Cơ hội cho trẻ khuyết tật

  • Cập nhật: Thứ tư, 1/3/2017 | 1:48:47 PM

YBĐT - Huyện Trấn Yên và Lục Yên là 2 địa phương của tỉnh thời gian qua đã được tham gia triển khai Dự án “Nâng cao năng lực về phát hiện sớm, can thiệp sớm (PHS, CTS) khuyết tật trẻ em dưới 6 tuổi” do tổ chức FELM tài trợ, cơ quan chủ quản là Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam và đơn vị chủ Dự án là Trung tâm VietHelth phối hợp cùng Sở Y tế Yên Bái.

 “Mình sinh con tháng 3/2015, lúc mới sinh, con mình vẫn khỏe mạnh bình thường nhưng tới tháng thứ 5, thứ 6 vẫn thấy người con mềm nhũn, chỉ bế ngửa, không bế ngồi được. Mình cho con đi khám, bác sĩ bảo bị teo xương. Tới khoảng đầu năm 2016 mình được cán bộ Trạm Y tế xã giới thiệu và mời tham gia chương trình can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật. Được các cán bộ hướng dẫn tập phục hồi chức năng cho con, đến nay, con mình đã bế ngồi được một lúc, cơ thể cứng cáp hơn” - đó là tâm sự của chị Hà Thị Ánh ở xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên, một trong số rất nhiều gia đình được tham gia Dự án “Nâng cao năng lực về PHS, CTS khuyết tật trẻ em dưới 6 tuổi” trên địa bàn tỉnh.

Tại huyện Trấn Yên, Dự án đã triển khai đến 100% xã thị trấn. Nhờ đó, trên 9.100 trẻ dưới 6 tuổi được khám sàng lọc, qua đó phát hiện 362 trẻ có dấu hiệu khuyết tật tại cộng đồng. Sau khi được chuyên gia Dự án đánh giá có 154/ 362 trẻ trong diện phải phục hồi (trong đó, 39 trẻ cần phục hồi chức năng và 115 trẻ cần giáo dục đặc biệt).

Cũng như Lương Thịnh, xã Minh Tiến, huyện Trấn Yên đã được tham gia Dự án. Chị Nguyễn Thị Dung ở thôn Minh Tân, xã Minh Tiến tâm sự, con chị sau 6 tuần theo học lớp một tại trường tiểu học trên địa bàn xã mà không nhận thức được điều cô giáo giảng, không biết đọc, không biết viết, không giao tiếp, vui chơi cùng bạn bè. Được tham gia và tập huấn kiến thức về kỹ năng chăm sóc trẻ chậm phát triển, chị Dung đã thay đổi phương pháp dạy và chăm sóc con tại nhà.

Đến nay, cháu đã theo học được và vui chơi, hòa đồng cùng bạn bè. Bên cạnh việc giúp các phụ huynh có phương pháp giáo dục hay chăm sóc con tại nhà như cách nói chuyện, giao tiếp với con đối với những trẻ cần giáo dục đặc biệt hay là cách xoa bóp chân tay, dạy con tập nói, tập đi đối với những trẻ cần phục hồi chức năng. Dự án còn triển khai tập huấn kỹ năng, lý thuyết về phục hồi chức năng, giáo dục đặc biệt cho các cô giáo mầm non. Sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình sẽ tạo cơ hội tốt nhất cho sự tiến triển của trẻ khuyết tật.

Không chỉ vậy, đối với những trẻ cần can thiệp từ các chuyên gia, các em sẽ được chuyển tuyến, khám, tư vấn và phẫu thuật phục hồi chức năng. Trong quá trình triển khai, Dự án đã gặp rất nhiều thuận lợi như sự ủng hộ từ các cấp, các ngành, sự phối kết hợp từ phía gia đình cũng như nhà trường.

Tuy nhiên, Dự án cũng vấp phải không ít khó khăn. Chia sẻ về những khó khăn ấy, chị Nguyễn Hồng Linh - Quản lý Dự án VietHealth ở Yên Bái cho biết: “Khi mới triển khai, Dự án gặp trở ngại lớn do khái niệm PHS, CTS còn rất xa lạ đối với các phụ huynh trẻ khuyết tật và phần lớn giáo viên mầm non cũng như cộng đồng dân cư.

Bên cạnh đó, Dự án bị cắt giảm một phần ngân sách cũng là khó khăn không nhỏ. Tuy nhiên, dưới sự nỗ lực, chung tay phối hợp từ phía bác sĩ, giáo viên, tình nguyện viên và các gia đình, rất nhiều em nhỏ sau khi tham gia Chương trình đã có thay đổi đáng kể”.

Em Nguyễn Thanh Bình, sinh năm 2014 ở xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên là một trong những trường hợp thành công điển hình khi tham gia Dự án. Em Bình bị bệnh não úng thủy, cơ thể rất yếu, nhận biết rất hạn chế, chưa ngồi được, không đứng được. Sau khi được can thiệp giáo dục hòa nhập và tập phục hồi chức năng em đã có thể nói được vài từ, thực hiện được yêu cầu khi có hướng dẫn, đã có thể đứng được, đi được 1, 2 bước và hai tay cầm nắm tốt.

PHS, CTS là rất cần thiết, tạo ra sự tác động tích cực đến toàn bộ sự phát triển của trẻ, trong đó có sự phát triển về xã hội, tình cảm, thể chất và trí tuệ. Đồng thời, có thể giúp cho trẻ theo kịp mức độ phát triển thông thường hoặc có thể ngăn cản mức độ trì trệ không trở nên trầm trọng hơn.

Sau 2 năm triển khai trên địa bàn tỉnh, Dự án “Nâng cao năng lực về PHS, CTS khuyết tật trẻ em dưới 6 tuổi” đã góp phần quan trọng giúp cho các bậc cha mẹ nâng cao nhận thức về khuyết tật ở trẻ nhỏ, trẻ khuyết tật có cơ hội tiếp cận phương pháp mới, được can thiệp từ thời điểm sớm nhất giúp trẻ theo kịp mức độ phát triển thông thường, ngăn cản mức độ trì trệ không trở nên trầm trọng hơn.

Mặc dù Dự án đã kết thúc, tuy nhiên từ những cán bộ nguồn, giảng viên nguồn đã được tập huấn, được tiếp cận các kỹ năng tại các địa phương của 2 huyện Trấn Yên và Lục Yên thì thành công và hiệu quả của Dự án vẫn tiếp tục được nhân rộng và hữu ích bởi hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất nhiều trẻ khuyết tật cần được can thiệp sớm.

Lê Thương

Các tin khác
Cán bộ Quân y, Bộ CHQS tỉnh Yên Bái, khám bệnh cho nhân dân tại Xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

YBĐT - Hiệu quả từ phong trào thi đua xây dựng “Đơn vị Quân y 5 tốt” đã bảo đảm tốt sức khỏe cho bộ đội, là động lực để thúc đẩy phong trào thi đua “Ngành hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”.

YBĐT -12 xã hoàn thành tổ chức đại hội Hội cựu chiến binh là Yên Thắng, Khai Trung, Minh Tiến, Minh Chuẩn, Lâm Thượng, Khánh Hòa, Phan Thanh, Liễu Đô, Động Quan, Tân Lập, Phúc Lợi, An Phú

Vắc-xin và tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong.

YBĐT - Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, nhiều năm qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái luôn nỗ lực triển khai, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm kiểm soát, khống chế dịch bệnh không để dịch lớn xảy ra, đảm bảo việc bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh.

Hiện có hơn 21.000 sinh viên người Việt theo học tại Mỹ, đưa Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia đông du học sinh nhất tại Mỹ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục