Hiệu quả từ một dự án cho phụ nữ Văn Chấn
- Cập nhật: Thứ ba, 6/9/2016 | 8:20:26 AM
YBĐT - Năm 2011, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Văn Chấn tiếp cận Dự án Giảm nghèo thông qua phát triển chăn nuôi vùng miền núi phía Bắc Việt Nam (Dự án PALD) do Viện Chăn nuôi triển khai. Sau 5 năm thực hiện Dự án, người dân tại 25/31 xã của huyện Văn Chấn đã được tiếp cận và thực hiện có hiệu quả.
Nhờ mô hình chăn nuôi gà từ 150 - 200 con/lứa kết hợp chăn nuôi lợn, chị Nguyễn Thị Đông, thôn Khe Ba, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
|
Hội Phụ nữ huyện xác định đây là dự án mang tính chiến lược giúp xoá đói giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế; đẩy mạnh sản xuất và chế biến thức ăn gia súc, tăng cường các dịch vụ thú y cơ sở đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng với các sản phẩm chăn nuôi có chất lượng cao; mở rộng chương trình phòng dịch và phát triển hệ thống theo dõi và báo cáo dịch bệnh; đồng thời, khuyến khích và nâng cao chất lượng đào tạo và dịch vụ khuyến nông đối với những hội viên phụ nữ nghèo ở các vùng khó khăn.
Bà Hà Thị Tư Hậu - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Văn Chấn cho biết: “Hội Phụ nữ huyện phối hợp với ngành thú y, tuyên truyền vận động hội viên cùng sở thích chăn nuôi gà mía lai gà Lương Phượng. Những thành viên tham gia nhóm chủ yếu là những hộ nghèo hoặc cận nghèo. Các nhóm được bầu ra nhóm trưởng, nhóm phó, xây dựng quy chế hoạt động tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Bên cạnh đó, các hộ tham gia nhóm còn thường xuyên được tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ lẫn nhau đạt hiệu quả cao, cùng nhau chia sẻ rủi ro trong chăn nuôi”.
Ngoài ra, cán bộ Hội Phụ nữ cũng thường xuyên xuống các nhóm chăn nuôi kiểm tra nắm bắt tình hình, xây dựng mối liên kết thị trường giữa người chăn nuôi với các hộ tiêu thụ sản phẩm và phản ánh kịp thời tình trạng dịch bệnh xảy ra ở khu vực. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, ngay trong năm 2011, đã có 16 xã có hội viên tham gia Dự án và đến năm 2012 đã có 624 hộ tham gia Dự án với số gà được tiếp nhận về nuôi gần 29 nghìn con đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trung bình mỗi con gà nuôi từ 3,5 - 4 tháng đạt 1,8 đến 2 kg và có giá trị 120 - 160 nghìn đồng/con.
Hội viên Hà Thị Phương Thảo ở thôn Rịa 2, xã Cát Thịnh tham gia vào nhóm sở thích nuôi gà từ năm 2011, cho biết, ban đầu chị nuôi 400 con, khi xuất chuồng thu về gần 5 triệu đồng. Tiếp đó, chị mở rộng chuồng trại chăn nuôi với quy mô lớn hơn.
Chị Thảo tâm sự: “Tham gia nhóm sở thích chăn nuôi gà cùng 28 hộ của xã, tôi được nhận giống gà mía lai gà Lương Phượng sạch bệnh; được cán bộ tư vấn kỹ thuật; được chia sẻ kinh nghiệm cùng các hội viên, đầu ra cho sản phẩm cũng thuận. Hiện nay, tôi thường xuyên nuôi 400 - 500 con/lứa. Có tích luỹ từ nuôi gà, gia đình còn nuôi thêm ngan, lợn nái và trồng rừng. Mỗi năm gia đình có tổng thu nhập trên 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí”.
Với chị Nguyễn Thị Đông ở thôn Khe Ba, xã Cát Thịnh thì ban đầu còn rụt rè chưa tham gia Dự án. Nhưng sau 2 năm, thấy được hiệu quả chăn nuôi từ Dự án PALD mang lại, năm 2013 chị Đông quyết định gia nhập nhóm sở thích nuôi gà. Chị Đông chia sẻ: “Mặc dù mới tham gia được gần 3 năm, được tập huấn và được các hội viên chia sẻ kinh nghiệm nên gia đình tôi cũng nuôi 150 - 200 con/lứa. Tôi còn tận dụng phân gà để nuôi giun quế cho gà ăn kết hợp với chăn nuôi lợn nái, lợn thịt mỗi năm thu được trên 100 triệu đồng”.
Được biết, nhờ phát triển chăn nuôi gà, toàn xã Cát Thịnh đã có 14 hộ hội viên phụ nữ thoát nghèo. Ngoài ra, các xã: Thượng Bằng La, Thanh Lương, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ là những địa phương có nhiều hộ tham gia nhóm sở thích chăn nuôi gà của huyện Văn Chấn. Bà Hà Thị Tư Hậu cho biết thêm: “5 năm qua, Hội LHPN huyện Văn Chấn tiếp cận Dự án Giảm nghèo thông qua phát triển chăn nuôi vùng miền núi phía Bắc Việt Nam do Viện Chăn nuôi triển khai, thực hiện tại 25 xã của huyện; đã tổ chức được 135 lớp tập huấn cho cán bộ cơ sở hội, cán bộ khuyến nông và trên 4.300 lượt hội viên phụ nữ được tiếp cận các kiến thức về chăn nuôi nông hộ thông qua các lớp tập huấn theo phương pháp cầm tay chỉ việc. Đến nay, đã thành lập 189 nhóm sở thích nuôi gà với trên 1.000 hộ tham gia và có 140 nghìn con gà giống được cung ứng”.
Từ Dự án PALD, với sự tích cực tuyên truyền của các cấp hội, sự cần cù chịu khó của các chị em, đời sống vật chất tinh thần của hội viên phụ nữ ngày một nâng lên, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện từ 38,97% năm 2011 xuống còn 20,65% vào năm 2015.
Huyền Minh
Các tin khác
YBĐT - Theo Đề án, từ năm học 2016 - 2017 đến năm học 2019 - 2020, toàn tỉnh sẽ giảm 151 trường (trong đó, giảm 38 trường mầm non, 120 trường tiểu học, 95 trường THCS; tăng 6 trường mầm non và tiểu học, 65 trường tiểu học & THCS, 31 trường mầm non và tiểu học & THCS), giảm 604 điểm trường (mầm non 282 điểm, tiểu học 318 điểm, THCS 4 điểm), giảm 113 lớp, tăng 19.503 học sinh; tăng 12.990 học sinh bán trú.
Bộ Y tế đã có công văn gửi lãnh đạo các tỉnh, thành đề nghị tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết.
YBĐT - Nhân dịp khai giảng năm học mới 5/9, thực hiện chương trình nhân ái “Cùng em đi học”, Chi nhánh Tôn Hoa Sen Yên Bái - Tập đoàn Hoa Sen đã tặng 160 suất quà cho học sinh hiếu học tỉnh Yên Bái.
YBĐT - Năm học 2015 - 2016, được sự quan tâm của tỉnh, của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự ủng hộ của nhân dân và sự nỗ lực của toàn ngành lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) của huyện Văn Yên tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả, chất lượng giáo dục ngày càng tăng. Đây là cơ sở để huyện tiếp tục nâng cao chất lượng GD&ĐT trong năm học mới này.