Mai Sơn đẩy lùi bạo lực để xây dựng gia đình hạnh phúc
- Cập nhật: Thứ ba, 28/6/2016 | 3:38:22 PM
YBĐT - Nhằm xây dựng gia đình văn hóa, ấm no, tiến bộ và hạnh phúc, trong thời gian qua xã Mai Sơn, huyện Lục Yên đã và đang thực hiện quyết liệt công tác phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) bằng nhiều hình thức và bước đầu đã tạo chuyển biến về nhận thức, hành động của người dân.
Chị Triệu Thị C. ở xã Mai Sơn cho biết, chị và anh Lý Văn B. lấy nhau đã được hai chục năm nay. Lúc mới lấy nhau, cuộc sống gia đình chị rất nghèo khó. Tuy nhiên, cứ chịu khó làm ăn nên đến nay cuộc sống cũng đỡ cơ cực và nhà chị đã mua được xe máy đi lại, làm được nhà sàn bê tông. Ba đứa con của anh chị, một người đã đi lấy chồng, một thì đi làm công nhân, chỉ còn duy nhất cậu con trai 5 tuổi ở với bố mẹ. Vậy mà, cuộc sống của chị chẳng mấy được hạnh phúc, vui vẻ.
Sau mỗi lần đi làm ăn xa về, chồng chị cứ uống rượu vào là chỉ cần những bất đồng hết sức nhỏ nhặt là chị lại phải hứng chịu những trận đòn vô cớ. Nhưng suốt bao nhiêu năm qua, chị chẳng hề có lời kêu than mà chỉ biết cắn răng chịu đựng để giữ mái ấm gia đình cho các con. Bên cạnh đó, chị cũng còn e ngại: “Nếu mà báo với chính quyền địa phương, biết đâu sau khi bị nhắc nhở, xử lý thì chồng chị lại thù ghét, đánh đập nhiều hơn thì sao?”.
Còn anh B. cũng chẳng nhớ nổi bao nhiêu lần bạo hành với vợ. Anh đã không ít lần hứa hẹn thay đổi, thậm chí còn có bản cam kết không tái phạm, nhưng mỗi khi vợ chồng bất đồng thì anh vẫn dùng nấm đấm để giải quyết mọi chuyện. Mới đây, anh B. còn đánh đập chị C. khiến chị bị đa chấn thương. Trước sự việc trên, chính quyền địa phương đã kiên quyết xử lý, hoàn thiện hồ sơ để đưa anh B. đi giáo dục, cải tạo.
Việc xử lý đưa đi giáo dục đối với anh B. vì đã có hành vi bao lực với vợ, chứng tỏ chính quyền xã Mai Sơn đã và đang có những việc làm kiên quyết để PCBLGĐ, bảo vệ quyền lợi cho người phụ nữ.
Để làm tốt công tác này, những năm qua, chính quyền xã Mai Sơn luôn quán triệt sâu sắc quan điểm: “Đầu tư cho gia đình là đầu tư cho sự phát triển bền vững”; ưu tiên, đảm bảo nguồn lực và huy động sự đóng góp của toàn xã hội cho công tác gia đình và PCBLGĐ.
Nội dung PCBLGĐ được lồng ghép vào các hoạt động của phong trào xây dựng gia đình văn hóa, Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa... được cụ thể hóa bằng các phong trào thi đua như: phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”; “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”...; gắn nội dung PCBLGĐ với việc đăng ký và bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa” hàng năm. Xã cũng đã quan tâm tập huấn, nâng cao nghiệp vụ, nắm bắt luật và văn bản liên quan đến công tác gia đình, PCBLGĐ cho cán bộ, công chức, cán bộ hòa giải cơ sở ở 8 thôn.
Công tác tuyên truyền được chú trọng thực hiện bằng nhiều hình thức và phong phú về nội dung như: phát hành các tờ rơi, tuyên truyền lồng ghép trong các buổi sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể, các buổi họp thôn, bản; tuyên truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh xã với các thông điệp, khẩu hiệu tuyên truyền PCBLGĐ; thực hiện quyền bình đẳng giới, bảo vệ và chăm sóc, giáo dục trẻ em, nêu gương điển hình trong PCBLGĐ; kiên quyết lên án, xử lý những trường hợp vi phạm... Hiện nay, xã Mai Sơn duy trì 2 mô hình câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 8 cơ sở và 12 đường dây nóng hỗ trợ nạn nhân bị BLGĐ, 8/8 thôn bản đều có tổ hòa giải.
Ông Âu Văn Tình - Phó chủ tịch UBND xã Mai Sơn cho biết thêm: “Trong thời gian tới, xã Mai Sơn sẽ thực hiện quyết liệt hơn nữa về công tác PCBLGĐ. Thậm chí, sẽ phối hợp và đề nghị các cơ quan chức năng tiến hành khởi tố hình sự đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng”.
Tuy nhiên, công tác PCBLGĐ ở xã Mai Sơn vẫn còn gặp không ít khó khăn, hạn chế. Nguyên nhân sâu xa của BLGĐ là do người đàn ông còn mang nặng tính gia trưởng, độc đoán, thiếu hiểu biết về Luật PCBLGĐ; các thành viên trong gia đình thiếu các kỹ năng ứng xử, giải quyết khi trong gia đình có mâu thuẫn, xung đột, đặc biệt là ở các gia đình nông thôn, vùng sâu, vùng xa khi trình độ dân trí còn nhiều hạn chế. BLGĐ còn bị tác động bởi một số phong tục, tập quán, quan niệm lạc hậu “trọng nam khinh nữ” và một số tệ nạn xã hội như: cờ bạc, rượu chè, ma túy và tình trạng nghèo đói, không có việc làm hay kết hôn sớm. Phần lớn tâm lý của người phụ nữ khi bị bạo lực còn e ngại, không báo cáo với chính quyền địa phương để có hướng ngăn chặn, giải quyết kịp thời.
Đảng và Nhà nước đã xác định: “Gia đình là tế bào của xã hội, có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chế độ mới, nền kinh tế mới, con người mới”. Vì vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể cần quan tâm hơn nữa và đề ra phương hướng, chính sách, giải pháp tổ chức thực hiện thật hiệu quả về xây dựng gia đình văn hóa, bảo đảm hạnh phúc gia đình; trước hết, mỗi người dân cần quan tâm đến chính gia đình mình và hãy nói không với bạo lực để gia đình hạnh phúc, tiến bộ và ấm no.
Duy Khánh (Đài TT – TH Lục Yên)
Các tin khác
YBĐT - Trong năm 2015, tổng vốn Chương trình 135 đã thực hiện trên địa bàn huyện Văn Yên là 31 tỷ đồng.
YBĐT - Sáng 28/6, tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh, Ban Quản lý Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa tỉnh”, đã tổ chức lễ vận động ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” năm 2016.
YBĐT - Với sự quan tâm, giúp đỡ đồng hành của các tổ chức, cá nhân cùng nhiều tấm lòng hảo tâm, các thí sinh và phụ huynh trên địa bàn tỉnh Yên Bái sẽ cảm thấy vững lòng hơn khi bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2016.
Theo đó, kỳ thi đánh giá năng lực học sinh lớp 12 học chương trình tiếng Anh thí điểm bậc THPT lần đầu tiên năm 2016, theo yêu cầu bậc 3 của khung năng lực 6 bậc đã được Bộ tổ chức ở 36 sở giáo dục-đào tạo (GD-ĐT).