Ngày khuyến học Việt Nam 2/10: Tự hào được làm việc nghĩa

  • Cập nhật: Chủ nhật, 2/10/2016 | 8:04:28 AM

Hôm nay 2/10 – Ngày Khuyến học Việt Nam, đồng thời cũng là ngày hội của gần 15 triệu hội viên Hội Khuyến học trên toàn quốc. Mỗi hội viên của Hội đều tự hào được làm việc nghĩa, không vụ lợi, hướng theo lí tưởng làm cho dân Việt trở thành một dân tộc thông thái như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong mỏi.

Ảnh minh họa. (Nguồn internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn internet)

Tháng 9/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1271/QĐ-TTg lấy ngày 2/10 hàng năm là “Ngày Khuyến học Việt Nam” với mục đích động viên các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; tôn vinh những gương sáng hiếu học, tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác khuyến học, khuyến tài.

Khuyến học - khuyến tài là một đạo lý được dân tộc luôn luôn đề cao

Trong lịch sử phát triển giáo dục nước nhà, khuyến học. khuyến tài là một đạo lý được dân tộc ta luôn luôn đề cao, truyền bá và phát huy. Qua một nghìn năm độc lập tự chủ, người dân Việt Nam lúc nào cũng tâm niệm rằng, nhân tài quốc gia chi nguyên khí, đại học giáo hoá chi bản nguyên (nhân tài là nguyên khí quốc gia, đại học là gốc của giáo hoá), kiên trì nguyên lý đó để xây dựng một quốc gia văn hiến của mình.

Ngày 29/02/1996, tổ chức xã hội đó ra đời với cái tên Hội Khuyến học Việt Nam. Sứ mạng của nó là “Khuyến học, khuyến tài, xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập”.

Đến nay, Hội vừa tròn 20 tuổi với gần 15 triệu hội viên hoạt động rộng khắp trong cả nước, thành tích rất đáng khích lệ. Hội đã mở rộng hoạt động của mình đến tất cả các quận, huyện, xã, thị xã, phường, thị trấn và lan tỏa đến các tổ dân phố, cụm dân cư, bản, làng, thôn, xóm, các dòng họ, các cơ quan, các doanh nghiệp. Mỗi hội viên của Hội đều tự hào được làm việc nghĩa, không vụ lợi, hướng theo lí tưởng làm cho dân Việt trở thành một dân tộc thông thái như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong mỏi.

Đề cao đạo lý khuyến học, khuyến tài, phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc là một chủ trương đúng đắn, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước về chấn hưng và đổi mới sự nghiệp giáo dục, xây dựng nước ta thành một xã hội học tập.

Giáo sư, tiến sĩ (GS.TS) Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, việc thành lập Hội Khuyến học Việt Nam và sự quan tâm lãnh đạo quản lý Hội của Đảng và Nhà nước về tư tưởng và tổ chức, về nhân sự và năng lực hoạt động cũng như việc tạo cơ sở chính trị và pháp lý cho những hoạt động của Hội đã giúp cho Hội trưởng thành nhanh chóng. Đảng đã giao những trọng trách cho Hội theo từng bước phát triển, từ chỗ yêu cầu Hội làm tốt việc khuyến khích và hỗ trợ hệ thống giáo dục chính quy, góp sức phát triển các loại hình học tập không chính quy (từ 2005 trở về trước), đến việc giao nhiệm vụ chính trị xây dựng xã hội học tập từ cơ sở (giai đoạn 2005 - 2010) và nay là làm nòng cốt trong cuộc vận động nhân dân xây dựng xã hội học tập với tư cách là một tổ chức xã hội có tính đặc thù. Nhận nhiệm vụ do Đảng giao cho, Hội đã nhận thức rõ trách nhiệm nặng nề của mình và do đó, trong suốt 20 năm qua, Hội đã không ngừng phấn đấu về mọi mặt để đáp ứng yêu cầu của Đảng và Nhà nước.

Mọi hoạt động khuyến học, khuyến tài định hướng xã hội học tập.

Khuyến học, khuyến tài đã trở thành một phong trào nhân dân rộng khắp trong toàn quốc, lôi cuốn các ngành, các giới, các lực lượng xã hội vào những hoạt động. Mặt trận khuyến học đã hình thành, hoạt động dưới sự lãnh đạo sát sao và chặt chẽ của cấp uỷ và chính quyền các cấp.

Theo GS.TS Phạm Tất Dong, trong mặt trận này, các tổ chức phi chính phủ (bao gồm cả Hội), đã xây dựng được mối liên hệ với 2 lực lượng quan trọng: các cơ quan chính phủ có chức năng chỉ đạo và điều hành giáo dục cùng các doanh nghiệp thành đạt, có khả năng tài trợ cho các hoạt động khuyến học, khuyến tài, tạo nên sức mạnh duy trì hoạt động của mặt trận khuyến học được bền vững. Hội Khuyến học đang từng bước chứng minh vai trò nòng cốt của mình trong phong trào này.

Trong suốt 20 năm qua, Hội đã kiên định quan điểm giáo dục xã hội chủ nghĩa của Đảng, quán triệt tư tưởng giáo dục nhân cách và học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh để triển khai mọi hoạt động khuyến học, khuyến tài định hướng xã hội học tập.

