Đổi mới giáo dục nhìn từ đề thi Ngữ văn vào trung học phổ thông
- Cập nhật: Thứ sáu, 10/6/2016 | 9:52:23 AM
YBĐT - Chị Lê Kiều Minh, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái bị thu hút chú ý bởi đề Ngữ văn chuyên: “Thật bất ngờ với cách ra đề mới lạ này. Không chỉ có câu hình vẽ, mà tất cả các câu hỏi còn lại rất hay, rất mới".
Các thí sinh làm bài môn Văn tại kỳ thi vào lớp 10 Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành.
|
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2016 - 2017 khối THPT chuyên và không chuyên của tỉnh đã kết thúc, nhưng dư âm về những đề thi Ngữ văn chuyên, không chuyên vẫn còn lan tỏa trong các thí sinh, phụ huynh và cả cộng đồng mạng xã hội. Với sự đánh giá là mới lạ trong cách ra đề, các đề thi đã mang tới cho thí sinh sự hứng khởi và phát huy được tính sáng tạo. Đây cũng chính là kết quả của đổi mới giáo dục từ cách dạy và học, cách ra đề thi.
Vài năm gần đây, thực hiện tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), ngành GD&ĐT tỉnh đã tập trung vào các vấn đề như: đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ các yếu tố cơ bản của GD&ĐT; coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học.
Theo đó, cùng với việc giảm tải chương trình học ở tất cả các bậc học, giáo dục Yên Bái tập trung đổi mới phương pháp giảng dạy, nhằm thực hiện tốt các vấn đề cơ bản trong đổi mới giáo dục. Những bài giảng ngày càng gần gũi hơn với cuộc sống, những đề thi ngày càng kết hợp nhiều kiến thức, hiểu biết xã hội. Tuy vậy, ngành GD&ĐT Yên Bái vẫn có một nguyên tắc bất di bất dịch thì dù “mở” hay “khép”, nhà trường vẫn phải là "pháo đài" của sự chuẩn mực. Điều này, thể hiện rất rõ trong đề thi môn Ngữ văn chuyên. Được đánh giá là đề thi khá thú vị không chỉ đối với học sinh, phụ huynh, thầy cô mà cả những người quan tâm tới công tác giáo dục ở tỉnh.
Nhiều người còn nói vui: “Đuổi hình bắt chữ với đề Ngữ văn chuyên”, bởi ở câu hỏi nghị luận xã hội, các em không phải trình bày cảm nhận thông qua một văn bản mà thông qua cảm nhận một hình vẽ rất dễ hiểu, dễ cảm nhận.
Em Quỳnh Anh, dự thi tại Hội đồng thi Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành chia sẻ: “Đề quả thực không khó, nhưng nó không giống khuôn mẫu ôn luyện nào. Nếu học chắc kiến thức thì sẽ làm được bài. Đặc biệt, câu hỏi số 2 cho chúng em khá hứng thú trong làm bài. Cảm nhận đầu tiên khi em nhận đề là rất lạ, sau đó nhìn kỹ hình vẽ và cười”.
Cùng dự thi chuyên Văn, Linh Phương nhận định: “Cách ra đề rất dễ hiểu, nhưng lại rất “chất” - có nghĩa là dễ hiểu nhưng không phải dễ dàng làm được nếu không đủ lượng kiến thức giáo khoa và xã hội, đủ tinh tế để đưa ra những cảm nhận”. Cả 3 câu hỏi của đề thi đều hỏi cảm nhận của thí sinh, nhưng ở câu hỏi 1 là cảm nhận về suy nghĩ của cá thể thông qua một trích đoạn văn bản; câu hỏi 2 là cảm nhận về một hình vẽ; câu hỏi 3 là cảm nhận về hình tượng trăng qua thơ. Toàn bộ đề cao cái “tôi” cá nhân của mỗi em trong quá trình làm bài, nhưng ở mỗi câu, các em cần sử dụng những kỹ năng riêng, những thể loại riêng phù hợp.
Dưới góc độ của một giáo viên giảng dạy, cô giáo Lương Hoa Huệ - Trường Tiểu học và THCS Phúc Lộc chia sẻ: “Sau kỳ thi vào lớp 10 vừa qua, tôi cùng các đồng nghiệp trong trường và cả ở các trường khác có trao đổi với nhau rất nhiều về đề Ngữ văn chuyên. Hầu hết, chúng tôi đều nhận định đề thi rất sâu sắc, ra theo hướng đổi mới, học sinh phát huy được tư duy sáng tạo. Và câu hỏi 2 là câu hỏi hay nhất. Các em phải có kiến thức thực tế, đánh giá và bài học rút ra cho bản thân. Vấn đề câu hỏi đưa ra hoàn toàn phù hợp với lứa tuổi 15 của các em, đó là cần phải đặt ra kế hoạch cho tương lai của mình, có hướng thực hiện kế hoạch. Cùng với đó, các em hiểu quá trình thực hiện mục tiêu kế hoạch của bản thân không phải là con đường dễ dàng. Tôi thích câu hỏi này”.
Đúng vậy, mặc dù đề ra có hình vẽ, nhưng hoàn toàn không đánh đố học sinh. Bởi hình vẽ rất dễ hiểu và học sinh ai cũng cảm nhận và nhận biết được nội dung của hình vẽ. Song, tùy thuộc vào từng em có cách vận dụng, sự hiểu biết khác nhau, cũng tùy từng em rút ra bài học kinh nghiệm cho mình như thế nào để đạt được kế hoạch của tương lai sẽ quyết định đến chất lượng, điểm số cho bài thi của các em.
Không phải là một giáo viên hay phụ huynh có con thì vào THPT năm nay, nhưng chị Lê Kiều Minh, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái bị thu hút chú ý bởi đề Ngữ văn chuyên: “Thật bất ngờ với cách ra đề mới lạ này. Không chỉ có câu hình vẽ, mà tất cả các câu hỏi còn lại rất hay rất mới. Ngày trước, chúng tôi học không có kiểu ra đề như thế này, rất dễ hiểu, trực quan sinh động, thúc đẩy tư duy của học sinh. Tôi nghĩ rằng, với đề thi này, học sinh thỏa sức sáng tạo”.
Đúng vậy, phát huy tư duy, sự sáng tạo và tính chủ động của học sinh chính là điều mà đổi mới giáo dục hướng tới nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao dân trí. Và đề thi Ngữ văn chuyên đã làm được điều đó.
Cô Lương Hoa Huệ - Trường Tiểu học và THCS Phúc Lộc cho biết thêm: “Trong những năm gần đây, công tác dạy và học có nhiều hướng đổi mới, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh. Mỗi tác phẩm văn học chúng tôi giảng dạy theo chương trình quy định của Bộ GD&ĐT thì giáo viên đều chủ động liên hệ với thực tế, định hướng. Thông qua các tác phẩm văn học, giáo dục cho các em những bài học thực tế vô cùng quý báu”.
Không chỉ có đề thi môn Ngữ văn chuyên, đề thi các môn tại kỳ thi vào lớp 10 khối THPT chuyên và không chuyên của tỉnh năm 2016 được đánh giá tốt với nhiều đổi mới trong cách ra đề, xuất phát từ những đổi mới trong công tác giảng dạy và học tập. Đây là một minh chứng rõ ràng nhất cho bước tiến lớn của đổi mới giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29.
Thanh Vy
Các tin khác
YBĐT - Ngày 9/6, tại Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh đã diễn ra Đại hội đại biểu Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Yên Bái lần thứ II, nhiệm kỳ 2016 - 2021. 145 đại biểu đại diện cho 875 hội viên Hội Thầy thuốc trẻ trong toàn tỉnh đã về dự Đại hội.
YBĐT - Hướng tới kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2016), ngày 9/6, Chi hội nhà báo Báo Yên Bái tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Nâng cao tính phát hiện và kỹ năng xử lý đề tài”.
YBĐT - Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đợt 1, năm 2016 tại huyện Văn Yên đã góp phần thực hiện hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch công tác DS/KHHGĐ năm 2016 trên địa bàn các xã, thị trấn và huy động sự tham gia của các đoàn thể tại địa phương.
YBĐT - Không có vụ án nào bị kháng nghị vì vi phạm pháp luật, các phiên tòa được tổ chức xét xử có tính thuyết phục cao, nhiều phiên xử lưu động có tác dụng tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân… Đó là những kết quả thể hiện sự cố gắng của đội ngũ cán bộ, nhân viên Tòa án nhân dân (TAND) huyện Yên Bình thời gian qua trong công tác xét xử, giải quyết các vụ việc.