Vụ mẹ con sản phụ tử vong tại Bệnh viện:

Hội đồng chuyên môn Bệnh viện Sản - Nhi Yên Bái: Không sai sót chuyên môn trong điều trị sản phụ Phạm Thị Hiền

  • Cập nhật: Chủ nhật, 13/11/2016 | 11:03:53 AM

YênBái - YBĐT- Gần một tuần nay, vụ việc sản phụ Phạm Thị Hiền - xã Đại Minh, huyện Yên Bình đến kỳ sinh nở tới Khoa Sản, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Yên Bái chờ sinh, do diễn biến xấu được chuyển tuyến đi Bệnh viện Bạch Mai ngày 08/11/2016, sau đó đã tử vong, đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Một số trang mạng xã hội đã đăng tải bài viết đặt vấn đề ở góc độ "có nhiều khuất tất" tại Bệnh viện Sản - Nhi dẫn đến cái chết thương tâm của hai mẹ con chị Phạm Thị Hiền. Để giúp bạn đọc bước đầu có sự nhìn nhận khách quan về vụ việc, phóng viên Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo ngành y tế Yên Bái để phần nào làm sáng tỏ sự việc.

Trao đổi với phóng viên Báo Yên Bái, ông Nguyễn Văn Tuyến – Giám đốc Sở Y tế Yên Bái cho biết: “Lãnh đạo Sở đặc biệt quan tâm đế vụ việc sản phụ Phạm Thị Hiền. Trực tiếp Giám đốc Sở đã chỉ đạo  Bệnh viện Sản - Nhi tường trình đầy đủ vụ việc. Hội đồng chuyên môn của Sở sẽ xem xét, đánh giá đúng vấn đề trên cơ sở khoa học và những quy định hiện hành; những sai phạm nếu có sẽ được xử lý nghiêm”.

Diễn biến vụ việc như sau: 17 giờ ngày 7/11/2016, sản phụ Phạm Thị Hiền, 40 tuổi, địa chỉ tại xã Đại Minh, huyện Yên Bình vào Khoa Sản, Bệnh viện Sản - Nhi Yên Bái với lý do thai đã 9 tháng, đau bụng chuyển dạ chờ sinh. Quá trình tiếp nhận, thăm khám bệnh nhân diễn ra bình thường, kết quả lâm sàng và cận lâm sàng đều tốt (da niêm mạc hồng, không phù, mạch 80 l/p, huyết áp 110/70 mmHg, tim thai 140l/p, ngôi đầu, ối còn, thai nhi ước khoảng 3.200 gam). Xử trí: Theo dõi chuyển dạ như một cuộc chuyển dạ bình thường.

Quá trình theo dõi sát cuộc chuyển dạ cho thấy, các chỉ số sinh tồn bình thường. Tuy nhiên đến khoảng gần 22 giờ, sau khi vỡ ối tự nhiên, bệnh nhân Hiền đột ngột tím tái, ngừng thở; mạch nhanh, nhỏ, khó bắt; huyết áp không đo được.

Trước tình hình đó, các y bác sỹ đã tiến hành: bóp bóng, thở ôxy, ép tim ngoài lồng ngực, đặt đường truyền tĩnh mạch, truyền Adrenalin; không thấy kết quả như mong nuốn, nhân viên Khoa Sản đã gọi hỗ trợ cấp cứu. Các bác sỹ Trần Văn Quang (Phó Giám đốc, trực lãnh đạo Bệnh viện) cùng hai bác sỹ Nguyễn Xuân Bình - Trưởng khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức và Trần Đình Lâm - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu đều đã có mặt, tiến hành đặt nội khí quản, cấp cứu tích cực ngừng tuần hoàn, đặt Sonde dạ dày.

Kết luận hội chẩn: Bệnh nhân ngừng tuần hoàn nghi do thuyên tắc mạch ối; bệnh nhân tiên lượng nặng, đe dọa tử vong. Các bác sỹ đã giải thích rõ cho người nhà bệnh nhân.

Sản phụ Phạm Thị Hiền tiếp tục được hồi sức tích cực, sau ngừng tuần hoàn 10 phút có nhịp tim trở lại, mạch 120 l/p; huyết áp: 189/110mmHg, SPO2:97%, nghe tim thai âm tính; vẫn trong tình trạng hôn mê, toàn thân tím tái, không tự thở, duy trì  thuốc vận mạch, thở máy theo thông số cài đặt. Đến 00h10 ngày 8/11/2016 người bệnh sau cấp cứu ngừng tuần hoàn nghi đến do thuyên tắc mạch ối. Mạch 120 l/p. HA:120/80mmHg. SPO2: 98%.

Kết quả xét nghiệm lại công thức máu cho thấy: hồng cầu 2.5 triệu, Hb 8g/l, tiểu cầu 38 nghìn, đông máu cơ bản rối loạn không làm được. Tiên lượng bệnh nhân rất nặng, có nguy cơ tử vong cao.

Sau khi nghe các bác sỹ thông báo về tình trạng sức khỏe, gia đình làm đơn cam kết xin chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Trước yêu cầu của người thân sản phụ Phạm Thị Hiền, Bệnh viện Sản -Nhi đã tiến hành hội chẩn toàn viện lần 2 chuyển người bệnh lên tuyến trên theo nguyện vọng gia đình.

Chẩn đoán lúc chuyển tuyến trên: Bệnh nhân hôn mê sau ngừng tuần hoàn nghi do thuyên tắc mạch ối, có rối loạn đông máu. Bệnh viện cử nhóm hộ tống bệnh nhân gồm: bác sỹ Trần Đình Lâm - Khoa Hồi sức cấp cứu và hai nữ hộ sinh Kiều Thị Thao, Trịnh Thúy Hằng.

Khoảng 3h15phút ngày 8/11/2016, sản phụ Phạm Thị Hiền được đưa đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai và được cấp cứu tích cực tại đây nhưng do bệnh quá nặng và hiếm gặp nên đã sản phụ đã tử vong sau 1,5 giờ cấp cứu.

Hội đồng chuyên môn Bệnh viện Sản - Nhi Yên Bái kết luận: Đây là bệnh thuyên tắc mạch ối rất hiếm gặp, không có dấu hiệu báo trước, không có biện pháp dự phòng, khi đã xảy ra hầu như không cứu chữa được. Quá trình tiếp nhận, chẩn đoán, xử trí, cấp cứu, theo dõi và chăm sóc sản phụ, Bệnh viện đã tiến hành kịp thời, đúng qui trình chuyên môn; kê đơn đúng theo qui chế kê đơn điều trị nội trú; không có sai sót gì trong chuyên môn.

Trao đổi về nội dung Bệnh viện thiếu bình ôxy và các bác sỹ đùn đẩy nhau, không muốn hộ tống bệnh nhân lên tuyến trên như dư luận đã phản ánh, ông Nguyễn Văn Phong  - Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi cho biết: “Sau khi nhận lệnh chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, cán bộ y, bác sỹ phải tiến hành một số thủ tục hoàn thiện hồ sơ bệnh án, chuyển viện... Khi xe cứu thương xuống tới nơi, các bác sỹ phát hiện trên xe chỉ có 1 bình ôxy nhỏ (loại 8 lít) là không đủ cho chuyến đi dài, bệnh nhân lớn tuổi, điều trị tích cực, vì thế mới yêu cầu lái xe đi lấy bình ôxy lớn hơn, quá trình lấy bình ôxy, chằng buộc vào xe cũng mất thời gian”.

Về nội dung cho rằng các bác sỹ đùn đẩy nhau, không muốn hộ tống bệnh nhân, ông Phong giải thích: “Ngay sau quá trình hồi sức cho bệnh nhân Hiền, đồng chí Trần Văn Quang – Phó giám đốc Bệnh viện có cử bác sỹ Trần Đình Lâm trực tiếp hộ tống bệnh nhân lên tuyến trên. Khi được phân công, bác sỹ Lâm có nói lại là: “Cả viện có mỗi mình tôi là bác sỹ cấp cứu, bệnh nhân đông thế này, tôi đi rồi, ở viện xảy ra vấn đề gì thì ai làm, ai chịu trách nhiệm?”. Quá trình trao đổi giữa hai bác sỹ diễn ra ngay trước mặt người nhà bệnh nhân nên đã khiến họ hiểu lầm là đùn đẩy nhau. Sau đó, bác sỹ Lâm vẫn đi theo xe cứu thương và thực hiện việc cấp cứu cho bệnh nhân về tới Hà Nội. Khi chị Phạm Thị Hiền tử vong, xe cứu thương và kíp hộ tống đã đưa chị về tận gia đình”.

Vụ việc sản phụ Phạm Thị Hiền điều trị tại Bệnh viện Sản -Nhi Yên Bái sau đó diễn biến xấu, chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai rồi tử vong vẫn đang được Bộ Y tế và Sở Y tế làm rõ. Báo Yên Bái sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Thuyên tắc ối là một cấp cứu sản khoa hiếm gặp do dịch nước ối, những tế bào thai nhi, tóc hoặc các mảnh tổ chức thai khác lọt vào hệ tuần hoàn máu mẹ thông qua nhau thai gây ra một phản ứng dị ứng. Phản ứng dị ứng này gây ra suy hô hấp và tuần hoàn cấp tính cho mẹ. Đây là căn bệnh không thể biết trước và không thể dự phòng được. (Theo  tài liệu truyền thông của Bộ Y tế).

Lê Phiên 

Các tin khác
Ngày hội thu hút đông đảo đại biểu tham gia

Ngày 12 và 13//11, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức “Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam 2016” (TECHFEST Vietnam 2016). Đây là sự kiện thường niên lớn nhất dành cho cộng đồng khởi nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch, có giải pháp phù hợp, thực hiện tốt phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

YBĐT - Ngày 11/11, Tỉnh ủy Yên Bái phối hợp với Vụ Tôn giáo, Ban Dân vận Trung ương tổ chức lớp tập huấn công tác tôn giáo cho cán bộ chủ chốt của tỉnh.

YBĐT - Sáng 11/11, Công ty Điện lực Yên Bái phối hợp với Phòng GD&ĐT thành phố Yên Bái, Trường TH&THCS Phúc Lộc, thành phố Yên Bái tổ chức Hội thi “Tuổi trẻ Yên Bái chung tay tiết kiệm điện”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục