Bản Mù: Kết quả bước đầu từ sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp

  • Cập nhật: Thứ ba, 11/10/2016 | 8:09:00 AM

YBĐT - Trạm Tấu là một trong 4 huyện, thị, thành phố của tỉnh tiến hành triển khai Đề án Sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016 - 2020.

Gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai do địa hình của huyện bị chia cắt bởi đồi núi, giao thông không thuận tiện, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 90% dân số nhưng bằng sự nỗ lực của UBND huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng lòng của nhân dân, Đề án bước đầu đã đạt được những kết quả đáng mừng. Trong số các xã, thị trấn trên địa bàn, Bản Mù là một trong những xã làm tốt công tác này.

Sau bao nỗ lực khi triển khai sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học, đến nay, các trường học trên địa bàn xã Bản Mù cơ bản đã ổn định. Năm học 2015 - 2016, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Bản Mù có 1 điểm trường chính và 6 điểm trường lẻ. Bước sang năm học 2016 - 2017, Trường tiến hành gộp 5 điểm trường lẻ với 7 lớp và 215 học sinh tại các thôn Păng Dê, Háng Chi Mua, Giàng La Pán, Tàng Ghênh và Mù Cao về điểm trường tại 2 thôn Mù Thấp và Khấu Ly. Cũng như rất nhiều đơn vị trường học khác trên địa bàn, khi triển khai thực hiện Đề án, lúc đầu, Trường gặp phải rất nhiều khó khăn.

Thầy giáo Trần Tiến Thanh - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Sau khi sáp nhập, số lượng học sinh tại điểm trường chính tăng, kéo theo đó là hàng loạt các vấn đề đặt ra đó là nhu cầu sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị tăng theo, đặc biệt là lo chỗ ăn, chỗ ở cho các em. Bên cạnh đó, việc thuyết phục phụ huynh học sinh, hầu hết là đồng bào Mông đưa con từ điểm trường gần nhà tới điểm trường cách xa nhà từ 3 đến 5 km cũng gặp nhiều trở ngại”.

Khó khăn là vậy nhưng được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, thầy và trò nhà trường đã nỗ lực phấn đấu, giải quyết từng bước khó khăn với mục tiêu bằng mọi cách mang con chữ tới cho học sinh và thực hiện tốt Đề án theo chủ trương của tỉnh, của huyện.

Trước khi bước vào năm học mới 2016 - 2017, UBND huyện thành lập ban chỉ đạo cùng với cán bộ, giáo viên xuống từng thôn, bản tuyên truyền, vận động tới phụ huynh học sinh về mặt tích cực, lợi ích khi thực hiện Đề án, nhất là việc đưa con em về điểm trường chính sẽ giúp các em có môi trường học tập tốt nhất. Đến nay, phụ huynh học sinh đã đồng thuận, yên tâm đưa con em mình về điểm trường chính học bán trú.

Anh Sùng A Tháng - phụ huynh học sinh chia sẻ: “Trước kia, khi nghe thông tin cán bộ bảo mình phải đưa con đi học xa, mình định không cho con đi học đâu. Nhưng cán bộ bảo, về đấy, con mình được học trường tốt, ăn uống chất lượng hơn, mình ưng lắm. Mình cho con đi học ngay”.

Để đáp ứng nhu cầu số phòng học khi số lượng học sinh tăng thêm, ngay trong thời gian nghỉ hè, UBND huyện Trạm Tấu đã đầu tư xây dựng cho nhà trường thêm một nhà lắp ghép rộng 120 m2 để dạy và học. Ngoài ra, Trường còn mượn thêm nhà văn hóa thôn để bảo đảm đầy đủ phòng học ngay khi năm học mới bắt đầu.

Cô giáo Lại Thị Thu Thảo - giáo viên chủ nhiệm lớp 4A, điểm trường Mù Thấp, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Bản Mù tâm sự: “Gộp các điểm trường lẻ về điểm trường chính, chúng tôi được tập trung, thường xuyên trao đổi, trau dồi kiến thức chuyên môn hơn nhưng công tác quản lý, bảo đảm sự an toàn cho các em học sinh cũng phải thắt chặt hơn. Nhà trường đã thành lập các đội cờ đỏ do các giáo viên đảm nhiệm, thường xuyên kiểm tra sỹ số, nhắc nhở và thay nhau chăm sóc các em”.

Đối với Trường Mầm non Họa Mi, năm học 2016 - 2017, nhà trường tiến hành triển khai gộp 2 điểm trường lẻ ở thôn Khấu Ly và Mù Thấp về điểm trường chính với 2 lớp và 70 học sinh. Đáp ứng nhu cầu số phòng học khi số lượng học sinh tăng thêm, trước khi bước vào năm học mới, UBND huyện Trạm Tấu đã đầu tư xây dựng cho nhà trường thêm 2 phòng học theo tiêu chuẩn mới. Dự kiến, 1 - 2 tháng nữa sẽ hoàn thiện toàn bộ và đưa vào sử dụng. Trong khi chờ đợi, nhà trường đã bố trí cho học sinh ở ghép, học ghép với những lớp học cũ.

Tuy mới thực hiện Đề án, trong khi điều kiện kinh tế khó khăn, giao thông cách trở nhưng đến nay, học sinh dân tộc thiểu số của các trường học trên địa bàn xã Bản Mù bảo đảm theo học đúng độ tuổi, đội ngũ cán bộ, giáo viên của các điểm trường lẻ cũng được bố trí, sắp xếp hợp lý, góp phần để Đề án thực hiện hiệu quả. Không chỉ có ở Bản Mù, đến thời điểm này, huyện Trạm Tấu đã triển khai Đề án tại 12/12 xã, thị trấn, bước đầu đem lại thành công nhất định, giảm 94 lớp, 1.740 học sinh ở 64 điểm trường lẻ. Có thể thấy, Đề án bước đầu làm thay đổi bộ mặt trường, lớp trên địa bàn huyện, đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh. Kết quả này là điều kiện thuận lợi, tạo bàn đạp cho việc triển khai Đề án ở những giai đoạn tiếp theo.

 Lê Thương

Các tin khác

YBĐT – Chiều 10/10, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Yên Bái tổ chức gặp mặt kỷ niệm 12 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 – 13/10/2016); sơ kết công tác Hội 9 tháng, triển khai nhiệm vụ công tác 3 tháng cuối năm 2016 và kết nạp hội viên mới.

Đồng chí Dương Văn Tiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chù trì Hội nghị

YBĐT - Ngày 10/10, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị lấy ý kiến điều chỉnh Quy hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030.

YBĐT - Ngày 10/10, tại Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái tổ chức Hội thi Nhà nông đua tài lần thứ V - năm 2016. Tới dự có đồng chí Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành trong tỉnh.

36 ngành nghề kinh doanh có điều kiện được đề xuất bãi bỏ.

Chính phủ vừa có Tờ trình gửi Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh với việc loại bỏ rất nhiều rào cản hạn chế đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp (DN).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục