Trường THPT Lý Thường Kiệt đổi mới phương pháp đánh giá chất lượng học sinh
- Cập nhật: Thứ ba, 15/11/2016 | 8:19:27 AM
YBĐT - Khi chấm bài kiểm tra, giáo viên phải có phần nhận xét, động viên sự cố gắng, tiến bộ của học sinh. Việc cho điểm có sự kết hợp giữa đánh giá kết quả bài làm với theo dõi sự cố gắng, tiến bộ của học sinh.
Cô và trò Trường THPT Lý Thường Kiệt trong ngày khai giảng năm học 2016 - 2017.
|
Thầy giáo Trương Thu Ba - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm học 2015 - 2016, Trường THPT Lý Thường Kiệt đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học đề ra; tỷ lệ học sinh học lực khá, giỏi đạt trên 42%; tỷ lệ tốt nghiệp đạt trên 92%; có 26 em đạt giải trong cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh”.
Năm học 2016 - 2017, Trường THPT Lý Thường Kiệt, thành phố Yên Bái có 24 lớp với gần 1.000 học sinh. Phát huy những kết quả đạt được, trong năm học này, nhà trường tiếp tục chỉ đạo đổi mới kiểm tra đánh giá, phương pháp dạy học, ôn luyện học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi; tổ chức Hội thảo chuyên đề về đổi mới phương pháp dạy học, hoạt động của tổ chuyên môn, công tác chủ nhiệm, nghiên cứu khoa học...; tổ chức dạy học phân hoá theo năng lực của học sinh dựa theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông.
Giáo viên chủ động thiết kế bài giảng linh hoạt, khoa học, sắp xếp hợp lý các hoạt động của giáo viên và học sinh; phối hợp tốt giữa làm việc cá nhân và theo nhóm; chú trọng công tác phụ đạo học sinh yếu.
Giáo viên tạo điều kiện, hướng dẫn học sinh rèn luyện kỹ năng tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, bồi dưỡng năng lực độc lập suy nghĩ; xây dựng hệ thống câu hỏi hợp lý, phù hợp với các em học sinh; coi trọng thực hành, thí nghiệm… đảm bảo cân đối giữa việc truyền thụ kiến thức và rèn luyện kỹ năng theo chuẩn kiến thức và kỹ năng.
Bên cạnh đó, nhà trường kịp thời triển khai các văn bản hướng dẫn của Bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo về những thay đổi trong kỳ thi THPT quốc gia tới toàn thể các cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường. Trên cơ sở đó, nhanh chóng xây dựng các kế hoạch ôn thi tốt nghiệp phù hợp với những thay đổi của năm học và tình hình thực tế dạy và học tại nhà trường.
Thầy Trương Thu Ba cho biết thêm: “Một trong những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục được nhà trường quan tâm, chú trọng là đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá chất lượng học tập của học sinh”.
Theo đó, Ban Giám hiệu nhà trường chỉ đạo và tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy chế ở tất cả các khâu ra đề, coi, chấm và nhận xét, đánh giá học sinh trong việc thi và kiểm tra; đảm bảo thực chất, khách quan, trung thực, công bằng, đánh giá đúng năng lực và sự tiến bộ của học sinh; chú trọng đánh giá phẩm chất và năng lực của học sinh thông qua đánh giá trên lớp; đánh giá bằng hồ sơ; đánh giá bằng nhận xét; bài thuyết trình, bài kiểm tra đánh giá cuối kỳ, cuối năm học.
Các hình thức kiểm tra, đánh giá đều hướng tới phát triển năng lực của học sinh; coi trọng đánh giá để giúp đỡ học sinh về phương pháp học tập, động viên sự cố gắng, hứng thú của các em trong quá trình học tập.
Việc kiểm tra, đánh giá không chỉ xem học sinh học được cái gì mà quan trọng hơn là biết học sinh học như thế nào, có biết vận dụng hay không. Đối với giáo viên thì coi trọng việc quan sát và hướng dẫn học sinh tự quan sát các hoạt động và kết quả hoạt động học tập, rèn luyện; nhận xét định tính và định lượng về kết quả hoạt động.
Qua đó, giáo viên hướng dẫn, góp ý, điều chỉnh để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động học tập, rèn luyện của học sinh. Nhà trường cũng yêu cầu các giáo viên vận dụng kiến thức liên môn vào thực tiễn, đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn cần tăng cường ra các câu hỏi mở; gắn với các sự kiện thời sự của quê hương, đất nước để học sinh được bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội.
Khi chấm bài kiểm tra phải có phần nhận xét, động viên sự cố gắng, tiến bộ của học sinh. Việc cho điểm có sự kết hợp giữa đánh giá kết quả bài làm với theo dõi sự cố gắng, tiến bộ của học sinh.
Bên cạnh đó, nhà trường đặc biệt coi trọng việc hướng dẫn học sinh đánh giá lẫn nhau và biết tự đánh giá năng lực của mình, để các em tự tin, tự giác nâng cao ý thức học tập, phấn đấu trở thành những người con ngoan, trò giỏi, những chủ nhân tương lai của đất nước.
Hà Anh
Các tin khác
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Quyết định về việc tổ chức lại Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước nhằm thay thế Quyết định số 144/2007/QĐ-TTg.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh điều này vì tâm lý của học viên trong cơ sở cai nghiện rất dễ bị kích động, lôi kéo.
YBĐT - Yên Bái có trên 1.000 doanh nghiệp, nhưng nhiều doanh nghiệp nhỏ, phân tán nên việc thu kinh phí công đoàn của 90% doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn gặp khó khăn rất lớn.
YBĐT - 97% quân nhân dự bị (QNDB) huấn luyện chuyển loại chuyên ngành binh chủng năm 2016 là người dân tộc thiểu số, trong đó có gần 60% là người dân tộc Mông thuộc các xã của huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải, tuổi đời và trình độ nhận thức không đồng đều.