Anh di chuyển bằng tay nhờ hai chiếc ghế gỗ nhỏ. Vậy mà, anh vẫn nhanh thoăn thoắt leo lên bậc hè, lên ghế ngồi nói chuyện với chúng tôi một cách nhẹ nhàng. Được biết, hàng ngày, anh vẫn giúp vợ nấu cơm, cho lợn ăn và quét dọn chuồng trại. Có lẽ số phận lấy đi của ai cái gì thì thường được bù lại bằng thứ khác! Sau vụ tai nạn phải cắt bỏ đôi chân, vốn là người “chân đi, miệng nói, tay hay làm”, thời gian đầu anh cảm thấy chán nản và hụt hẫng, tưởng chừng không có cách nào thoát khỏi.
Nhớ lại giai đoạn khó khăn đó, anh Tố tâm sự: “Tôi cũng không thể ngờ trong tích tắc mình mất đi cả hai chân, trở thành người tàn phế, không thể giúp được gì cho vợ con. Suốt hai tháng trời nằm viện, vết thương mới lành lại. Mọi sinh hoạt hàng ngày, tôi phải nhờ vợ giúp, muốn đi đâu vợ cũng phải cõng... Là trụ cột trong gia đình mà không làm được gì, tôi cảm thấy nản lắm. Cũng may vợ tôi là người chịu thương, chịu khó, yêu thương chồng hết mực, lại cùng các con thường xuyên động viên nên dần dần tôi cũng thấy nguôi ngoai”.
Người dân ở thôn Đá Voi sống chủ yếu dựa vào cây chè. Gia đình anh Tố có gần 1 ha chè và còn nhận thêm 5 ha nữa của Công ty cổ phần Chè Văn Hưng. Từ ngày anh Tố bị tai nạn, mọi việc nặng nhẹ đều do vợ anh là chị Nguyễn Thị Hoa gánh vác. Chị Hoa nói nhỏ với chúng tôi, sợ anh Tố chạnh lòng: “Thời gian trước, nhận nhiều chè, tôi cũng đi làm tối ngày, để chồng ở nhà thui thủi một mình với bốn bức tường, nghĩ cũng tội. Lúc đó chưa đi lại được bằng hai chiếc ghế như bây giờ, đi đâu phải có người giúp. Nhiều hôm thấy chồng nằm buồn một mình, tôi thương lắm!”.
Thế rồi, vì tình nghĩa vợ chồng, không muốn anh phải ở nhà một mình, sợ những lúc cần không có ai giúp, lại nghĩ đến việc phải vượt lên thoát nghèo để bớt khổ, năm 2012, hai vợ chồng chị cùng bàn với nhau xây dựng mô hình nuôi lợn nái và tận dụng đất vườn trồng cây ăn quả, trồng bưởi Đoan Hùng, bưởi Diễn. Qua thời gian, anh Tố bắt đầu tập đi lại bằng hai chiếc ghế gỗ, sinh hoạt hằng ngày cũng ít cần người giúp như trước đây.
Mô hình chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả của gia đình anh Tố đến nay cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm và là một trong những hộ sản xuất kinh doanh điển hình ở xã Thịnh Hưng. Nhưng để có được kết quả ấy là cả một quãng đường dài đầy gian nan, vất vả mà vợ chồng anh đã chung sức, chung lòng để vượt qua.
Anh Tố tâm sự: “Để có được diện tích chuồng trại chăn nuôi rộng gần 200 m2 như bây giờ, vợ chồng tôi phải gom góp tiền làm ba lần mới xong, mỗi lần mở rộng trung bình khoảng 60m2. Nhà nông, không có vốn đầu tư một lúc, đành lấy ngắn nuôi dài, tiền lãi mỗi lứa lợn lại để dành xây thêm chuồng. Vườn cây ăn quả cũng thế, cứ mở rộng dần dần, mỗi năm thêm vài chục gốc, năng nhặt chặt bị chú ạ”.
Năm 2013, gia đình anh Tố, chị Hoa được nhận vốn từ Dự án chăn nuôi lợn nái của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, được hỗ trợ 20 triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại và mua con giống. Lứa lợn vừa rồi, anh chị xuất chuồng 95 con lợn thịt, thu về 60 - 70 triệu đồng. Đối với lợn giống, anh Tố tìm mua giống lợn nái chuẩn ở trại về nuôi, sau đó cho phối giống thuần chủng và hiện giờ nhà anh có 4 con lợn nái. Làm như vậy mới đảm bảo về chất lượng cũng như số lượng con giống. Còn mua giống ở ngoài, không rõ nguồn gốc rất dễ bị dịch bệnh.
Nhà anh Tố, chị Hoa hiện có trên trăm gốc bưởi gồm: bưởi Diễn và bưởi Đoan Hùng. Thời gian rảnh rỗi ngoài chăn nuôi, anh Tố rất quan tâm chăm sóc bưởi; tận dụng được nguồn phân chuồng để tưới gốc, mỗi vụ bưởi cũng thu được vài chục triệu đồng. Công việc nhà nông bận rộn là thế, nhưng “ngơi tay lại thấy buồn”, thế là vợ chồng anh lại quyết định đầu tư mở rộng diện tích đất sau nhà để chuẩn bị xây dựng thêm hệ thống chuồng trại nuôi gà đẻ trứng, gà thịt.
Chị Hoa tâm sự: “Để tiết kiệm, hai vợ chồng tôi cứ túc tắc làm dần và đến cuối năm kiểu gì cũng xong mặt bằng để xây chuồng nuôi gà. Vợ chồng cùng lao động, anh ấy tuy không nhanh được như trước nhưng việc gì cũng làm được, chịu khó lắm. Hai vợ chồng động viên nhau cuối cùng những khó khăn rồi cũng qua đi. Từ ngày tôi ít làm chè, tập trung vào chăn nuôi, chăm cây ăn quả, chồng tôi ở nhà cũng giúp được nhiều việc, anh vui hẳn lên khiến tôi cũng thấy mừng. Dự định năm tới, vợ chồng tôi sẽ đầu tư nuôi 10 con lợn nái, 100 con lợn thịt, xây thêm chuồng nuôi gia cầm và trồng thêm 200 gốc bưởi”.
Mong cho những dự định của anh chị Tố - Hoa sẽ sớm thành công và trở thành điểm sáng cho người dân trong xã học tập, làm theo.
Thiên Cầm
Các tin khác
YBĐT - Theo đó, những mục tiêu cụ thể gồm: dân số trung bình năm 2020 đạt 63.200 người; mức giảm tỷ lệ sinh hàng năm đạt 0,6%o; tỷ suất sinh thô đạt 18,5%o; tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên năm 2020 dưới 1,45%....
Ngày 23-5, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo sở GD-ĐT lập dự toán ngân sách lĩnh vực GD-ĐT năm 2017.
YBĐT - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái vừa thiết lập và công bố số điện thoại đường dây nóng tại địa chỉ thư điện tử để tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân liên quan đến lĩnh vực đất đai.
YBĐT - Ép con ăn, ép con học để phổng phao và thông minh hơn “con nhà người ta” đang là xu hướng chung của hầu hết các bậc phụ huynh. Chính vì vậy, nếu trước đây mối lo lắng của các bậc cha mẹ là con chậm phát triển, suy dinh dưỡng thì ngày nay lại là béo phì, thừa cân hay “học cô nào, trường nào”…