Trung tâm Y tế Trấn Yên: Nâng cao hiệu quả hoạt động qua ứng dụng công nghệ thông tin
- Cập nhật: Thứ sáu, 17/2/2017 | 12:56:22 PM
YBĐT - Từ nhiều năm qua, cùng những biện pháp nâng cao y đức, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Trấn Yên luôn được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu trong việc đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), qua đó chất lượng quản lý điều hành công việc cũng như chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân của Trung tâm được tốt hơn.
Cán bộ Trung tâm Y tế Trấn Yên làm thủ tục khám bệnh cho bệnh nhân.
|
Cùng quản lý 250 cán bộ, y, bác sỹ tại 11 khoa và 5 phòng chức năng, TTYT Trấn Yên còn chịu trách nhiệm quản lý 22 trạm y tế xã trong huyện. Hàng ngày, lượng bệnh nhân đến Trung tâm khám và điều trị khá cao, từ 180 đến 250 người khám và từ 70 đến 100 bệnh nhân điều trị nội trú.
Xác định việc ứng dụng CNTT là giải pháp quan trọng trong quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, từ năm 2011 đến nay, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Y tế, Viễn thông Yên Bái, Trung tâm đã đầu tư trang thiết bị, ứng dụng phần mềm HIS vào quản lý khám, chữa bệnh tại các khâu: tiếp nhận, quản lý bệnh nhân, quản lý xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, hỗ trợ quyết định y khoa, quản lý dược, quản lý tài chính kế toán, quản lý tài sản cố định và hỗ trợ báo cáo tổng hợp, chi tiết công việc hành chính và chuyên môn…
Có thể nói, việc ứng dụng phần mềm HIS đã giúp việc quản lý điều hành thuận lợi, tuy nhiên theo thời gian, việc ứng dụng đã xuất hiện những bất cập, ông Phạm Văn Thái - Phó Giám đốc TTYT huyện Trấn Yên cho biết: “Việc thực hiện ứng dụng này tại Trung tâm vẫn còn một hạn chế là hệ thống máy vi tính không đồng bộ hoặc quá lạc hậu, trình độ tin học của đội ngũ cán bộ còn chưa cập, dẫn tới việc triển khai các phần mềm ứng dụng gặp khó khăn. Nhất là tại các trạm y tế, phần lớn các máy vi tính chủ yếu được dùng để giải quyết công việc của văn thư lưu trữ, chứ chưa giúp nhiều cho công tác quản lý và phục vụ công tác khám, chữa bệnh”.
Giải quyết vấn đề này, TTYT huyện Trấn Yên đã chủ động tìm kiếm các đối tác để đưa các phầm mềm chuyên dụng phù hợp hơn trong quản lý bệnh viện vào thực tế. Trong đó phần mềm ONE MET là một giải pháp tốt mới được Trung tâm lựa chọn ứng dụng bổ sung trong quản lý bệnh viện hiện nay. Với hai phần mềm là HIS của VNPT và ONE MET đã thiết lập được một hệ thống quản lý chuyên sâu mọi mặt trong hoạt động của Trung tâm. Cụ thể, mọi thông tin về bệnh nhân đến khám và điều trị được máy tính tự động cập nhật tới tất cả các khoa khám bệnh, hồ sơ bệnh nhân liên tục được bổ xung.
Về vấn đề này điều dưỡng Đỗ Thị Hồng Nhung - Trưởng khoa Khám bệnh của Trung tâm nhận xét: “Thực tế cho thấy, việc quản lý bệnh viện luôn là một trong nhưng lĩnh vực phức tạp với nhiều nội dung, đặc biệt là những thủ tục hành chính viết tay, các loại công văn, giấy tờ và các dữ liệu phục vụ công tác nghiên cứu khoa học. Việc ứng dụng CNTT là giải pháp hữu hiệu để khắc phục những hạn chế trên. Bằng những biện pháp đồng bộ, đến nay hiệu quả công tác quản lý và khám, chữa bệnh của Trung tâm được nâng cao rõ rệt”.
