Nguyễn Thị Minh Hồng - nữ hộ sinh 34 năm bám bản vùng cao
- Cập nhật: Thứ tư, 31/8/2016 | 2:56:15 PM
YênBái - YBĐT - Những nỗ lực trong 34 năm chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại vùng núi khó khăn của tỉnh Yên Bái của nữ hộ sinh Nguyễn Thị Minh Hồng đã giúp chị trở thành nữ hộ sinh duy nhất đại diện cho Việt Nam được nhận Giải thưởng Cán bộ hộ sinh xuất sắc quốc tế do Hội đồng Cán bộ hộ sinh quốc tế (COINN) và Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) trao tặng.
Trong một buổi chiều thu tháng 8, chúng tôi tìm đến Phòng khám đa khoa khu vực Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái để gặp chị Nguyễn Thị Minh Hồng, hiện là Phó trưởng Phòng khám đa khoa khu vực Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Chị là nữ hộ sinh duy nhất đại diện cho Việt Nam được nhận Giải thưởng Cán bộ hộ sinh xuất sắc quốc tế do Hội đồng Cán bộ hộ sinh quốc tế (COINN) và Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) trao tặng hồi giữa tháng 8 vừa qua.
Ở mảnh đất gần 100% là đồng bào Mông sinh sống, đường sá trở ngại, ngôn ngữ bất đồng, nhiều hủ tục lạc hậu cùng mọi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế vô cùng khó khăn, thiếu thốn đã khiến những người chọn nghề thầy thuốc như chị Hồng muốn gắn bó với nơi này phải bắt đầu bằng chữ "hy sinh".
Vậy mà 34 năm qua, chị Hồng đã chọn vùng cao này để gắn bó cả nghiệp đời. Buổi đầu chị đã tự học tiếng Mông để giao tiếp, tuyên truyền, hướng dẫn, chăm sóc nhằm nâng cao hiểu biết cho người dân về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Đến giờ thì số phụ nữ Mông đến đây và mong được chị khám để được tư vấn về sức khỏe sinh sản mỗi ngày một đông.
Một buổi tư vấn sức khỏe sinh sản vị thành niên của nữ hộ sinh Nguyễn Thị Minh Hồng.
Sinh ra và lớn lên ở thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) - mảnh đất giàu bản sắc văn hóa, ngay từ khi còn rất nhỏ, chị Hồng đã mơ ước chọn ngành y để chăm sóc sức khỏe cho mọi người. Ước mơ ấy đã trở thành hiện thực khi năm 18 tuổi, chị thi đỗ vào Trường Trung cấp Y tế Hoàng Liên Sơn chuyên ngành nữ hộ sinh và sau đó lên công tác tại xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu từ năm 1982 đến nay.
Đã thành người của bản nên chị hiểu hết những đặc điểm và phong tục, tập quán của đồng bào Mông nơi đây. Công việc của chị cũng không giống cán bộ y tế vùng thấp. Đó là không chỉ tuyên truyền về sức khỏe sinh sản riêng cho chị em phụ nữ mà cả đàn ông. Chị hiểu rằng, đối với đồng bào Mông, đàn ông mới được quyết đáp mọi chuyện. Nếu đàn ông hiểu thì mọi chuyện sẽ dễ dàng. Và rồi, bằng sự khéo léo trong công tác truyền thông, chị không chỉ được dân bản yêu quý mà còn đáp lại bằng việc thực hiện tốt công tác dân số, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.
Chị Sùng Thị Dở - thôn Km14+17, xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu cho biết: Cô Hồng là người rất tốt, tận tình chăm sóc sức khỏe cho chị em. Nhờ cô tư vấn mà nhà mình chồng đồng ý chỉ đẻ 2 đứa con thôi. Cô hướng dẫn và tư vấn cho cách tránh thai nên không có thai ngoài ý muốn đâu. Mỗi tháng mình đến gặp cô 1 lần để lấy thuốc.
Giờ thì đã 34 năm chị gắn bó với mảnh đất này. Không thể nhớ hết mình đã cắt rốn cho bao nhiêu đứa trẻ chào đời, nhưng chị nhớ rằng, dụng cụ y tế để phục vụ công việc của bản thân trước đây rất đơn sơ, bây giờ thì đã được hỗ trợ bởi những gói đỡ đẻ sạch. Tiếng là bà đỡ mát tay, chị được người dân địa phương coi là chỗ dựa, được đồng nghiệp quý mến và đánh giá cao.
Chị Hồng đã 34 năm gắn bó với vùng cao .
Những cống hiến thầm lặng của nữ cán bộ y tế nơi vùng cao heo hút rồi có ngày được đền đáp. Mới đây, chị Nguyễn Thị Minh Hồng đã trở thành nữ hộ sinh duy nhất đại diện cho Việt Nam được nhận Giải thưởng Cán bộ hộ sinh xuất sắc quốc tế do Hội đồng Cán bộ hộ sinh quốc tế (COINN) và Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) trao tặng. Đó là một vinh dự lớn và hoàn toàn xứng đáng dành cho chị.
Những nỗ lực trong 34 năm chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại vùng núi khó khăn của tỉnh Yên Bái của nữ hộ sinh Nguyễn Thị Minh Hồng đã góp phần từng bước cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại địa phương.
Điều quan trọng hơn là đồng bào Mông ở đây đã tin tưởng, tự giác tìm đến chị Hồng để được trang bị kiến thức chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Đó chính là phần thưởng lớn nhất, là niềm động viên để chị tiếp tục cống hiến và đóng góp cho mảnh đất vùng cao còn nhiều khó khăn này.
Thanh Chi - Mạnh Cường
Các tin khác
Thực hiện Luật Đặc xá, từ năm 2009 tới nay, Nhà nước đã thực hiện 6 đợt đặc xá tha tù trước thời hạn cho 81.807 phạm nhân và 920 người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
Ngày 31/8 là thời hạn cuối cùng các thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 1 vào đại học, học viện cao đẳng năm 2016.
YBĐT - Những năm qua, hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Vân Hội, huyện Trấn Yên luôn đoàn kết, gương mẫu tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
YBĐT - Những năm qua, Hội Phụ nữ phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái luôn phối hợp chặt chẽ với Công an phường và các đoàn thể thực hiện Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, góp phần bảo đảm tình hình an ninh trật tự tại địa phương.