Góp phần nâng cao chất lượng dân số
- Cập nhật: Thứ ba, 13/12/2016 | 9:03:52 AM
YBĐT - Thực hiện chính sách hỗ trợ công tác dân số/kế hoạch hóa gia đình (DS/KHHGĐ) tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2013 - 2016, một số khó khăn trong công tác dân số trên địa bàn đã dần được tháo gỡ.
Cán bộ xã Xuân Tầm, huyện Văn Yên thực hiện tuyên truyền về DS/KHHGĐ tại hộ gia đình.
(Ảnh: Thanh Ba)
|
Cùng với Chương trình quốc gia dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS/KHHGĐ), thực hiện Nghị quyết 29/2012/NQ-HĐND ngày 12/12/2012 của HĐND tỉnh Yên Bái về “Một số chính sách hỗ trợ công tác DS/KHHGĐ tỉnh Yên Bái giai đoạn 2013 - 2016”, hàng năm, ngành y tế xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cho các huyện, các đơn vị trong ngành và hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình DS/KHHGĐ, nhất là triển khai chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản (SKSS)/KHHGĐ đến vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có mức sinh cao của tỉnh. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác DS/KHHGĐ của tỉnh.
Yên Bái là tỉnh miền núi nghèo, nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống nên với công tác DS/KHHGĐ, nhận thức của người dân còn hạn chế, nhất là ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy đã đạt mức sinh thay thế, nhưng mức sinh giữa các vùng miền còn có khoảng cách lớn, đối với địa bàn vùng cao, vùng khó khăn như huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, tỷ suất sinh thô có thời điểm vẫn ở mức trên 20%o, tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm chậm và chưa thực sự vững chắc.
Mặt khác, việc cung ứng thuốc thiết yếu và vật tư tiêu hao cho cơ sở còn chậm so với kế hoạch triển khai các hoạt động cung cấp dịch vụ KHHGĐ của cơ sở.
Định mức thuốc thiết yếu và vật tư tiêu hao thấp so với chi phí thực tế dẫn đến đối tượng thực hiện dịch vụ không được cấp đủ thuốc theo danh mục quy định. Kinh phí hỗ trợ từ trung ương bị cắt giảm, trong khi nguồn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh còn hạn hẹp, do vậy, công tác DS/KHHGĐ gặp rất nhiều khó khăn.
Thực hiện chính sách hỗ trợ công tác DS/KHHGĐ tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2013 - 2016, một số khó khăn trong công tác dân số trên địa bàn đã dần được tháo gỡ.
Bên cạnh thực hiện một số chính sách như: chi trả chế độ hỗ trợ cho đối tượng áp dụng các biện pháp tránh thai (triệt sản, đặt vòng, cấy thuốc tránh thai), chính sách đối với cộng tác viên DS/KHHGĐ, chính sách khuyến khích, khen thưởng đối với xã, phường, thị trấn… đã kịp thời khích lệ các địa phương, đội ngũ cán bộ thực hiện có kết quả cao công tác DS/KHHGĐ và các trường hợp áp dụng các biện pháp tránh thai.
Đặc biệt quan tâm và tạo điều kiện cho công tác DS/KHHGĐ phải kể đến một số địa phương như: huyện Trạm Tấu với Đề án tiếp tục đẩy mạnh công tác DS/KHHGĐ huyện Trạm Tấu giai đoạn 2013 - 2016; huyện Văn Yên với chủ trương tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đối với công tác DS/KHHGĐ, phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giai đoạn 2013 - 2016, định hướng đến năm 2020; huyện Mù Cang Chải với quy định mức khen thưởng công tác DS/KHHGĐ, giai đoạn 2013 - 2016…
Bên cạnh thực hiện tốt các chính sách được phê duyệt, công tác cung cấp dịch vụ KHHGĐ cũng được tăng cường, mở rộng, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực nâng cao trình độ cho các đơn vị y tế từ tỉnh đến cơ sở. Đội ngũ cán bộ tham gia cung cấp dịch vụ KHHGĐ đều được đào tạo cơ bản và nâng cao, các trạm y tế tuyến xã đều có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi.
Công tác cung ứng thuốc, phương tiện tránh thai và vật tư tiêu hao cho dịch vụ KHHGĐ được đảm bảo. Qua đó, có trên 47.000 đối tượng thường xuyên được cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại duy trì trên 70% và tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ KHHGĐ của người dân ở các xã khó khăn bằng việc tổ chức các đợt truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ.
Đến nay, tuy Yên Bái đã đạt mục tiêu về giảm sinh trong kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược dân số và SKSS Việt Nam; vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh bước đầu đã được khống chế; các vấn đề về tác hại của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sự cần thiết của việc kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số của tỉnh… đã được tuyên truyền sâu rộng đến cộng đồng.
Nhưng để nâng cao chất lượng dân số, Yên Bái cần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành ở các cấp để tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân thực hiện chính sách DS/KHHGĐ, quan tâm đúng mức đến nhóm đối tượng vị thành niên, thanh niên; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm hạn chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, thực hiện đa dạng các biện pháp tránh thai và kênh cung cấp nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân; duy trì và mở rộng các mô hình có hiệu quả về giảm sinh, các mô hình về nâng cao chất lượng dân số; đầu tư, huy động kinh phí đảm bảo cho công tác DS/KHHGĐ, chăm sóc SKSS từ nhiều nguồn.
Đặc biệt, tỉnh cần đầu tư xây dựng, nâng cấp và bổ sung trang thiết bị cho các trạm y tế tuyến xã, đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ về công tác DS/KHHGĐ tại địa phương, nhất là đầu tư kinh phí nhằm mục tiêu giảm sinh đối với vùng cao và mở rộng các mô hình nâng cao chất lượng dân số trong thời gian tới.
Khánh Linh
Các tin khác
YBĐT - Dự kiến 5 năm còn lại (từ năm 2016 - 2021), mỗi năm tỉnh Yên Bái sẽ phải tinh giản 769 biên chế.
YBĐT - Trong 3 tháng qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái đã khám, điều trị bệnh cho gần 20.000 lượt bệnh nhân, trong đó bệnh nhân điều trị nội trú trên 5.000 lượt, công suất sử dụng giường bệnh luôn đạt trên 80%.
YBĐT - Từ năm 2011 đến nay, tỉnh Yên Bái tiếp nhận 11 dự án và các khoản viện trợ từ nhà đầu tư Hàn Quốc với tổng số vốn trên 1.864 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tiếp nhận đầu tư cho 8 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư gần 800 tỷ đồng; lĩnh vực hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) 1 dự án với tổng số vốn trên 1.000 tỷ đồng và lĩnh vực phi chính phủ (NGO) 3 dự án với tổng vốn đầu tư trên 2 tỷ đồng.
YBĐT - Tiếp tục chương trình giám sát, ngày 12/12, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Yên Bái do đồng chí Đinh Đăng Luận – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn đã đi giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 – 2016 tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.