Sự nghiệp Giáo dục và đào tạo Yên Bái trên đường đổi mới
- Cập nhật: Thứ tư, 16/11/2016 | 8:12:12 AM
YênBái - YBĐT - Sau khi triển khai thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đầu năm học 2016 - 2017, đến nay, toàn tỉnh có 434 cơ sở giáo dục và dạy nghề. Tỷ lệ học sinh hoàn thành khóa học tiếp tục tăng; tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng đạt trên 65%với mức tăng khá cao năm học trước.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Thủ tướng Chính phủ) dự Lễ khai giảng năm học 2013 - 2014 tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh.
|
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD - ĐT) được Đảng xác định là tất yếu khách quan xuất phát từ bối cảnh đất nước, từ đòi hỏi của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đặc biệt là xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, từ cuộc cạnh tranh chất lượng nguồn nhân lực giữa các quốc gia.
Thực hiện Nghị quyết 29 của Đảng, tỉnh Yên Bái đã xây dựng những giải pháp cụ thể, phù hợp, từng bước hiện thực hóa Nghị quyết trong cuộc sống.
Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 70-CTr/TU ngày 10/1/2014 về việc triển khai thực hiện “Đổi mới căn bản toàn diện GDĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH - HĐH) trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, cùng với các kế hoạch cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp đổi mới căn bản toàn diện GD - ĐT trong Chương trình hành động và kế hoạch công tác hàng năm của UBND tỉnh, gắn mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục với các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và của từng địa phương đã xác định đường hướng chỉ đạo cho ngành giáo dục Yên Bái trên lộ trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, theo đúng tinh thần Nghị quyết số 29, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Quán triệt sâu sắc đường lối của Đảng về đổi mới GD - ĐT, trong năm qua, ngành GD - ĐT Yên Bái đã có nhiều cố gắng, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Đặc biệt, trong năm qua, triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn GD - ĐT.
Toàn ngành chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục; triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với Phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, toàn ngành đã tập trung thực hiện những giải pháp đột phá và những giải pháp lâu dài nhằm phát triển sự nghiệp GD - ĐT giai đoạn 2016 - 2020 và bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng. Mạng lưới trường, lớp đã được sắp xếp lại phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương.
Sau khi triển khai thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đầu năm học 2016 - 2017, đến nay, toàn tỉnh có 434 cơ sở giáo dục và dạy nghề. Đối với giáo dục mầm non và phổ thông có 419 trường với quy mô 6.545 lớp, 198.691 cháu mầm non, học sinh phổ thông. So với năm học trước, giảm 148 trường, giảm 87 lớp, tăng 5.334 học sinh. Gắn liền với việc sắp xếp mạng lưới là việc sắp xếp đội ngũ hiệu quả và công tác quy hoạch hệ thống trường lớp khoa học, hợp lý.
Chất lượng giáo dục đã có những chuyển biến tích cực; các chỉ số về phát triển giáo dục tiếp tục được nâng lên mức khá so với khu vực và mức độ trung bình so với quốc gia.
Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở mầm non tiếp tục giảm, tỷ lệ học sinh phổ thông xếp loại học lực khá, giỏi tăng từ 0,5 đến 1%, loại yếu, kém giảm từ 0,5 đến 1,5% ở các cấp học; tỷ lệ học sinh hoàn thành khóa học tiếp tục tăng; tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng đạt trên 65% với mức tăng khá cao năm học trước. Đặc biệt, năm 2016, Yên Bái tiếp tục có học sinh đạt thủ khoa Học viện Cảnh sát nhân dân và là năm thứ 5 liên tiếp, Yên Bái có học sinh đỗ thủ khoa đại học.
Đồng chí Dương Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh (đứng giữa) trao cờ thi đua của Chính phủ năm 2015 cho Sở GD- ĐT.
Giữ vững, từng bước nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và xóa mù chữ, Yên Bái đang nỗ lực giữ vững và từng bước nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục. Cơ bản đã khắc phục được tình trạng học sinh bỏ học tràn lan. Hiện tại, học sinh bỏ học còn 0,5%, giảm gần 1% so với năm 2010. Công tác phát triển giáo dục ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục có những chuyển biến mạnh mẽ về số lượng và chất lượng.
Năm học 2016 - 2017, toàn tỉnh có 9 trường phổ thông dân tộc nội trú, 2.952 học sinh; trong đó, có 7 trường trung học cơ sở, 64 lớp, 2.124 học sinh; 2 trường trung học phổ thông, 24 lớp, 828 học sinh; 47 trường phổ thông dân tộc bán trú, 817 lớp và 69 trường có học sinh bán trú, 878 lớp với tổng số 20.687 học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP.
Cơ sở vật chất trường học tiếp tục được quan tâm đầu tư theo hướng hiệu quả và hiện đại, đáp ứng được yêu cầu đổi mới quản lý, đổi mới phương pháp dạy học. Cung ứng kịp thời sách, thiết bị; tích cực triển khai, nâng cao chất lượng việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý, điều hành và giảng dạy.
Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường và phát huy hiệu quả trong quản lý với nhiều giải pháp tích cực ngăn chặn kịp thời các tiêu cực, làm giảm việc thu góp sai quy định và tình trạng dạy thêm, học thêm ở các cơ sở giáo dục. Công tác thi đua khen thưởng, công tác đổi mới quản lý hành chính, công tác tuyên truyền về giáo dục được quan tâm chỉ đạo đã góp phần quan trọng vào những kết quả đạt được trong năm học vừa qua.
Cùng với cả nước, GD - ĐT Yên Bái đang vững bước trên con đường đổi mới. Toàn ngành chú trọng sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp phù hợp với tình hình mới, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh Phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp nhằm đổi mới và phát triển sự nghiệp GD - ĐT, thực hiện những giải pháp đột phá và những giải pháp lâu dài nhằm phát triển sự nghiệp GD - ĐT.
Thời gian tới, ngành GD - ĐT Yên Bái tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý; đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm. Trọng tâm là nâng cao hiệu quả của công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ GD -ĐT; thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết 29 và Chương trình hành động số 70 của Tỉnh ủy về đổi mới căn bản toàn diện GD - ĐT.
Trước mắt, tập trung xây dựng Đề án “Xây dựng trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016 - 2020” và điều chỉnh Quy hoạch phát triển GD - ĐT tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến 2030 trình tỉnh phê duyệt trong cuối năm 2016. Ngành tăng cường các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục.
Trong đó, tập trung đổi mới phương pháp, đổi mới công tác thi và đánh giá theo chỉ đạo của Bộ GD - ĐT; tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường và duy trì đến trường chuyên cần; giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc và chất lượng giáo dục các trường phổ thông dân tộc bán trú, dân tộc nội trú; tăng cường các giải pháp để tiếp tục giảm tỷ lệ học sinh yếu kém và học sinh bỏ học, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh dân tộc bán trú, phát động Phong trào “tương thân tương ái” trong toàn ngành để giúp đỡ vùng khó khăn, các trường dân tộc bán trú.
Nhà giáo ưu tú Trần Xuân Hưng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở GD - ĐT kiểm tra tại Trường Tiểu học Nguyễn Thị Tuyết Mai, huyện Lục Yên.
Bên cạnh đó, ngành GD -ĐT Yên Bái chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ; triển khai có hiệu quả việc đánh giá theo chuẩn; tăng cường công tác bồi dưỡng, từng bước đảm bảo đội ngũ đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu; tiếp tục thực hiện rà soát, đánh giá, sắp xếp, sử dụng đội ngũ theo hướng tinh gọn, hiệu quả gắn với triển khai thực hiện Đề án Sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020; tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị trong việc quản lý, sử dụng và thực hiện các chế độ, chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên trong các cơ sở giáo dục.
Ngành tiếp tục quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học phù hợp với yêu cầu phát triển giáo dục và tình hình thực tế, tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, dân tộc nội trú tham mưu đầu tư xây dựng phòng học bộ môn, phòng chức năng, phòng thí nghiệm, thư viện trường học, đầu tư xây dựng nhà bán trú cho học sinh, nhà công vụ cho giáo viên vùng cao, vùng khó khăn.
Đặc biệt, chỉ đạo và thực hiện theo hướng giữ vững, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục; chú trọng công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và tăng cường công tác kiểm định chất lượng giáo dục; tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương chính sách về phát triển GD - ĐT.
Đặc biệt là giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị và của toàn xã hội; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, thu hút các nguồn lực hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú.
Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của HĐND tỉnh về Đề án Nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, trường mầm non thuộc vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn; tích cực tham mưu với các cấp, các ngành để bố trí quỹ đất, đầu tư cơ sở vật chất cho các trường dân tộc bán trú; trong đó, ưu tiên đầu tư các công trình phụ trợ phục vụ nhu cầu ăn, ở, sinh hoạt của học sinh.
Thanh Ba
Các tin khác
Hiện nay, nhiều trẻ em từ 13-15 tuổi đã mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), căn bệnh mà trước đây thường được biết đến ở những người có độ tuổi ngoài 40.
Đội tuyển Toán Việt Nam vừa giành 7 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 3 huy chương đồng trong cuộc thi Olympic Toán và Khoa học quốc tế (IMSO) dành cho học sinh dưới 13 tuổi, tổ chức tại Indonesia.
YBĐT - Trên địa bàn huyện có 1 doanh nghiệp do hội viên cựu chiến binh làm chủ; 4 hợp tác xã; 2 tổ hợp sản xuất kinh doanh; 13 trang trại; 10 gia trại; 1 cơ sở sản xuất chế biến nông lâm sản và 4 cơ sở kinh doanh tổng hợp.