Cụ thể, thời gian chờ khám khi chưa ứng dụng CNTT trung bình là 15 phút, đến nay đã giảm hơn nửa; thời gian chờ cấp thuốc trước là 45 phút nay còn khoảng 10 phút; thời gian làm thủ tục xuất viện trước từ 20 đến 45 phút, nay chỉ còn 15 phút.
Đặc biệt, việc kê đơn thuốc trước đây nhiều người kêu ca về chữ bác sĩ xấu, khó đọc nay nhờ áp dụng mô hình quản lý bằng CNTT mà đơn thuốc được in trên giấy qua phần mềm rất dễ đọc, lãnh đạo Trung tâm lại dễ dàng quản lý việc kê đơn thuốc, hạn chế tình trạng các đơn thuốc chưa hợp lý đến tay người bệnh và giúp kiểm soát sử dụng thuốc hợp lý an toàn.
Ngoài ra, việc ứng dụng CNTT trong quản lý chuyên môn còn gồm nhiều phân hệ nhỏ, giúp cho cả bệnh nhân, y tá, bác sĩ và đội ngũ quản lý tiết kiệm được thời gian, công sức, có điều kiện tập trung vào công việc chuyên môn, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Còn kỹ sư công nghệ thông tin Nguyễn Văn Huy - kỹ thuật viên chính trong vận hành hệ thống CNTT tại Trung tâm cho biết: “Thông qua hệ thống CNTT này, thông tin từ Trung tâm tới các trạm y tế xã cũng được nhanh chóng và chính xác, tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực. Bên cạnh đó, hệ thống CNTT được xây dựng và triển khai với tính định hướng cao, tầm nhìn lâu dài, cho phép quản lý tổng thể toàn bộ thông tin hoạt động và có thể mở rộng và quảng bá hình ảnh bệnh viện. Quản lý khép kín nội bộ và tiến tới kết nối Trung tâm với các cơ sở y tế, tổ chức, cá nhân bên ngoài thông qua môi trường Internet”.
Có thể khẳng định, việc mạnh dạn đi đầu ứng dụng thành công về tin học trong quản lý điều hành tại TTYT huyện Trấn Yên đã góp phần tích cực vào nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và khả năng phục vụ người dân. Nhờ ứng dụng CNTT, không chỉ tăng hiệu quả điều hành của đơn vị mà người bệnh được hưởng lợi do giảm được thời gian chờ khám bệnh, thanh toán viện phí, được cung cấp đầy đủ thông tin về chi phí được quỹ BHYT chi trả, tham gia giám sát quyền lợi được hưởng, các chi phí ngoài quy định được phát hiện và xử lý kịp thời, tránh được tình trạng lạm dụng quỹ BHYT, tạo được niềm tin tưởng của bệnh nhân và gia đình bệnh nhân. Mong rằng các TTYT trên địa bàn đều có những ứng dụng CNTT phù hợp để phục vụ người bệnh tốt hơn.
Nguyễn Đình
Các tin khác
YBĐT - Kết thúc học kỳ I năm học 2016 - 2017, ngành giáo dục thị xã Nghĩa Lộ đã đạt được nhiều thành tích khá nổi bật. Đó là kết quả của nhiều giải pháp đã được ngành triển khai ngay từ đầu năm học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của thị xã.
YBĐT - Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (năm 1979), tỉnh Hoàng Liên Sơn, (đến năm 1991 chia tách thành tỉnh Yên Bái và Lào Cai) - địa bàn giáp với biên giới của Trung Quốc, bị địch đánh phá ác liệt.
YBĐT - Nhớ lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”, các cựu chiến binh (CCB) khi xuất ngũ trở về địa phương đều phấn đấu để không là gánh nặng của gia đình và xã hội. Bằng nỗ lực và ý chí, họ đã vươn lên trong cuộc sống, tiếp tục đóng góp sức mình cho quê hương. Trong số đó, có không ít CCB là người tiên phong trong phát triển kinh tế.
YBĐT - Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Yên Bình hiện đang quản lý và tổ chức chi trả thường xuyên hàng tháng cho trên 4.000 đối tượng hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH với số tiền trên 85 tỷ đồng/năm. Ngoài ra còn chi trả các chế độ ngắn hạn cho người lao động tham gia đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) như: ốm đau, thai sản, dưỡng sức...