Rà soát sắp xếp quy mô mạng lưới trường lớp ở Mù Cang Chải: Những bước tiên phong vững chắc

  • Cập nhật: Thứ hai, 22/8/2016 | 8:39:48 AM

YBĐT - Trong cuộc họp với các địa phương của UBND tỉnh về tình hình thực hiện Đề án rà soát sắp xếp quy mô mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, cả hội nghị sững sờ trước báo cáo của ông Nguyễn Tiến Đức - Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải về những việc mà huyện đã tiến hành triển khai trong thời gian qua.

Nhân dân đồng thuận ủng hộ ngày công làm trường.
Nhân dân đồng thuận ủng hộ ngày công làm trường.

Bởi vì, ai cũng biết, Mù Cang Chải là một trong hai huyện 30a rất khó khăn, đông đồng bào dân tộc thiểu số, dân trí thấp, vậy sao ông Đức lại có những phát biểu lạc quan đến như vậy. Và chính sự "hoài nghi" ấy, khiến cánh nhà báo cả trung ương lẫn địa phương quyết lên Mù Cang Chải "kiểm chứng”.

Quyết định đi Mù Cang Chải của chúng tôi diễn ra chóng vánh, mặc cho thời tiết những ngày đầu thu mưa kéo dài và đồng nghĩa với việc đi tới các bản xa, các điểm trường lẻ là vô cùng khó khăn ở địa phương này. Nhưng thật may, khi lên Mù Cang Chải, thời tiết lại rất thuận lợi nên cả đoàn đi ngay lên bản Xéo Dì Hồ thuộc xã Lao Chải. Xéo Dì Hồ được chọn, bởi chúng tôi muốn “mục sở thị” ở những bản xa nhất, khó khăn nhất và người dân thì nghèo nhất. Ông Đức không giới thiệu nhiều, chỉ ngắn gọn: “Các anh chị cứ đi và xem tôi “báo cáo” ở tỉnh có đúng không? Thực tế những gì các anh chị thấy sẽ trả lời”.

Đường lên Xéo Dì Hồ giống như bao con đường lên bản khác ở Mù Cang Chải, đó là những con đường đất vắt ngược lên núi và một bên là vách núi, bên là vực sâu. Con đường đất gập ghềnh khiến chiếc xe cứ chồm lên rồi gập xuống như con ngựa bất kham, tay lái ghì chặt để bám lấy đường. Rồi những khúc cua tay áo khiến ai cũng phải thót tim. Vừa đi, cả đoàn ai nấy đều khâm phục các thầy cô giáo cắm bản, những người cán bộ gần dân sát dân ở nơi vùng cao này. Rồi Xéo Dì Hồ hiện ra ở chính đỉnh cao nhất.

Một không khí tấp nập khẩn trương, những tiếng nói cười rộn rã đã thu hút chúng tôi. Vậy là, điểm trường Xéo Dì Hồ được hiện ra ngay tại chóp cao nhất của đỉnh Xéo Dì Hồ. Cái chóp ấy nay được san gạt bằng phẳng. Những người dân bản địa cùng thầy cô giáo đang làm đường lên trường và đất san gạt lấy mặt bằng làm trường được đắp thành nền đường. Tiếng hai ba dô hò kéo đất lẫn trong tiếng cười ròn tan vang vọng khắp núi rừng.

Thầy giáo Bùi Công Nguyên - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Xéo Dì Hồ xã Lao Chải phấn khởi giới thiệu: “Năm học mới, Xéo Dì Hồ sẽ quy tụ 4 điểm trường về đây học nên cần phòng học, phòng ở, phòng làm việc của giáo viên nhiều hơn, nên hơn tháng nay, được sự hỗ trợ của nhân dân cả 7 bản, chúng tôi đã san gạt được mặt bằng trường khá rộng và đang hoàn thiện đường lên trường, các dãy lớp học. Nếu không có sự hỗ trợ của nhân dân thì chúng tôi không thể làm với tiến độ nhanh đến như vậy”.

Một khu đất bằng phẳng rộng hơn 2 nghìn mét vuông ở vùng cao thật là đáng quý. Khu đất ấy và dãy nhà 15 phòng học mới sắp hoàn thiện ấy, chỉ mới bắt đầu làm hơn tháng nay thì quả đúng là một kỳ tích. Trung bình mỗi ngày có 100 người dân đến giúp nhà trường và tính nhanh thì đã có hàng nghìn ngày công đóng góp. Một phép toán đơn giản được đặt ra để tính giá trị ngày công cho ngay tại điểm trường Xéo Dì Hồ tương đương khoảng 700 triệu đồng. Nhưng ở đây chẳng ai tính ra giá trị tiền, bởi ai cũng chỉ nghĩ góp sức xây dựng trường cho con em học.

Ông Thào A Phán ở bản Xéo Dì Hồ B chia sẻ: “Nhà tôi có 5 người tham gia lao động hôm nay. Từ đầu tháng 7 tới giờ, cứ tới phiên thôn nào, thôn ấy đi làm. Chúng tôi góp sức xây trường để cho con cháu mình học hành tốt hơn nên ai cũng vui lắm”.

Điều lo lắng nhất khi thực hiện Đề án ở bất kể địa phương nào trong tỉnh cũng là sự đồng thuận của người dân như thế nào, thì ở Mù Cang Chải hay ngay tại Xéo Dì Hồ này thì vấn đề này lại không phải quan tâm. Công tác tuyên truyền, vận động đã thực hiện quá tốt trong một thời gian ngắn, để cùng với 15 phòng học được làm mới ở Xéo Dì Hồ nói riêng và di dời 66 phòng học trên tất cả các điểm lẻ ở huyện Mù Cang Chải nói chung là minh chứng rõ ràng nhất.

Đề án của huyện thì mới được tỉnh phê duyệt, nhưng các xã gần như đã hoàn thành mục tiêu thu hẹp điểm trường, mở lớp năm học 2016 - 2017. Nhiều người thắc mắc, sao Mù Cang Chải lại đẩy nhanh và đi tiên phong như vậy? Ông Đức trả lời: “Bởi mục tiêu đã rõ, cái lợi cũng đã thấy, quy trình thực hiện đã làm liên thông nhanh gọn rồi thì phải tiến hành ngay. Mục tiêu của năm học này gần như đã hoàn thành, để học sinh có thể đi học ngay ở điểm mới, không bị xáo trộn ở giữa năm. Vì vậy, dù ngân sách được tỉnh phê duyệt về tới huyện chưa giải ngân được, nhưng Mù Cang Chải vẫn sắp xếp ứng cấp kinh phí cho các xã, các trường tiến hành mua vật liệu xây dựng phòng học mới. Còn nguồn xã hội hóa của huyện thì các anh chị thấy đấy, đó là hàng trăm, nghìn ngày công của nhân dân đóng góp. Như tôi báo cáo ở tỉnh là khoảng 5,5 tỷ đồng là rất thực tế, vì ngay tại điểm trường này tính nhanh đã là 700 triệu đồng rồi”.

Thầy giáo Nguyên đã tâm sự: “Ở đây từ hạt cát cũng phải chở bằng xe máy lên. Nếu ở vùng thấp chỉ vài chục đến trăm nghìn 1 khối cát, thì ở đây tính ra giá trị tiền là cỡ 1,5 -2 triệu đồng/1 khối cát. Bởi tất cả phải chở bằng xe máy”. Cấp ủy, chính quyền địa phương ở đây thực sự đã lôi cuốn được nhân dân tham gia vào thực hiện Đề án. Có những nhà đóng góp 300 - 400 nghìn đồng tiền mặt; các thầy cô giáo đóng góp 2 ngày lương. Nói như ông Đức thì đây thực sự là những điều đáng quý.

Đúng vậy, thật trân trọng, đáng quý sự ủng hộ bằng ngày công, bằng tiền mặt, bằng hiện vật của bà con nơi vùng cao khó khăn này để đồng lòng cho một ngôi trường mà “trường ra trường, lớp ra lớp”. Theo thầy Nguyên, chúng tôi đến bản Cáng Dông, cách Xéo Dì Hồ chừng 7 km đường rừng để thăm điểm lẻ của trường tiểu học sẽ xóa trong năm nay. Điểm trường lẻ ở bản thì nơi nào cũng giống nơi nào, 2 phòng học cho đủ từ lớp 1 đến lớp 3 mà vẫn hay gọi là lớp ghép.

Những lớp ghép này đã làm rất tốt vai trò phổ cập giáo dục, nhưng chất lượng giáo dục thì khó được nâng lên. Bên cạnh 2 lớp học mới được làm bằng tôn từ năm ngoái thì lớp học bằng gỗ, lợp pro - xi măng xiêu vẹo vẫn còn nguyên cạnh đó, hiện tại lại là nhà ở của thầy giáo cắm bản. Quả đúng là về với điểm tập trung thì học sinh sẽ được hưởng những điều kiện giáo dục tốt hơn, vì tại đây có chừng 15 học sinh, các thầy cô chủ yếu dạy chữ chứ không mấy khi có điều kiện tổ chức được các hoạt động ngoại khóa.

Nhưng trường xa nhà như vậy, phụ huynh có đồng ý cho con cháu mình đi học? Thắc mắc ấy được ông Lờ A Páo, nhà ngay cạnh điểm lẻ Cáng Dông cho biết: “Nhà tôi có 2 đứa cháu đi học lớp 4, năm nay sẽ ra điểm tập trung. Thầy giáo Nguyên bảo rồi, ra đấy điều kiện học tốt hơn. Tôi tin thầy giáo không nói dối, nên tôi bảo mấy đứa con nhà tôi và các nhà xung quanh cho con đi học ở trường mới. Ra đó được Nhà nước nuôi nên các cháu chỉ đi học thôi không phải đi làm nương nữa”.

Đến đây thì chúng tôi đã hiểu cách tuyên truyền vận động của Mù Cang Chải, đó là sự thống nhất ý chí trong cả hệ thống chính trị, là dùng những người uy tín trong cộng đồng để tuyên truyền vận động. Chẳng thế mà trong thời gian ngắn, người dân đồng lòng cùng xã, cùng nhà trường xây dựng trường mới. Ông Páo năm nay đã hơn 60 tuổi, nhưng ông vẫn cùng các con trai, con dâu đi san đất, vận chuyển vật liệu cho trường, ủng hộ gỗ. Cuộc trò chuyện với ông Páo càng khiến cho chúng tôi thán phục tài dân vận của những cán bộ địa phương. Cũng bởi lẽ, cái được của Đề án đã được nhân dân hiểu nên đồng lòng làm theo.

Nói vậy, không có nghĩa là ở Mù Cang Chải mọi điều rất thuận lợi,  bởi có vô số những khó khăn đặt ra cho huyện trước thềm năm học mới, đó là nguồn lực chưa đáp ứng được, vị trí trường học xa dân nhất là cấp học mẫu giáo... Mù Cang Chải đã lường trước những khó khăn đó, ông Đức chia sẻ: “Mù Cang Chải quyết tâm huy động học sinh ra lớp đạt kế hoạch từ 98%, thời gian khai giảng, huyện thực hiện theo đúng kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của Sở. Phương án đảm bảo tỷ lệ học sinh ra lớp được Mù Cang Chải tính đến, đó vẫn là tuyên truyền, vận động nhân dân thông qua thầy cô giáo, già làng trưởng bản. Đồng thời, lấy lực lượng nòng cốt đoàn viên thanh niên, phụ nữ để tuyên truyền vận động đến từng thôn bản, gõ cửa từng nhà huy động trẻ ra lớp”.

Câu nói của ông Đức cho chúng tôi hiểu sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo huyện trước những khó khăn trước thềm năm học mới ở Mù Cang Chải. Và càng làm cho chúng tôi tin tưởng vào những bước đi tiên phong vững chắc ở Mù Cang Chải trong thực hiện Đề án.

Chia tay Xéo Dì Hồ, chia tay Mù Cang Chải chúng tôi ra về mang theo niềm tin về một tương lai tươi sáng cho những đứa trẻ vùng cao khi chúng bắt đầu được học tập ở những ngôi trường mà “trường ra trường, lớp ra lớp”.

Thanh Ba

Các tin khác
Công an huyện Trạm Tấu kiểm tra, niêm phong số vũ khí thu hồi do nhân dân giao nộp.

YBĐT -  Từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn huyện Trạm Tấu không để xảy ra các vụ việc đáng tiếc liên quan đến việc sử dụng vũ khí và vật liệu nổ trái phép.

YBĐT - Trước những hậu quả do thực phẩm không an toàn mang lại cho sức khỏe và tính mạng con người, chưa bao giờ vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) lại được dư luận và các ngành chức năng quan tâm như thời gian qua. Cùng với các địa phương trong cả nước, những tháng đầu năm 2016, Yên Bái đã triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm ngăn chặn những thực phẩm không đảm bảo chất lượng, gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe con người.

Đồng chí Nông Văn Lịnh thăm hỏi, động viên, hỗ trợ cho các gia đình bị sập nhà hoàn toàn trong cơn bão vừa qua tại huyện Trạm Tấu.

YBĐT - Chiều ngày 21/8, thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh, đồng chí Nông Văn Lịnh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Yên Bái đã đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ cho các gia đình bị sập nhà hoàn toàn trong cơn bão vừa qua tại huyện Trạm Tấu.

Lực lượng quân đội giúp người dân nạo vét bùn, đất, khơi thông cống thoát nước

YBĐT- Như tin đã đưa, từ nửa đêm 20/8 đến sáng nay - 21/8, nước sông Hồng đã rút chậm. Người dân khu vực các khu vực bị ngập ở thành phố Yên Bái, cũng như các địa phương trong tỉnh, đang tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ đặc biệt là khơi thông, nạo vét, dọn rửa bùn, đất trên các tuyến đường và nhà dân bị ngập lũ ngày hôm qua.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục