Liệt sỹ Nhâm đã làm rạng danh dòng tộc, quê hương, đất nước
- Cập nhật: Thứ năm, 28/7/2016 | 10:02:51 AM
YBĐT - Tháng 7 - tháng tri ân những chiến sỹ cách mạng đã cống hiến, hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Giữa lúc mọi người đều hướng về Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7 thì Báo Yên Bái nhận được thư của bà Nguyễn Thị Chương, 83 tuổi, thường trú tại thôn Đồng Bằng, xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên, là em gái của liệt sỹ Nguyễn Văn Nhâm - liệt sỹ chống Pháp.
Bản trích lục hồ sơ liệt sỹ của Bộ LĐTB&XH ghi rõ “Liệt sỹ Bùi Văn Nhâm”.
|
Lá thư tháng Bảy
Qua thư, bà Nguyễn Thị Chương phản ánh, anh trai bà đã hy sinh được 68 năm nhưng chưa nhận được Bằng Tổ quốc ghi công! Cụ thể là, anh trai bà Chương là Nguyễn Văn Nhâm được cán bộ cách mạng tuyên truyền, vận động rồi tham gia cách mạng từ năm 1945, làm tiểu đội trưởng tiểu đội du kích. Trong một trận đánh, ông cùng với bộ đội chủ lực thuộc Tiểu đoàn 401, Trung đoàn 209 sông Lô đánh chiếm đồn Đồng Bằng thì du kích Nguyễn Văn Nhâm hy sinh ngay trên mảnh đất quê hương (thuộc Đồng Cọ, xã Lương Thịnh).
Đồng chí Nhâm đã được công nhận là liệt sỹ, hài cốt được quy tập về Nghĩa trang Liệt sỹ xã Hưng Khánh. Thời gian qua đi, cha mẹ liệt sỹ Nhâm cũng lần lượt qua đời vì tuổi già, hai con nhỏ không may chết bệnh, vợ ông là bà Phạm Thị Tý đi thêm bước nữa rồi cũng mất. Người thân duy nhất của liệt sỹ Nhâm chỉ còn người em gái Nguyễn Thị Chương.
Thực hiện Pháp lệnh Người có công, năm 1997 gia đình bà Chương có ủy quyền cho ông Đoàn Văn Hàm (em rể liệt sỹ Nhâm, là chồng của bà Chương) thay mặt dòng tộc đứng ra làm hồ sơ đề nghị Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sỹ Nhâm. Tuy nhiên, sau nhiều năm gia đình bà Chương vẫn không nhận được Bằng Tổ quốc ghi công.
Đến ngày 10/2014, cán bộ UBND xã Lương Thịnh mới mời gia đình bà Chương đến nhận Bằng Tổ quốc ghi công mang tên liệt sỹ Bùi Văn Nhâm và đề ngày hy sinh: 30/4/1905. Nhận thấy trên tấm Bằng Tổ quốc ghi công ghi họ của anh mình là họ Bùi, không phải họ Nguyễn đúng như dòng họ của mình và không thể có chuyện liệt sỹ hy sinh năm 1905, “Năm 1905 chưa có phong trào cách mạng, chưa có tổ chức Đảng, mãi đến ngày 30/6/1945 tỉnh Yên Bái mới thành lập tổ chức Đảng cộng sản để lãnh đạo phong trào cách mạng...” (trích thư của bà Nguyễn Thị Chương), gia đình bà Nguyễn Thị Chương cũng đã đến Nghĩa trang lliệt sỹ xã Hưng Khánh tìm kiếm mộ của người thân thì không thấy ngôi mộ nào có tên “Liệt sỹ Nguyễn Văn Nhâm”, chỉ duy nhất có ngôi mộ với tấm bia đề tên “Liệt sỹ Nguyễn Văn Nhân”. Ông Đoàn Văn Hàm và bà Nguyễn Thị Chương làm đơn thư gửi đi nhiều cấp, nhiều ngành với mong muốn trả lại đầy đủ tên, họ cho người anh trai của mình.
Bà Nguyễn Thị Chương, 83 tuổi mong muốn có tấm Bằng Tổ quốc ghi công mang tên Nguyễn Văn Nhâm.
Ý kiến trả lời của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội
Đọc thư của bà Chương, chúng tôi nhận thấy, mặc dù lá thư rất dài nhưng cô đọng lại có ba vấn đề. Thứ nhất: tại sao liệt sỹ Nguyễn Văn Nhâm lại mang họ Bùi trong Bằng Tổ quốc ghi công? Thứ hai: tấm Bằng Tổ quốc ghi công đề năm hy sinh là 1905 có đủ độ tin cậy? Thứ ba: phần mộ đề tên Liệt sỹ Nguyễn Văn Nhân tại Nghĩa trang Liệt sỹ xã Hưng Khánh có phải là của liệt sỹ Nguyễn Văn Nhâm hay không, nếu phải thì làm thế nào để thay đổi, sửa lại cho đúng?
Đem những câu hỏi này đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Yên Bái, chúng tôi được các cán bộ chuyên môn của Phòng Người có công trực thuộc Sở giải thích: về vấn đề liệt sỹ Nguyễn Văn Nhâm nhưng Bằng Tổ quốc ghi công lại mang họ là Bùi, lý do là trong quá trình tham gia cách mạng, đồng chí Nhâm đã tự đổi sang họ Bùi Văn Nhâm, tuyệt nhiên không có bí danh. Vì vậy, khi hy sinh, hồ sơ liệt sỹ của đồng chí Nhâm tại Cục Người có công - Bộ LĐTB&XH chỉ có tên Liệt sỹ Bùi Văn Nhâm, thôn Đồng Bằng, xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Ngay trong đơn đề nghị cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công gửi sở LĐTB&XH tỉnh Yên Bái của ông Đoàn Văn Hàm (em rể liệt sỹ Nhâm và là chồng bà Chương) cũng ghi rõ “Tên liệt sỹ: Bùi Văn Nhâm”, đơn đề ngày 23/10/2013, có xác nhận của Phó chủ tịch UBND xã Lương Thịnh - ông Vũ Ngọc Dương. Ông Hàm cũng được ủy quyền đến Sở LĐTB&XH nhận tiền trợ cấp thờ cúng liệt sỹ Bùi Văn Nhâm theo Quyết định số 1276 ngày 9/7/2014 của Sở LĐTB&XH Yên Bái.
Đối với nội dung ngày, tháng, năm hy sinh là 30/4/1905, đây là phản ánh rất đúng của gia đình và thân nhân liệt sỹ, thực tế ở nước ta không thể có liệt sỹ nào hy sinh năm 1905. Ngay sau khi nhận được thông tin này, Cục Người có công đã thừa nhận sai sót và đã có Công văn số 1807 ngày 29/9/2015 gửi Sở LĐTB&XH Yên Bái đề nghị kiểm tra, đối chiếu lại thông tin trong hồ sơ liệt sỹ; thu hồi Bằng Tổ quốc ghi công đã cấp nhưng sai lệch thông tin, rồi gửi về Cục Người có công. Được biết, vấn đề này đã được giải quyết dứt điểm, Bằng Tổ quốc ghi công đã được cấp lại, năm hy sinh đã được điều chỉnh từ năm 1905 sang năm 1947.
Về vấn đề bia mộ, tại Nghĩa trang Liệt sỹ xã Hưng Khánh hiện có 123 ngôi mộ liệt sỹ chỉ có ngôi mộ mang tên liệt sỹ Nguyễn Văn Nhân, không có ngôi mộ nào mang tên liệt sỹ Nguyễn Văn Nhâm. Thực tế những năm qua, gia đình bà Chương, ông Hàm đều đến hương nhang, thăm viếng ngôi mộ này. Theo thông tin của người thân liệt sỹ Nhâm thì trong quá trình cất bốc, tôn tạo, xây dựng Nghĩa trang liệt sỹ xã Hưng Khánh, khi khắc bia mộ đã thiếu nét (chữ m thành chữ n) và tên Nhâm đã thành tên Nhân.
Sự cống hiến của các anh hùng liệt sỹ luôn được trân trọng
“Uống nước, nhớ nguồn” đã trở thành đạo lý của dân tộc Việt Nam, vẫn biết rằng do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên việc “Đền ơn, đáp nghĩa” vẫn chưa được trọn vẹn. Song, tiếp tục chăm lo các gia đình thương binh, liệt sỹ, là trách nhiệm, là bổn phận của Đảng, Nhà nước, của các cấp các ngành và mọi người. Liệt sỹ Nguyễn Văn Nhâm hay tên gọi khi tham gia cách mạng là Bùi Văn Nhâm cũng thế, sự hy sinh của đồng chí cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc sẽ được đời đời dân tộc Việt Nam khắc ghi.
Mặc dù đến nay, mọi chế độ, chính sách đối với thân nhân liệt sỹ Nhâm đều được các cấp, các ngành triển khai thực hiện đầy đủ, đúng chính sách, nhưng chúng tôi cho rằng, mong muốn có một tấm Bằng Tổ quốc ghi công, mang đúng họ và tên anh mình, treo tấm bằng đó ở nơi trang trọng nhất trong nhà của bà Nguyễn Thị Chương là hoàn toàn chính đáng.
Từ quan điểm này, đề nghị Sở LĐTB&XH đề nghị với Cục Người có công, Bộ LĐTB&XH cấp lại cho gia đình bà Nguyễn Thị Chương một tấm Bằng Tổ quốc ghi công mới, trên đó ghi rõ Liệt sỹ Bùi Văn Nhâm (tức Nguyễn Văn Nhâm). Vẫn biết mọi thủ tục giấy tờ có liên quan đều đang mang tên Bùi Văn Nhâm, bí danh không, tên gọi khác không… nhưng cha của liệt sỹ Nhâm mang họ Nguyễn, em gái cũng mang họ Nguyễn, từ đó đủ cơ sở để xác định liệt sỹ Nhâm thuộc dòng họ Nguyễn.
Phần mộ liệt sỹ Nguyễn Văn Nhân tại Nghĩa trang liệt sỹ xã Hưng Khánh vẫn được gia đình bà Chương hương nhang chăm sóc. (Trong ảnh: Chồng bà Chương đến thắp hương tại ngôi mộ).
Đối với vấn đề bia mộ mang tên liệt sỹ Nguyễn Văn Nhân tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Hưng Khánh, thực tế theo hồ sơ lưu trữ không có liệt sỹ nào ở Hưng Khánh, Trấn Yên có tên là Nguyễn Văn Nhân, điều này có nghĩa là ý kiến cho rằng đã có sai sót trong quá trình khắc bia mộ là có cơ sở. Đề nghị UBND xã Hưng Khánh và huyện Trấn Yên tiến hành kiểm tra lại quy trình cất bốc, tôn tạo Nghĩa trang liệt sỹ xã Hưng Khánh, xem sai sót ở đâu, trách nhiệm thuộc về ai? Từ đó tiến hành thay thế bia mộ cho đúng với tên gọi của người liệt sỹ đang yên nghỉ.
Trong trường hợp không thể xác định được tên liệt sỹ bằng sơ đồ hoặc nhân chứng… thì tiến hành xét nghiệm ADN để xác định xem phần hài cốt của liệt sỹ có cùng dòng máu với bà Nguyễn Thị Chương hay không, nếu đúng thì thực hiện việc thay bia mộ cho đúng tên liệt sỹ, nếu sai thì đề “Liệt sỹ vô danh”. Vẫn biết việc làm này không dễ vì sau gần một thế kỷ an táng, trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn rất có thể phần hài cốt không còn!
Được biết, sau buổi làm việc với phóng viên Báo Yên Bái, Sở LĐTB&XH đã có công văn đề nghị với Bộ LĐTB&XH xem xét, giải quyết toàn bộ nội dung như trong đơn thư của bà Chương. Với tinh thần trách nhiệm trong công việc, cũng như bổn phận của những người đang hưởng tự do, độc lập với những người đã hy sinh, sự việc sẽ được Cục Người có công, Bộ LĐTB&XH sớm chỉ đạo giải quyết trên cơ sở chính sách, pháp luật đã quy định.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Tiếp xúc với chị B.T.T.H, ở thôn 8, xã Vân Hội, huyện Trấn Yên chúng tôi rất khâm phục sự lạc quan trong con người chị. Sự lạc quan ấy không những giúp vợ chồng chị "chiến đấu" với căn bệnh HIV vươn lên trong cuộc sống mà còn tiếp sức cho nhiều người chung cảnh ngộ.
YBĐT - Kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2016) và 69 năm ngày thành lập Công đoàn tỉnh Yên Bái (28/7/1947 - 28/7/2016), phóng viên (P.V) chuyên trang Lao động - Công đoàn có cuộc trao đổi với đồng chí Vương Văn Bằng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh về tình hình công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) và hoạt động công đoàn trong tình hình mới.
Bắt đầu từ ngày 1/8, các trường đại học nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh. Để tránh trục trặc đáng tiếc xảy ra khi đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2016, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD&ĐT) lưu ý thí sinh lịch triển khai các đợt xét tuyển.