Toàn Hội là một khối đoàn kết thống nhất, là thành viên tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, gắn phong trào khuyến học, khuyến tài với cuộc vận động toàn dân thi đua làm kinh tế giỏi và toàn dân thi đua xây dựng đời sống văn hoá trên địa bàn dân cư do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.

Hội Khuyến học Việt Nam tự hào là người kế tục tin cậy của phong trào Truyền bá quốc ngữ, Bình dân học vụ, Bổ túc văn hoá trước đây, đã cố gắng không ngừng và những đóng góp tích cực của Hội trong 20 năm qua là một trong những căn cứ để Đảng và Nhà nước lấy ngày 2/10 làm Ngày Khuyến học Việt Nam. Hội đã thực hiện tốt nhiệm vụ do Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao cho: Khuyến học, khuyến tài, xây dựng cả nước thành một xã hội học tập.

Thủ tướng: Tạo mọi thuận lợi cho Hội Khuyến học Việt Nam làm tốt hơn nữa

Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội khuyến học Việt Nam (2/10/1996 – 2/10/2016) vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự và trao Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ 2 cho Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: Với vai trò nòng cốt của Hội khuyến học, cùng sự chung tay góp sức của ngành giáo dục, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể và các địa phương, hầu hết đến 98% số xã, phường, thị trấn đã thành lập trung tâm học tập cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân học tập, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế-xã hội, góp phần thiết thực nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Thủ tướng đánh giá cao quỹ khuyến học khuyến tài hằng năm đã trao học bổng cho hàng triệu học sinh nghèo khó khăn, con em gia đình thương binh liệt sỹ, học sinh vùng sâu vùng xa; khen thưởng hàng vạn học sinh, sinh viên giỏi, hỗ trợ thầy cô giáo dạy giỏi, góp phần tích cực vào công tác xã hội hóa giáo dục và công bằng xã hội về học tập.

Thủ tướng cho rằng, giải thưởng Nhân tài Đất Việt hằng năm đã tôn vinh những người lao động giỏi trong nhiều lĩnh vực qua sản xuất tự học thành tài, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo nhiều sản phẩm, thiết bị, công trình có giá trị.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng và chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội cần phối hợp chặt chẽ, tạo mọi thuận lợi cho Hội Khuyến học Việt Nam làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền sâu rộng, thực hiện hiệu quả quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư. Các phong trào phải thực sự huy động sự tham gia của người dân, sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị, sự năng động, sáng tạo và trách nhiệm cao của nhà trường, sự chung tay, góp công góp sức của cộng đồng xã hội, đặc biệt là của các gia đình, các bậc phụ huynh".

Thủ tướng đã biểu dương Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cùng các cấp hội trong cả nước đã có nhiều thành tích khuyến học, khuyến tài, lan tỏa tích cực trong toàn xã hội, góp phần thực hiện các nghị quyết của Đảng về đổi mới giáo dục và xây dựng xã hội học tập.

Nối tiếp truyền thống hiếu học quý báu của dân tộc, Thủ tướng cho rằng cần chung tay xây dựng xã hội học tập, khuyến khích hiền tài, bồi đắp nguyên khí quốc gia, vững bước hội nhập trong kỷ nguyên công nghệ số, sáng tạo toàn cầu, thực hiện lời dạy của Bác đưa đất nước ta phát triển phồn vinh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

Đại hội Hội Khuyến học Việt Nam khóa V (2016 - 2021) đã bầu ra 104 đại biểu vào Ban Chấp hành Hội Khuyến học Việt Nam khóa V.

Ban Chấp hành Hội Khuyến học Việt Nam đã thống nhất bầu nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, GS.TS Nguyễn Thị Doan làm Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khóa V.

Đại hội đã suy tôn ông Nguyễn Mạnh Cầm - nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khóa III, IV làm Chủ tịch danh dự Hội Khuyến học Việt Nam khóa V.

Đại hội V ghi nhận những kết quả đã đạt được không chỉ trong nhiệm kỳ vừa qua (2010 - 2016) mà cả 20 năm tồn tại để chuyển sang một giai đoạn mới: Giai đoạn thực hiện chủ trương học tập suốt đời, giai đoạn xây dựng “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” để xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập, như Đảng và Nhà nước chủ trương.

(Theo Dân Trí)

Các tin khác

YBĐT - Tối 1/10, tại Quảng trường Trung tâm Hội nghị tỉnh Lào Cai, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai tổ chức Lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc mở rộng lần thứ XIII, năm 2016. Đây là sự kiện quan trọng, có quy mô lớn, được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Lào Cai (1/10/1991 - 1/10/2016).

Các vị đại biểu nhấn nút ra mắt Báo điện tử Thế giới & Việt Nam.

Ngày 30/9, tại Hà Nội, Báo Thế giới & Việt Nam - cơ quan trực thuộc Bộ Ngoại giao, đã tổ chức lễ ra mắt báo điện tử được phát triển trên nền trang thông tin điện tử cùng với việc giới thiệu phiên bản mới của báo in.

YBĐT - Chiều 30/9, tại số 37, đường Quang Trung, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái đã diễn ra Lễ khai trương Trung tâm hội nghị, tiệc cưới Tùng Dương Palace.

Hôm nay (1/10) là ngày khởi đầu cho Tháng hành động Vì người cao tuổi Việt Nam và là dịp kỷ niệm 26 năm Ngày Quốc tế người cao tuổi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục