Bài 2: Cơ sở nhiều - chất lượng chưa tương xứng
- Cập nhật: Thứ ba, 31/5/2016 | 9:20:28 AM
YBĐT - Kết quả đạt được là rất lớn, tạo công ăn việc làm, thu hút đầu tư… tuy nhiên so sánh, quy mô đào tạo nghề tại Yên Bái vẫn đạt thấp so với toàn quốc. Do nhiều nguyên nhân, số lao động sau học nghề tại Yên Bái vẫn khó kiếm việc làm.
Hướng dẫn người lao động làm thủ tục, tư vấn việc làm tại điểm ủy thác thị trấn Yên Thế, Lục Yên.
|
>> Bài 1: Những kết quả đào tạo nghề
Là trường trọng điểm đào tạo nghề của tỉnh, sau nhiều năm đầu tư xây dựng, tháng 8/2012, Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái được đưa vào hoạt động tại thôn 2, xã Văn Phú (thành phố Yên Bái) với cơ sở vật chất, trang thiết bị thuộc loại “có hạng” trong khu vực. Là một trong 40 điểm chất lượng quốc gia, nhưng đáng buồn, số học sinh học nghề tại Trường chỉ đạt 3.500 đến 3.700 học sinh/năm.
Tương tự Trường Trung cấp Nghề huyện Lục Yên tại tổ 10, thị trấn Yên Thế có sự đầu tư khá, hàng năm, kế hoạch tuyển sinh của trường phải đạt trên 900 người, nhưng 3 năm gần đây mặc dù đã cố gắng nhưng vẫn không hoàn thành kế hoạch.
Trái ngược với đào tạo, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đang rất cần lực lượng lao động có tay nghề nhưng chưa được đáp ứng.
Nhà hàng Tùng Dương - một cơ sở kinh doanh dịch vụ tại thành phố Yên Bái là một ví dụ. Đang trong giai đoạn mở rộng quy mô kinh doanh, hiện tại Nhà hàng cần đến năm, sáu chục lao động để làm công việc nấu ăn, chạy bàn, phục vụ… với thu nhập khá. Bà Phạm Thu Hương - chủ nhà hàng chia sẻ: “Rất khó để tìm được nguồn nhân lực này ở Yên Bái. Nếu có tuyển, Nhà hàng cũng phải tiếp tục cử đi Hà Nội hay những tỉnh trong Nam học thêm mới có thể đáp ứng được yêu cầu”.
Chia sẻ của bà Hương cũng là tâm sự của nhiều cơ sở sửa chữa ô tô, tiện, hàn và nhiều doanh nghiệp đang đầu tư tại Yên Bái khi lao động không thiếu những vẫn phải “đau đầu” tìm thợ!
Những tồn tại, hạn chế trong đào tạo nghề được ông Trịnh Tiến Thanh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái, cơ sở hàng đầu đào tạo nghề của tỉnh thẳng thắn thừa nhận trong một hội nghị đánh giá về công tác giáo dục - đào tạo vừa qua: “Hiện nay, hệ đào tạo chính quy gặp rất nhiều khó khăn do mất cân đối giữa các ngành học, một số nghề không tuyển sinh được hoặc rất ít học sinh. Chất lượng đào tạo cũng đang là vấn đề cần khắc phục mới đáp ứng được yêu cầu xã hội”.
Thực trạng ông Thanh nêu có nhiều nguyên nhân, trong đó khách quan do số lượng doanh nghiệp của tỉnh ít, quy mô sử dụng lao động không nhiều, dẫn đến nhu cầu chưa cao. Bên cạnh đó, do nhận thức của người học và xã hội chưa đúng về đào tạo nghề, vẫn còn nặng tư tưởng “trọng thầy hơn trọng thợ”.
Về vấn đề này, một chuyên gia lĩnh vực dạy nghề tâm sự: “Ai cũng biết, làm thợ bây giờ cũng dễ sống, công việc cũng không phải ít. Công thấp nhất thợ điện, nước hay xây dựng cũng trên dưới 200 nghìn đồng/ ngày, nhưng mấy ai coi nghề là phương tiện kiếm sống, mà chỉ những người không có điều kiện học cao đẳng, đại học “vạn bất đắc dĩ” mới học nghề.
Do đó, bản thân đầu vào học nghề đã thấp. Có việc, tìm một thợ lành nghề trong các lĩnh vực thông thường ở Yên Bái như tiện, hàn, nguội, sửa chữa ô tô… cũng là khá khó, chứ chưa nói đến thợ đạt tiêu chuẩn cấp quốc gia. Chất lượng đào tạo cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều học sinh ra trường không tìm được việc làm”.
Học viên dân tộc Mông, xã La Pán Tẩn (Mù Cang Chải) trong giờ thực hành sửa chữa xe máy.
Tâm lý “chưa trọng nghề” dẫn đến công tác hướng nghiệp, phân luồng của ngành giáo dục thời gian qua chưa thực sự hiệu quả. Tỷ lệ đi thi đại học, cao đẳng tại Yên Bái dù đã giảm nhưng hàng năm vẫn còn khá cao (trên 50%). Tâm lý xã hội đã khiến nhiều người có thái độ “coi thường nghề”.
Nghề xây dựng là một ví dụ. Dù là nghề gắn liền với lao động chân tay nhưng cũng rất cần có sự đào tạo bài bản. Vì có học có hơn - có tay nghề, sẽ giúp giảm chi phí nhân công và nâng cao chất lượng, kỹ, mỹ thuật công trình. Tuy nhiên, rất nhiều lao động có tư duy vừa làm, vừa học, lại vừa có tiền và ban đầu, từ thợ phụ có kinh nghiệm sẽ trở thành thợ chính.
Hiện toàn tỉnh Yên Bái có tổng số 217 giáo viên dạy nghề, trong đó có 163 giáo viên tại các trường và 54 giáo viên ở các trung tâm. Trong số giáo viên hiện có, số giáo viên dạy văn hóa và hướng nghiệp là 157 người, chiếm 72%. |
Những nhóm thợ này thời gian qua xuất hiện ở Yên Bái rất nhiều, nhưng họ chỉ nhận được những công trình dân sinh, yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng thấp. Nếu đòi hỏi cao hơn thì không đáp ứng được.
Cùng tâm lý xã hội, có một tồn tại, dù cơ sở vật chất phục vụ học nghề đã được đầu tư, đội ngũ giáo viên được tăng cường, nhưng chất lượng đào tạo là rất… xa nhu cầu.
Ông Đỗ Việt Bắc - Chủ doanh nghiệp sửa chữa ô tô, Công ty TNHH sửa chữa ô tô Dung Bắc, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái, cho biết: “Cơ sở chúng tôi cần những thợ có trình độ cao về động cơ, điện lạnh, sơn… tuy nhiên, khi nhận các lao động về làm, lại phải đưa đi đào tạo thêm. Số đáp ứng được nhu cầu mới đạt 50%”.
Chia sẻ của ông Bắc cũng chính là tâm sự của nhiều doanh nghiệp đến làm ăn tại Yên Bái. Bằng cấp đào tạo nghề do các trường cấp mới chỉ là “vé” vào cửa doanh nghiệp, để đáp ứng được yêu cầu công việc, doanh nghiệp phải tiếp tục đào tạo. Đây cũng chính là vấn đề mà các cơ sở đào tạo nghề cần phải suy nghĩ!
Lao động xã Thanh Lương (Văn Chấn) cập nhật kiến thức trồng rau an toàn.
Lý giải về thực trạng trên, một chuyên gia lĩnh vực dạy nghề cho rằng: Đầu tư của tỉnh về công tác dạy nghề thời gian qua là rất lớn, là mơ ước của nhiều thế hệ dạy nghề và ngay cả những cơ sở đào tạo nghề trong khu vực. Tuy nhiên, không nói những nghề mới, mang tính hiện đại như lập trình vi tính, đối với nghề truyền thống có thể nói, trước đây người thợ đào tạo giỏi hơn bây giờ! Nguyên nhân, cùng là tư duy học nghề để vì ngày mai lập nghiệp nhưng môi trường học nghề hiện nay còn thiếu tính chất thi đua.
"Bên cạnh vấn đề chất lượng đội ngũ giáo viên, suất đầu tư cho đào tạo một học sinh học còn thấp. Một người học nghề hàn mà cả khóa học chỉ hàn hết vài que hàn như hiện nay thì không thể trở thành thợ giỏi” - chuyên gia này bày tỏ.
Những khó khăn về đội ngũ nhân lực đào tạo cũng chính là tâm tư của ông Ngô Thanh Giang - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trong một lần phát biểu rằng: “Các cơ sở dạy nghề thừa giáo viên văn hóa, thiếu giáo viên dạy nghề. Bên cạnh đó, trình độ, kinh nghiệm một số giáo viên còn hạn chế, cơ sở vật chất tại nhiều cơ sở còn thiếu, chưa đồng bộ, việc nắm bắt nhu cầu học nghề của nhiều địa phương chưa cao”.
Còn ông Tạ Quang Công - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề & Giáo dục thường xuyên huyện Yên Bình chia sẻ: “Sau khi sáp nhập, Trung tâm cần 5 giáo viên gồm 2 giáo viên về lĩnh vực nông nghiệp, 1 giáo viên điện, 1 xây dựng và 1 giáo viên thú y. Tuy nhiên, việc chuyển đổi giáo viên từ dạy văn hóa sang dạy nghề nông thôn cũng gặp khó khăn bởi giáo viên thiếu kinh nghiệm".
"Để đáp ứng đủ giáo viên giảng dạy, Trung tâm đã liên kết đào tạo với Trường Cao đẳng Nghề Sông Hồng, tỉnh Phú Thọ và Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái. Nhưng đây cũng chỉ là giải pháp mang tính tình thế” - ông Công nói.
Chia sẻ của ông Công cũng là tâm sự của ông Vũ Xuân Hải - Phó giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên huyện Mù Cang Chải: “Thiếu nhà xưởng phục vụ cho giảng dạy, chưa có nhà ở bán trú cho học viên, các nghề phi nông nghiệp muốn mở lớp đều phải chuyển máy móc thiết bị đến tận thôn, bản và phải nhờ vào hội trường thôn, nhà cộng đồng để giảng dạy… Khó khăn hơn chính là việc Trung tâm đang thiếu 2 người thỉnh giảng nên nếu mở lớp thì phải thuê giáo viên ở Trường Trung cấp Kỹ thuật và Nghiệp vụ Phú Thọ hay các cơ sở dạy nghề trong tỉnh. Hàng năm, kế hoạch mở lớp thì đủ, nhưng học sinh các lớp thì thiếu, nhiều trường hợp tham gia học được vài buổi rồi bỏ…” - ông Hải cho biết.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quy mô lực lượng lao động năm 2015 toàn quốc đạt 53,71 triệu người (Yên Bái là 522.000 người) trong đó, lực lượng lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chiếm 20,6%. Nếu tính cả dạy nghề chính quy, dạy nghề thường xuyên được tổ chức tại các cơ sở nghề, cơ sở giáo dục có tham gia hoạt động nghề, tại các doanh nghiệp, làng nghề và dạy nghề của tổ chức khác tỷ lệ này đạt 38,5%, trong đó Yên Bái đạt 30%. |
Đình Tứ - Phong Sơn
Bài 3: Cần giải pháp đồng bộ
Các tin khác
YBĐT - Từ năm 2012 đến nay, việc triển khai thực hiện Tháng Công nhân tại Yên Bái đã thực sự đi vào nề nếp, bằng các hoạt động thiết thực, cụ thể giúp đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) trong tỉnh được hưởng những ngày "Tết Lao động" thực sự có ý nghĩa.
YBĐT - Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 - 2016, theo đăng ký, huyện Yên Bình có 960 thí sinh tham dự thi, trong đó có 241 thí sinh đăng ký dự thi vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa dự tuyển đại học, cao đẳng và 719 thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Ngày 30/5, tại Nhà khách Trường Sơn, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái tổ chức lớp tập huấn triển khai, hướng dẫn thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg cho các học viên của 5 tỉnh: Yên Bái, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang.
YBĐT - Thôn 3, xã Phong Dụ Hạ, huyện Văn Yên chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Thái, Dao sinh sống với 121 hộ và 564 khẩu. Đây là thôn trồng quế, chăn nuôi giỏi nhất xã. Thành công đó từ chính những đôi bàn tay cần cù lao động, sáng tạo của người dân nơi đây.