Thiếu sân chơi cho trẻ trong dịp hè

  • Cập nhật: Thứ tư, 22/6/2016 | 3:00:51 PM

YBĐT - Mỗi khi hè về, vấn đề sân chơi cho trẻ lại trở thành câu chuyện được khá nhiều địa phương, phụ huynh trăn trở để các em có một kỳ nghỉ bổ ích, an toàn. Song, việc tổ chức vui chơi như thế nào, chơi ở đâu vẫn là vấn đề vẫn hết sức nan giải.

Các em nhỏ rủ nhau tắm suối không có sự giám sát của người lớn, luôn tiềm ẩn hậu quả khôn lường.
Các em nhỏ rủ nhau tắm suối không có sự giám sát của người lớn, luôn tiềm ẩn hậu quả khôn lường.

Theo số liệu của Phòng Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái, tổng số trẻ dưới 16 tuổi toàn tỉnh hiện tại là 252.700 cháu, chiếm 30% dân số. Trẻ em đông, nhu cầu vui chơi của trẻ, nhất là trong dịp hè là rất lớn, song hiện tại, các điểm vui chơi của trẻ chưa đủ. Toàn tỉnh có trên 2.000 nhà văn hóa xã, phường, thôn, bản được xây dựng, tạo thêm cơ sở vật chất cho việc vui chơi của trẻ. Tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu vui chơi cho trẻ trong dịp hè thì vẫn chưa đủ, hiệu quả không cao.

Đơn cử như địa bàn thành phố Yên Bái, tổ dân phố nào cũng có nhà văn hóa được xây dựng khá khang trang, nhưng không có những thiết chế văn hóa, thiết bị phục vụ cho vui chơi không nhiều. Số sân chơi được xây dựng còn quá ít, chỉ đáp ứng được số lượng không nhiều trẻ em tham gia vui chơi nên hiệu quả hoạt động không cao.

Nhiều vùng nông thôn, vùng sâu, nhiều sân chơi thiếu các dụng cụ, đồ chơi hoặc đang trong tình trạng xuống cấp do không được xây dựng mái che. Bởi vậy, vẫn phổ biến là các em tụ tập đi tắm sông, suối, leo trèo cây cối, chơi ven các tuyến đường, không bảo đảm an toàn. Ngay tại trung tâm thành phố Yên Bái cũng chỉ có duy nhất Nhà Thiếu nhi tỉnh với một số trò chơi ngoài trời như: lái ô tô điện, đu quay, nhà bóng… chỉ thu hút được một số ít các em.

Năm nào cũng vậy, chuẩn bị nghỉ hè, Nhà Thiếu nhi tỉnh đều xây dựng kế hoạch hoạt động hè như tổ chức các lớp năng khiếu, lớp kỹ năng sống, các lớp học bơi, song số lượng các em tham gia không nhiều, bởi nội dung chưa thực sự phong phú và hấp dẫn, chỉ thu hút được các em ở thành phố chứ chưa thể mở rộng đến đối tượng trẻ nông thôn các vùng lân cận. Điều đáng nói là, tổ chức Đoàn thanh niên chưa thể hiện hết được vai trò của mình trong việc tạo ra những sân chơi lành mạnh, thu hút được đông đảo các em vào các hoạt động hè.

Một số hoạt động được tổ chức lại đơn điệu, nhàm chán, mang nặng tính hình thức, không có sức hấp dẫn đối với các em. Bên cạnh đó, nhiều bậc phụ huynh còn xao nhãng, buông lỏng, thiếu quan tâm tới việc tạo sân chơi cho con em trong dịp hè. Mặt khác, gánh nặng học thêm luôn đè nặng, khiến cho những ngày nghỉ hè của các em bị cắt xén.

Để đáp ứng nhu cầu vui chơi cho trẻ trong dịp hè, một số cơ sở tư nhân cũng mở các dịch vụ vui chơi cho trẻ, nhưng giá dịch vụ khá cao nên không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con em mình thường xuyên đến đó. Nhiều phụ huynh cho biết, chỉ có thể đưa trẻ đến khu vui chơi vào buổi tối, vì ban ngày phải làm việc. Vì thế, hầu hết thời gian còn lại trong ngày hè, các em được gửi đến những lớp học thêm hoặc những nhà giữ trẻ tư nhân. Cũng do thiếu sân chơi, cộng với sự quản lý thiếu chặt chẽ của cha mẹ, nên nhiều em chọn đến dịch vụ Internet và chơi những trò chơi mang tính bạo lực, cá cược ăn tiền.

Sự đối lập trong các hoạt động sinh hoạt hè giữa thành thị và nông thôn được thể hiện rõ. Ở thành thị, với điều kiện kinh tế, xã hội phát triển, các em thuận lợi trong việc học tập, vui chơi, giải trí. Các phong trào, hoạt động sinh hoạt hè có phần phong phú, đa dạng, nhiều màu sắc hơn thì ở những xã vùng sâu, vùng xa, sân chơi cho trẻ trong dịp hè vẫn còn nhiều trăn trở. Trẻ em vùng sâu, vùng xa thường thiếu các sân chơi trong dịp hè. Với các em, mùa hè cũng là dịp mà các em phải bươn chải kiếm sống, phụ giúp cha mẹ công việc nhà, đồi rừng.

Đôi lúc, muốn vui chơi nhưng đỏ mắt cũng chẳng tìm ra một sân chơi nào, bởi địa phương không có khu vui chơi tập trung cho trẻ… Việc tổ chức sân chơi cho trẻ trong dịp hè ở một số địa phương còn khoán trắng cho Đoàn thanh niên. Khu vui chơi tập trung cho trẻ thì thiếu, hoạt động sinh hoạt hè thì nhàm, nên đa số các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa tham gia các trò chơi tự phát…

Thiếu sân chơi, nên phần lớn các em phải tự tìm sân chơi cho mình với những trò chơi thường là thiếu tính định hướng. Nguy cơ thương tích thường rình rập nhiều nhất khi trẻ tắm ở sông, suối, hồ, ao… khi không có sự giám sát của người lớn. Bởi vậy, trường hợp trẻ em bị chết đuối thường xảy ra vào dịp nghỉ hè.

Ở các vùng thành phố, thị xã tưởng như tình hình được cải thiện hơn, nhưng trên thực tế lại không hoàn toàn như vậy. Không gian vui chơi, giải trí của trẻ em bị thu hẹp, nhường chỗ cho các công trình xây dựng nhà ở, khu công nghiệp… Do không có sân chơi, nhiều em đã dùng vỉa hè, lề đường làm sân bóng hoặc “nướng” thời gian vào Internet để chát, chơi điện tử. Không ít trong số đó đã sa đà vào các trò chơi mang tính kích động bạo lực hoặc có nội dung đồi trụy, dễ làm phát sinh ở các em những suy nghĩ tiêu cực, những hành động lệch lạc, thậm chí là vi phạm pháp luật.

Theo số liệu thống kê của Phòng Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh thì từ năm 2012 đến nay, năm nào trên địa bàn tỉnh cũng có tình trạng trẻ tử vong do đuối nước. Cụ thể, năm 2012, toàn tỉnh có 45 trường hợp trẻ tử vong do đuối nước; năm 2013 có 33 trường hợp; năm 2014 có 25 trường hợp; năm 2015 có 9 trường hợp; riêng 6 tháng đầu năm 2016 cũng đã có 3 trường hợp trẻ tử vong do đuối nước.

Để giải bài toán sân chơi cho trẻ em trong dịp hè, chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần sớm có kế hoạch trong việc duy tu, tôn tạo, xây dựng mới các điểm vui chơi an toàn, thân thiện đối với trẻ. Các bậc phụ huynh cần làm tốt công tác quản lý con em trong dịp hè, tránh để trẻ sa đà vào các trò chơi vô bổ, thiếu lành mạnh; đồng thời, làm giảm nguy cơ thương tích từ những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

Tổ chức Đoàn thanh niên cần thể hiện rõ vai trò của mình trong việc tạo ra những hoạt động hè sôi nổi, hấp dẫn, đa dạng hoá hình thức tổ chức để thu hút được đông đảo các em tham gia. Tạo dựng những sân chơi bổ ích, an toàn, lành mạnh trong dịp hè là để mọi trẻ em đều có cơ hội được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục toàn diện, có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Thanh Tân

Các tin khác
Pa-nô tuyên truyền về tác hại của thuốc lá được Trung tâm Y tế huyện Văn Yên đặt ngay tại sân đơn vị.

YBĐT - Thời gian qua, nhờ quyết liệt triển khai công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHCTL) mà cán bộ Trung tâm Y tế huyện Văn Yên đã có nhận thức đầy đủ hơn về công tác xây dựng môi trường trong lành không khói thuốc.

Một buổi hội thảo về mất cân bằng giới tính khi sinh của huyện Lục Yên.

YBĐT - Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ở Lục Yên bắt đầu xuất hiện từ năm 2010 và ngày càng tăng cao. Tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) năm 2011 là 105,1 trẻ trai/100 trẻ gái, năm 2012 là 113,4 trẻ trai/100 trẻ gái, năm 2013 là 119,6 trẻ trai/100 trẻ gái và đến năm 2014 là 127,6 trẻ trai/trẻ gái, năm 2015 giảm được một ít, còn 126,1 trẻ trai/trẻ gái.

Một buổi phổ biến kiến thức về phòng chống mua bán người và di cư an toàn cho các thành viên Nhóm Tự lực.

YBĐT - Sau hơn 1 năm hoạt động, Nhóm Tự lực ở phường Cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ đã trở thành điểm tựa tinh thần cho nhiều nạn nhân bị buôn bán người trở về và bạo lực gia đình (BLGĐ) trên địa bàn thị xã.

Quầy thu viện phí tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã bàn thảo để tiếp tục tăng viện phí từ ngày 1/8, tức là thêm một tháng so với lộ trình trước đây là tăng từ ngày 1/7 và cũng khác với lộ trình trước là không tăng trên diện rộng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục