Thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế: Nhiều lợi ích, lắm khó khăn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/8/2016 | 8:28:42 AM

YBĐT - Kể từ ngày 1/1/2016 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đăng ký khám chữa bệnh (KCB) ban đầu tại trạm y tế tuyến xã, phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền KCB BHYT tại bất kỳ trạm y tế tuyến xã, phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh.

BHXH tỉnh trao đổi nghiệp vụ thực hiện hệ thống thông tin thanh toán khám chữa bệnh BHYT cho BHXH các huyện, thị xã, thành phố.
BHXH tỉnh trao đổi nghiệp vụ thực hiện hệ thống thông tin thanh toán khám chữa bệnh BHYT cho BHXH các huyện, thị xã, thành phố.

Thông tuyến KCB BHYT bước đầu đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người bệnh. Song, bên cạnh đó cũng đặt ra không ít thách thức cho cơ sở y tế lẫn ngành chủ quản.

Lợi cho người bệnh và nâng cao chất lượng cho cơ sở y tế
 
Bà Bùi Thị Mỹ 77 tuổi ở thôn Đồng Bằng, xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên đăng ký nơi KCB ban đầu tại Phòng khám Đa khoa khu vực xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên nhưng từ khi biết tin thông tuyến, mỗi lần đi khám, con trai bà thường đưa bà ra Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái để khám.

Anh Trần Văn Phương - con trai bà Mỹ cho biết: “Mẹ tôi già yếu rồi, phải đi khám và điều trị bệnh thường xuyên. Từ khi biết tin thông tuyến, chúng tôi có thể đi khám ở đâu cũng vẫn được thanh toán 100% tiền BHYT nên tôi đưa bà ra đây vừa gần mà đội ngũ bác sỹ cũng như thái độ phục vụ ở Trung tâm này rất tốt. Tôi rất hài lòng!”.

Chị Triệu Thị Mến ở thôn Minh An, xã Y Can, huyện Trấn Yên có con trai bị viêm họng cấp cũng chọn Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái để khám cho con. Chị cho biết: “Có lần tôi đưa cháu ra Trạm Y tế xã khám bệnh, các y bác sĩ đã giới thiệu lên Bệnh viện Đa khoa huyện để làm một số xét nghiệm nhưng vì có người nhà ở thành phố nên tôi đưa cháu đến khám ở đây. Những lần đi khám trước đây, vì vượt tuyến không có giấy chuyển viện nên ngoài số tiền BHYT thanh toán, tôi phải đóng 30% chi phí KCB của cháu. Nhưng lần khám bệnh này, nhờ quy định thông tuyến, không cần giấy chuyển viện, con tôi vẫn được hưởng đầy đủ quyền lợi của người có thẻ BHYT”.

Bà Mỹ, chị Mến chỉ là hai trong số hàng nghìn người bệnh được hưởng lợi sau khi ngành Y tế thực hiện thông tuyến KCB BHYT. Quy định này đã mang lại lợi ích thiết thực cho người bệnh, nếu cảm thấy bệnh viện huyện mình chưa đáp ứng được nhu cầu KCB, người bệnh có quyền chuyển sang bệnh viện huyện khác hoặc phòng khám đa khoa để khám bệnh mà không cần có giấy giới thiệu chuyển viện như trước đây.

Không chỉ mang lại thuận lợi cho người bệnh, thông tuyến KCB BHYT còn là động lực để các cơ sở KCB tuyến xã, huyện mạnh dạn thay đổi, quyết tâm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế bằng việc đầu tư đúng mức về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để thu hút sự lựa chọn của người dân.

Điều này được chứng minh khá rõ ràng trên thực tế khi mà nhiều trung tâm y tế trên địa bàn nỗ lực nâng cấp, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực, thay đổi phong cách phục vụ. Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái là một trong những trung tâm có những thay đổi tích cực. Từ khi thông tuyến, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại Trung tâm tăng nhanh. Nếu như trước đây 1 ngày chỉ có khoảng từ 200 - 250 lượt người bệnh đến khám thì nay tăng lên trên 300 lượt, có ngày lên đến 400 lượt.

Bác sỹ chuyên khoa I Nguyễn Trường Giang - Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái cho biết: “Do lượng bệnh nhân ngày càng đông nên để nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ, thời gian qua, Bệnh viện đã tăng thêm phòng khám, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động chuyên môn, quản lý hồ sơ bệnh án, quản lý bệnh nhân KCB có thẻ BHYT nhằm giảm phiền hà về thủ tục, giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh; cải tiến quy trình tiếp đón bệnh nhân để rút ngắn thời gian chờ đợi bằng việc sử dụng máy phát số tự động; tăng cường chuyên môn sâu, y đức cho đội ngũ y bác sĩ…”.

Theo bác sĩ Trần Thị Kim Cúc - Phó trưởng Khoa Khám bệnh, Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái: “Chúng tôi luôn lấy sự hài lòng của người bệnh làm thước đo chất lượng cho mọi mặt công tác. Vì thế, người bệnh đến khám, điều trị tại Bệnh viện đã và đang được hưởng những dịch vụ y tế tốt nhất, chất lượng hơn”.

Theo ý kiến của các trung tâm y tế thì thông tuyến đem lại những lợi ích lâu dài cho người dân và mở ra một giai đoạn phát triển mới cho các cơ sở y tế tuyến xã, tuyến huyện trong tỉnh, đó là sự cạnh tranh bằng chất lượng, với mục tiêu cao nhất là thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Chính sách thông tuyến đã mở ra cơ hội cho người có thẻ BHYT nhưng cũng tạo ra thách thức đối với các cơ sở KCB tuyến huyện. Bởi vì, được lựa chọn nơi KCB nên người dân sẽ đến những cơ sở có chuyên môn tốt, trang thiết bị hiện đại hơn và họ sẽ tiếp cận bệnh viện tuyến huyện nhiều hơn tuyến xã.

Điều này sẽ dễ dẫn đến tình trạng nơi làm không hết việc, nơi lại ít hoặc không có bệnh nhân và thách thức với nơi ít bệnh nhân là nguồn thu giảm, đời sống nhân viên y tế bị ảnh hưởng. Còn ở điểm quá tải cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, Trung tâm Y tế thành phố có gần 38.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị (cả nội trú và ngoại trú), trong đó có 3.000 lượt bệnh nhân đa tuyến.

Nguy cơ xảy ra trục lợi quỹ BHYT

Không thể phủ nhận những lợi ích về quy định thông tuyến KCB BHYT cả cho người bệnh và cơ sở y tế. Song, nhìn ở một phương diện khác, với cơ chế mới và thoáng này, tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT có thể càng thêm phức tạp.

Theo thông tin Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh cung cấp cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, số lượt bệnh nhân đến KCB tại tuyến huyện tăng đột biến. So với cùng kỳ năm trước, số thẻ tăng trên 18.000 thẻ, số lượt khám tăng trên 48.200 lượt, chi phí toàn tỉnh tăng 62,9 tỷ đồng (bao gồm cả tăng giá dịch vụ và thông tuyến).

Nhìn nhận trên thực tế, dù có nhiều biểu hiện cho thấy nguy cơ trục lợi BHYT từ việc thông tuyến xảy ra cao nhưng hiện nay, cơ quan BHXH vẫn chưa xử lý được bởi phần mềm liên thông dữ liệu giữa cơ quan BHXH và các cơ sở KCB hiện chưa hoàn thiện nên chưa có công cụ để quản lý việc người bệnh có thẻ BHYT đi KCB nhiều lần trong ngày, trong tuần tại các cơ sở KCB khác nhau, dẫn đến sự lãng phí không đáng có và khó quản lý tình trạng lạm dụng BHYT.

Cùng với nguy cơ trục lợi BHYT thì thông tuyến còn gây khó cho việc thực hiện phương thức thanh toán BHYT theo định suất. Bởi quy định quỹ định suất xác định cho các cơ sở KCB bao gồm cả chi phí của bệnh nhân đăng ký ban đầu tại đó đi KCB ở nơi khác. Vì thế, khi người bệnh chọn nơi KCB là cơ sở khác với nơi đăng ký ban đầu sẽ xảy ra tình trạng quỹ KCB của một số cơ sở sẽ bị bội chi lớn do tăng chi phí đa tuyến.

Để thông tuyến khám chữa bệnh BHYT thực sự phát huy hiệu quả

Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái đổi mới quy trình tiếp đón bệnh nhân từ việc có bàn hướng dẫn và bảng phát số tự động.
 
Tăng cường đầu tư hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực, thay đổi cung cách phục vụ người bệnh, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin và liên kết tuyến… là những biện pháp mà các ngành chức năng đã và đang tích cực triển khai để bảo đảm thông tuyến KCB thực sự là bước tiến lớn trong chính sách BHYT, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Trao đổi với bà Vũ Thị Kim Oanh - Trưởng phòng Giám định BHYT, BHXH tỉnh được biết, để thông tuyến KCB BHYT thực sự phát huy hiệu quả và để tránh việc lạm dụng quỹ KCB BHYT khi thực hiện thông tuyến huyện lúc đi KCB, BHXH tỉnh và ngành Y tế đẩy nhanh việc áp dụng phần mềm giám định chi phí KCB BHYT, ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát bằng phần mềm liên thông dữ liệu KCB giữa ngành Y tế và BHXH; tăng cường kiểm soát đầu vào... Từ đó, sẽ phát hiện bệnh nhân thật sự có lạm dụng BHYT như việc đi KCB nhiều nơi trong cùng một ngày hay không…

Hồng Duyên

Các tin khác
Đoàn Chủ tịch tại Đại hội Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái lần thứ Nhất (nhiệm kỳ 2012 - 2017).

YBĐT - Là những chiến sỹ trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Trường Sơn trong những năm đánh Mỹ, trải qua 16 năm đầy hy sinh, gian khổ bằng ý chí, nghị lực kiên cường, những chàng trai, cô gái bộ đội, thanh niên xung phong (TNXP), dân công hỏa tuyến, công nhân giao thông... đã lập nên những chiến công vang dội.

Mô hình nuôi ba ba gai của gia đình ông Đoàn Văn Nghề, thôn Văn Hưng, xã Cát Thịnh cho thu nhập cao.

YBĐT - Những năm gần đây, Hội Nông dân (HND) xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn đã từng bước xây dựng tổ chức Hội vững mạnh gắn với việc tổ chức cho hội viên thực hiện tốt 3 Phong trào thi đua của hội.

YBĐT - Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế huyện Văn Yên, đến nay trên địa bàn huyện có 25/27 xã, thị trấn có người nhiễm HIV. Luỹ tích số người nhiễm HIV là 411 trường hợp, trong đó 170 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS và trên 100 trường hợp tử vong do AIDS, số người nhiễm HIV/AIDS hiện còn sống là 290 người, trên 40 người nhiễm HIV là phụ nữ...

YBĐT - Hội Người mù tỉnh Yên Bái vừa tổ chức lớp đào tạo nghề phục hồi chức năng “Tẩm quất cổ truyền” cho học viên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục