Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Văn Khoan
- Cập nhật: Thứ tư, 3/8/2016 | 2:26:51 PM
YBĐT - Trong tiềm thức của tôi, anh hùng Đặng Văn Khoan là người vui tính và yêu trẻ. Vào những năm 1977, 1978, khi tôi mới lên 5, lên 6, mỗi lần đến nhà chơi, chú Khoan thường cho tôi đội chiếc mũ cối có công an hiệu, thật tiếc qua thời gian, tấm ảnh chú Khoan chụp cùng tôi đã bị thất lạc. Trong chiến tranh biên giới năm 1979, chú hy sinh rồi được phong anh hùng. Tôi biết thế, nhưng phải đến bây giờ mới được tiếp xúc với những kỷ vật, tài liệu về người anh hùng.
Trong Tờ phiếu nhân sự số 270644 do Phòng Tổ chức cán bộ, Công an tỉnh lưu giữ, ghi rõ Đặng Văn Khoan sinh tháng 12/1957, quê quán Đông Trà, Tiền Hải, Thái Bình vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ngày 26/3/1973, vào ngành công an ngày 15/8/1976, học tại trường nghiệp vụ công an 28 tháng, ra trường ngày 25/12/1978. Tờ phiếu nhân sự có chữ ký của Đặng Văn Khoan ngày 8/1/1979. Tôi thấy chữ ký còn tươi nguyên màu mực và chỉ hơn 1 tháng sau, ngày 17/2/1979, Hạ sỹ Đặng Văn Khoan đã anh dũng hy sinh trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc khi vừa tròn 22 tuổi.
Thượng tá Vũ Xuân Hùng - nguyên cán bộ Phòng Tổ chức cán bộ, Công an tỉnh là bạn học trong trường công an và lên công tác cùng 1 ngày với Đặng Văn Khoan tại Công an huyện Bát Xát, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) nhớ lại: “Khoan là 1 người vui tính, hiền lành, sống hết mình với anh em đồng đội. Ngày đó, Đặng Văn Khoan được giao phụ trách thôn Đông Phón, xã Bản Qua, huyện Bát Xát. Ngày 17/2/1979, khi chiến tranh nổ ra, anh đưa những người dân Đông Phón sơ tán về tuyến sau. Khi đến thôn Bản Lợi, do địch đuổi theo quá gấp nên anh đã dừng lại chặn địch cho nhân dân rút an toàn. Với khẩu súng cạc-bin trong tay, Khoan đã dũng cảm chiến đấu đến viên đạn cuối cùng…
Biết tin Khoan hy sinh nhưng cũng phải đến ngày 20/3/1979, Đại úy Lê Hồng - Trưởng Công an huyện Bát Xát, Thượng sỹ Tống Bình Phương và tôi mới lặn lội trên 20 km từ trên Bản Xèo, Bát Xát đến để mai táng cho anh. Trong mưa phùn ướt át, chúng tôi đắp mộ cho anh, trồng lên mộ 1 cây hồng trắng, nén nỗi đau mất bạn, tôi chỉ biết thì thầm: “Khoan ơi! Cậu nghỉ tạm nơi này” và chĩa khẩu súng AK lên trời, bắn 1 tràng từ biệt bạn!”.
Đại tá Lê Thái Quang - nguyên Trưởng phòng Công tác chính trị, Công an tỉnh nhớ lại: “Lúc đó, tôi đang công tác tại Đội tuyên truyền. Xúc động trước gương hy sinh anh dũng của Đặng Văn Khoan, tôi đã lặn lội đến tận nơi Khoan ngã xuống, rồi bài báo “Sáng mãi tên anh” đăng trên báo Công an nhân dân và phát sóng trên chương trình phát thanh “Vì an ninh Tổ quốc” đã có tác dụng giáo dục sâu sắc với cán bộ, chiến sỹ học tập gương dũng cảm của Đặng Văn Khoan.
Sau khi Hạ sỹ Đặng Văn Khoan anh dũng hy sinh, với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, Trung ương Đoàn truy tặng anh Huy chương Tuổi trẻ anh hùng, Chủ tịch nước truy tặng anh Huân chương Chiến công hạng Nhất. Ngày 13/8/1980, Quyền Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Hạ sỹ Đặng Văn Khoan.
Ông Đặng Minh Loan - cán bộ công an nghỉ hưu hiện trú tại tổ 23, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái không khỏi bùi ngùi khi nhắc đến em trai: “Bố mẹ tôi sinh được 8 anh em, 4 trai, 4 gái. Khoan là thứ 3, giáp tôi. Vì vậy, 2 anh em tôi thân với nhau từ nhỏ. Khi Khoan hy sinh, tôi đang công tác tại Trại giam Tân Lập”. Nói đến đây, ông Loan lật giở từng di vật của anh hùng Đặng Văn Khoan cho tôi xem: giấy báo tử, sơ đồ mộ chí, các huân, huy chương, danh hiệu anh hùng nhưng tôi đặc biệt chú ý đến tờ biên bản kiểm kê di vật được Công an tỉnh Hoàng Liên Sơn lập tháng 2/1979. Tài sản còn lại của người anh hùng là 1 bộ quân phục xuân hè. Bây giờ, mộ của anh hùng liệt sỹ Đặng Văn Khoan nằm tại nghĩa trang Bát Xát.
Chị Bùi Thị Bích Luận - nguyên cán bộ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh bồi hồi nhớ lại: “Ngày đó, mình còn trẻ lắm, cũng không biết mặt anh Khoan nhưng Đội văn nghệ xung kích Công an tỉnh đi phục vụ đồng bào vùng cao biên giới ở các huyện Bát Xát, Mường Khương, Bắc Hà đến đâu bà con cũng yêu cầu mình hát bài “Từ bản nhỏ hát về anh” của nhạc sỹ Ngọc Quang”.
Rồi chị rớm lệ, cất tiếng ca tha thiết, nghẹn ngào: “Từ đỉnh núi cao tôi lắng nghe khúc hát yêu thương sâu lắng, khúc hát ngân lên từ xóm nhỏ bên dòng suối biên cương, khúc hát như nhớ thương, như ngợi ca tên người, người chiến sỹ an ninh ghi một dấu son trong lòng dân bản nhỏ đời đời; Đặng Văn Khoan, Đặng Văn Khoan anh đã hy sinh cho miền quê biên giới, ngăn bọn giặc thù tàn phá quê hương... Bản nhỏ hát về anh, đồng đội hát tiếp khúc ca về anh…”.
Nhà thơ Vũ Chấn Nam trong lần lên thăm viếng mộ anh đã viết bài thơ “Trước mộ người anh hùng”, trong đó có những câu thơ xúc động lòng người: “…Tuổi hăm hai vằng vặc trăng rằm/Anh gửi lại giữa ngày đầu chặn giặc/ Phút cây súng đã làm nên sấm sét/ Anh ngã rồi chúng vẫn còn run/... Với kẻ thù anh là gang là thép/Với nhân dân ngời sáng tấm lòng son”.
Hơn 30 năm đã trôi qua, trong truyền thống lịch sử vẻ vang của Công an Yên Bái vẫn ngời sáng tên anh: Đặng Văn Khoan - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của Công an tỉnh Yên Bái.
Nguyễn Chí Dân
Các tin khác
Từ sáng nay (3/8) đến hết ngày 4/8, khu vực Bắc Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to, riêng Việt Bắc, Tây Bắc có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa cả đợt khoảng 100-200mm, có nơi trên 250mm.
YBĐT - Đến nay, 72 xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã hoàn thành chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp gói dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) năm 2016.
YBĐT - Danh sách 36 liệt sỹ là người địa phương đã được Đảng ủy, chính quyền, Ủy ban mặt trận Tổ quốc và nhân dân địa phương khắc bia đá, ghi công tại Nhà bia Liệt sỹ của xã.
YBĐT - Từ đầu năm 2016 đến nay, thành phố Yên Bái đã tiếp nhận 136 đơn thư các loại của công dân; trong đó, 11 đơn khiếu nại, 7 đơn tố cáo, 118 đơn kiến nghị phản ánh.