Ứng phó với biến đổi khí hậu ở Yên Bái: Bắt đầu từ nhận thức của người dân

  • Cập nhật: Thứ ba, 15/11/2016 | 1:53:28 PM

YBĐT - Một số địa phương, cơ quan đơn vị còn có tư tưởng lơ là, chủ quan trong phòng, chống mưa lũ. Việc chằng chống nhà cửa, tu sửa công trình trước mùa mưa bão chưa được coi trọng. Tập quán canh tác cũng như làm nhà ở ngay dưới chân núi, nên khi mưa lớn, địa hình dốc gây ra sạt lở đất dẫn đến thiệt hại về người và tài sản.

Yên Bái thường xuyên phải chịu ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão, mưa to cường độ mạnh gây ngập úng, lũ quét, sạt lở đất… trong đó, đáng chú ý là lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt. Để ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu khắc nghiệt của thiên nhiên, những năm qua, các ngành, các cấp và người dân tỉnh Yên Bái đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm bảo vệ đời sống và sản xuất.

Thiệt hại nghiêm trọng do biến đổi khí hậu

Yên Bái ít chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, những cơn bão đổ bộ vào Việt Nam từ tỉnh Thanh Hóa trở ra thì tỉnh Yên Bái sẽ bị ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão gây mưa to đến rất to. Do mưa to, cường độ mạnh gây ngập úng, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… Đó là những đặc trưng lớn nhất và phổ biến nhất về tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Theo khuyến cáo của các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản - Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), trên địa bàn tỉnh Yên Bái, hiện trạng trượt lở đất, đá và các biến cố liên quan thường xảy ra vào mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm.

Theo thống kê vài ba chục năm trở lại đây, hầu như năm nào cũng xảy ra các loại hình thiên tai này và nhịp điệu có xu hướng ngày càng tăng. Riêng những năm 2005, 2008, 2010, 2012 là những năm xảy ra lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng nhất, gây thiệt hại về người và tài sản nặng nề nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Trong đó, năm 2005 và 2008 là hai năm xảy ra mưa lũ, sạt lở đất lịch sử gây thiệt hại nặng nề nhất từ trước tới nay ở tỉnh Yên Bái. Năm 2005, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 6, số 7 đã gây ra mưa lũ và sạt lở đất làm thiệt hại rất lớn về người và tài sản của các huyện phía Tây của tỉnh khiến cho 76 người chết và mất tích, 375 nhà bị sập đổ hoàn toàn và bị lũ cuốn trôi, thiệt hại về kinh tế  khoảng 450 tỷ đồng.

Năm 2008, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 5 đã gây ra mưa lũ, ngập lụt làm 42 người chết, 27 người bị thương, hơn 5000 ha lúa, hoa màu bị ngập, cuốn trôi, các công trình hạ tầng, nhà ở bị hư hỏng rất nặng nề, ước thiệt hại về kinh tế khoảng 438 tỷ đồng.

Bà Phạm Thu Hằng - Trưởng phòng Tài nguyên nước - Khí tượng thủy văn (Sở TN&MT tỉnh Yên Bái) cho biết: “Từ đầu năm 2016 đến nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã xảy ra 1 đợt rét đậm, rét hại, 5 trận dông lốc và 3 trận mưa to kèm theo dông, sét gây thiệt hại rất lớn về người và nhà cửa của nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Các trận dông lốc, mưa to đã làm 3 người chết, 16 người bị thương, thiệt hại 4.970 ngôi nhà, ước tính tổng thiệt hại về kinh tế trên 5 tỷ đồng, gây khó khăn trong đời sống và quá trình sản xuất của người dân”.

Nâng cao nhận thức người dân

Trong công tác phòng, chống thiên tai do biến đổi khí hậu tại tỉnh Yên Bái, còn một số tồn tại, khó khăn khiến cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ bị chậm trễ. Yên Bái là một tỉnh miền núi có địa hình phức tạp, núi cao, sườn dốc, số dân cư sống ở vùng nguy hiểm còn nhiều, nên năm nào mưa, lũ cũng đều gây ra thiệt hại về người và tài sản…

Bên cạnh đó, trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được trang bị cho địa bàn tỉnh còn thiếu. Kinh phí cho công tác quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn, các chương trình, dự án, đề tài khoa học công nghệ trong công tác phòng chống thiên tai hầu như không có.

Theo bà Phạm Thu Hằng thì cái khó khăn nhất trong công tác phòng chống thiên tai là: “Nhận thức của người dân đang sinh sống tại địa bàn thường chịu sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Và một số địa phương, cơ quan đơn vị còn có tư tưởng lơ là, chủ quan trong phòng, chống mưa lũ. Việc chằng chống nhà cửa, tu sửa công trình trước mùa mưa bão chưa được coi trọng. Tập quán canh tác cũng như làm nhà ở ngay dưới chân núi, nên khi mưa lớn, địa hình dốc gây ra sạt lở đất dẫn đến thiệt hại về người và tài sản”.

Nhận thức rõ tầm quan trọng về bảo vệ môi trường ứng phó với BĐKH, trong những năm qua tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo vệ môi trường như: tổ chức được 2 lớp tập huấn nâng cao kiến thức về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trong bối cảnh biến đổi khí hậu và kỹ năng truyền thông cho cán bộ cấp xã, thôn tại xã Yên Hưng, Văn Yên (năm 2015); mở lớp đào tạo cho cán bộ giảng viên cấp tỉnh về nâng cao đội ngũ giảng viên cấp tỉnh về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng có lồng ghép giới (năm 2016)…

Để người dân chủ động trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu cần không ngừng nâng cao đời sống cộng đồng bằng cách tăng cường công tác bảo vệ rừng và trồng rừng phòng hộ đầu nguồn chống xói mòn và sạt lở đất; xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh và di dời chuồng trại nuôi nhốt gia súc ra xa nhà ở tại địa bàn các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… thay đổi những hành vi, lối sống của người dân theo hướng thân thiện với môi trường như hạn chế sử dụng túi nilon khi đi chợ, ra quân dọn vệ sinh môi trường, hạn chế đốt rừng làm nương rẫy…

Tỉnh cũng đang cho lập kế hoạch, kinh phí thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020” với mục tiêu chính là nâng cao nhận thức cộng đồng và tổ chức hiệu quả mô hình quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, các cấp, các ngành đặc biệt là chính quyền cơ sở và người dân nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, hạn chế sự phá hoại tài nguyên thiên nhiên môi trường và di sản văn hóa do thiên tai gây ra.

Hải Hà

Các tin khác
Người dân đến khám bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Yên Bình.

YBĐT - Bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những chính sách trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc.

YBĐT - Cùng với toàn tỉnh, Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp của huyện Trạm Tấu mới đi vào thực hiện được 2 tháng.

YBĐT - Với 8 chi hội khuyến học thôn, 3 ban khuyến học có tổng số trên 600 hội viên, Hội khuyến học xã Hòa Cuông, Trấn Yên luôn tạo ra các phong trào, hoạt động đa dạng để xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho các lứa tuổi, trình độ được học tập thường xuyên, học liên tục ở mọi lúc, mọi nơi, góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn cho nhân dân. Hòa Cuông trở thành điểm sáng trong phong trào khuyến học, khuyến tài của huyện, của tỉnh.

Những mặt tích cực và hạn chế của ngành giáo dục đã được nêu lên tại Hội nghị tổng kết năm học 2015 - 2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016 - 2017.

Đánh giá về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, ngành giáo dục có 9 điểm cộng, 6 điểm trừ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục