Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế làm chủ công nghệ sản xuất vắcxin
- Cập nhật: Thứ tư, 28/12/2016 | 2:16:45 PM
Ngày 27/12, theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng ban Chỉ đạo các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia yêu cầu Bộ Y tế làm chủ công nghệ và tổ chức sản xuất vắcxin phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Quy trình sản xuất và kiểm định chất lượng vắcxin bán thành phẩm.
|
Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia tại cuộc họp Ban Chỉ đạo các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ, ngành có liên quan tập trung rà soát các nhiệm vụ, dự án nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chế tạo, sản xuất các sản phẩm khoa học và công nghệ.
Cụ thể, Bộ Y tế làm chủ công nghệ và tổ chức sản xuất vắcxin; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu phát triển về giống cây trồng, vật nuôi; Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, lựa chọn một số công nghệ, thiết bị về an toàn thông tin đặc thù để làm chủ công nghệ và sản xuất thiết bị chuyên biệt của Việt Nam...
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, các bộ, ngành liên quan rà soát các nhóm nhiệm vụ: các nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên quan đến bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân; các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về bảo đảm quốc phòng, an ninh trong đó bao gồm cả các vấn đề về an toàn, an ninh thông tin; các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp; các nhiệm vụ khoa học và công nghệ khác liên quan tới các ngành công nghiệp, kinh tế-kỹ thuật như giao thông, năng lượng, xây dựng…
Các chương trình, nhiệm vụ của chương trình cần xây dựng có trọng điểm, tập trung nguồn lực đầu tư, bảo đảm các dự án và sản phẩm phải thực sự đạt tầm quốc gia, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của đất nước.
Trước mắt, các Bộ tập trung chỉ đạo, phối hợp các cơ sở nghiên cứu, các doanh nghiệp, ưu tiên tổ chức nghiên cứu, phát triển một số dự án, sản phẩm.
HIện nay, Việt Nam đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp Chứng nhận Hệ thống quản lý quốc gia về vắcxin (NRA).
Năm 2016, Việt Nam đã đánh dấu mốc quan trọng trên bản đồ các quốc gia sản xuất vắcxin khi tự sản xuất được vắcxin MR chất lượng cao ứng dụng công nghệ Nhật Bản.
Việt Nam là một trong 25 quốc gia sản xuất được vắcxin trên thế giới và là nước thứ 4 tại châu Á có thể sản xuất vắcxin MR sau Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc.
Đến nay, Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia tại Việt Nam đã triển khai 12 loại vắcxin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, trong đó có 10 loại vắcxin do Việt Nam sản xuất trong nước.
Đó là vắcxin phòng các bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản B, tả, thương hàn. Tất cả các vắcxin dù là sản xuất trong nước hay nhập khẩu, trước khi đưa vào sử dụng đều phải được Bộ Y tế cấp phép và trải qua những kiểm định nghiêm ngặt, đảm bảo điều kiện về tính an toàn và hiệu quả.
Với các vắcxin sản xuất trong nước được sử dụng trong tiêm chủng mở rộng từ năm 1985 đến nay, Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt từ năm 2000, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
Để chủ động ngăn ngừa sự lây truyền của vi rút cúm gia cầm sang người trong dịp cuối năm 2016 và mùa lễ hội đầu năm 2017, ngày 27/12 Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng chống.
BHXH Việt Nam đề nghị bảo hiểm xã hội (BHXH) các cấp tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo việc cấp mới, gia hạn thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và chuyển trả thẻ BHYT cho người tham gia trước ngày 31/12/2016.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương tối 27-12, bão số 10 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới hoạt động cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 190km về phía bắc.
YBĐT - Yên Bái là một trong 13 tỉnh của cả nước triển khai thực hiện Dự án Hỗ trợ y tế các tỉnh đồng bằng sông Hồng và Đông bắc bộ gọi tắt là Dự án Norred. Dự án được triển khai tại tỉnh Yên Bái từ năm 2013 đến năm 2019. Sau hơn 3 năm triển khai, các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh đã được Dự án hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và tập huấn nâng cao trình độ.