Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ: Điểm tựa cho tương lai
- Cập nhật: Thứ năm, 16/2/2017 | 10:48:50 AM
YBĐT - Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú (DTNT) Nghĩa Lộ đang từng bước khắc phục khó khăn, phấn đấu đưa chất lượng đào tạo nghề lên tầm cao mới, trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu trong hệ thống đào tạo nghề toàn tỉnh.
Giáo viên nhà trường hướng dẫn kỹ thuật cho học sinh lớp dạy nghề may.
|
Đến thăm Trường Trung cấp Nghề DTNT Nghĩa Lộ vào những ngày đầu xuân mới, chúng tôi cảm nhận được không khí tươi vui, phấn khởi của các thầy, cô giáo và các em học sinh, học viên nơi đây. Môi trường sư phạm khang trang, sạch đẹp cùng phong cách giảng dạy, học tập chuyên nghiệp khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi của nhà trường.
Vài năm về trước, Trường chỉ là một trung tâm dạy nghề nghèo nàn với cơ sở vật chất lạc hậu, nhiều thiếu thốn thì giờ đây, những dãy nhà cao tầng là phòng học cho học sinh, phòng làm việc của giáo viên hay khu ký túc xá cho học sinh, học viên đã hiện lên trong một không gian rộng rãi được quy hoạch khoa học, hoàn chỉnh...
Ông Lâm Tuấn Khanh - Hiệu trưởng nhà trường vừa dẫn chúng tôi đi thăm các khu phòng học văn hoá, phòng thực hành nghề may, nghề điện, nghề sửa chữa xe... vừa chia sẻ: “Được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành, đặc biệt của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, nhà trường hiện đã có một đội ngũ giáo viên nhiệt tình, tâm huyết với nghề, đoàn kết và thương yêu học sinh với quyết tâm vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chúng tôi xây dựng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy nghề theo 4 tiêu chí: phẩm chất chính trị, đạo đức - năng lực chuyên môn - nghiệp vụ sư phạm - khả năng nghiên cứu khoa học".
Được biết, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động tự học, tự bồi dưỡng của cán bộ, giáo viên; tăng cường cử giáo viên đi đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, hình thành sinh hoạt chuyên môn ở các khoa, phòng, tổ bộ môn; quy định cụ thể hoạt động chuẩn bị kế hoạch đào tạo...
Có thể dễ dàng nhận thấy nỗ lực của tập thể Ban Giám hiệu, cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường trong công tác giảng dạy, đào tạo nghề thông qua kết quả rất khả quan trong việc thực hiện nhiệm vụ năm 2016 vừa qua.
Đó là, tuyển sinh được 54 lớp với 1.912 học sinh, học viên; tổ chức đào tạo và liên kết, hỗ trợ, phối hợp đào tạo cho tổng số 74 lớp với 2.309 lượt học sinh, sinh viên, học viên; tổ chức thành công Lễ trao bằng tư vấn và giới thiệu việc làm cho học sinh các lớp K4 niên khóa (2013 - 2016) và liên kết, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, các công ty và tổng công ty, đơn vị tuyển dụng lao động thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm, thực tập nâng cao kỹ năng nghề trong thời gian học và tiếp nhận học sinh vào làm việc sau khi tốt nghiệp.
Kết quả học sinh, học viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt 80%, trong đó trung cấp nghề đạt 70%, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng đạt 90%...
Để có được kết quả đó, ngay từ đầu các năm học, nhà trường đã chú trọng tổ chức kiện toàn hội đồng tuyển sinh và xây dựng kế hoạch tuyển sinh. Theo đó, song song với việc tập trung quyết liệt cho công tác tuyển sinh hàng năm bằng cách phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tham gia vận động, chiêu sinh và tổ chức tư vấn hướng nghiệp tại các thôn, bản, giới thiệu về các ngành nghề đào tạo trong giờ sinh hoạt ngoại khóa.
Cùng với xây dựng mô hình liên kết đào tạo giữa nhà trường, doanh nghiệp và địa phương, nhà trường còn tăng cường trong công tác tuyên truyền đưa chương trình đào tạo nghề gắn với việc làm và giảm nghèo đến tận cộng đồng dân cư, tạo ra sức mạnh tổng hợp trong công tác dạy nghề ở địa phương.
Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ giáo viên tham gia các lớp nâng cao trình độ trau dồi kiến thức, kỹ năng quản lý dạy nghề nhằm chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề.
Đẩy mạnh nâng cao chất lượng đào tạo, tiếp tục duy trì và tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo nghề, công tác chăm nuôi học sinh DTNT; từng bước chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy nghề, dạy văn hóa, dạy nghề phổ thông; tổ chức tốt việc ăn, ở, sinh hoạt, chăm lo sức khỏe cho học sinh nội trú ở trong trường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức nơi ở của học sinh sạch sẽ, gọn gàng, hợp vệ sinh; xây dựng môi trường nội trú có văn hóa, văn minh, có ý thức tổ chức kỷ luật cao, không có tệ nạn xã hội; thường xuyên chăm lo đến các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, tổ chức các chương trình ngoại khóa, giao lưu, câu lạc bộ, dưới nhiều hình thức sân chơi bổ ích, lý thú, tạo không khí vui tươi sôi nổi trong trường... là những mục tiêu cơ bản trong năm học mới mà nhà trường đề ra.
Hy vọng, với sự đoàn kết, thống nhất và nỗ lực, quyết tâm cao trong công tác đào tạo, Trường Trung cấp Nghề DTNT Nghĩa Lộ sẽ ngày càng lớn mạnh và thực sự là điểm tựa vững chắc cho tương lai của con em đồng bào các dân tộc địa phương.
Thiên Cầm
Các tin khác
YBĐT - Nếu có thể nới rộng mức khoán quỹ khám bảo hiểm y tế ở tuyến xã để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh thì các cấp, các ngành liên quan cần xem xét, điều chỉnh để việc chăm sóc sức khỏe nhân dân ở cơ sở tốt hơn nữa.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình thực hiện Kết luận số 05-KL/TW ngày 15/7/2016 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm đến năm 2020.
YBĐT - Năm 2016 vừa qua, Phong trào “Toàn dân BVANTQ” trên địa bàn Yên Bái phát triển sâu rộng, từ phố phường tỉnh lỵ đến thôn, bản vùng cao, người dân đều nâng cao ý thức cảnh giác, tích cực tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm. Phong trào quần chúng phát triển sâu rộng, trong đó có 121 mô hình, điển hình.
YBĐT - Lục Yên không phải là địa bàn có số lượng lớn án phải thi hành nhưng những năm trở lại đây, số án được các cơ quan chức năng chuyển đến cơ quan thi hành án có chiều hướng gia tăng cả về số việc và tiền phải thi hành, trung bình gần 500 việc/năm.