Hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống lao 24/3:

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục sức khỏe phòng chống lao

  • Cập nhật: Thứ năm, 23/3/2017 | 8:11:30 AM

YBĐT - Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong lớn thứ hai trên thế giới sau HIV/AIDS. Tại Việt Nam, Tổ chức Y tế Thế giới ước tính mỗi năm có khoảng 180.000 người mắc lao, gần 6.000 bệnh nhân lao kháng đa thuốc và 20.000 người tử vong do bệnh lao.

Thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh.
Thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh.

Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống Lao (24/3), phóng viên (P.V) Báo Yên Bái có cuộc trao đổi với ông Phan Văn Sơn - Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi xung quanh vấn đề này.

P.V: Xin ông cho biết khái quát về bệnh Lao và tình hình bệnh lao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 - 2016 như thế nào?

Ông Phan Văn Sơn: Là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao đã được y học nói đến từ vài nghìn năm trước, đến nay bệnh lao vẫn gây ra cái chết với gần 2 triệu người trên thế giới mỗi năm. Ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy khoảng 1/3 dân số thế giới hiện đã bị nhiễm lao, mỗi năm có thêm hơn 9 triệu người mắc bệnh và gần 80% số người mắc bệnh lao là từ 15 - 54 tuổi.

Ở Việt Nam, bệnh lao vẫn còn phổ biến và đến nay có 46 người chết do lao mỗi ngày. Đặc biệt, số người bị nhiễm vi khuẩn lao kháng thuốc và kháng đa thuốc là hơn 50 triệu người trên toàn cầu. Bệnh lao kháng đa thuốc điều trị tốn tiền gấp trăm lần và có tỷ lệ lành bệnh thấp. Tuy nhiên, bệnh nhân Lao được điều trị khỏi và hoàn thành điều trị đạt tỷ lệ cao gần 95%.

Với những cố gắng và những bước phát triển không ngừng trong thời gian qua, ngành y tế tỉnh Yên Bái đã đạt nhiều thành tựu trong việc kiểm soát bệnh lao. Tuy nhiên, hiện trên toàn tỉnh vẫn có khoảng 600 trường hợp nhiễm lao mới được phát hiện hàng năm. Tỷ lệ mắc lao của Yên Bái ở mức 42 bệnh nhân/ 100.000 dân. Bệnh lao có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, chữa đúng phương pháp, đủ thời gian.

Ngược lại, có thể trở thành lao kháng thuốc, lao siêu kháng thuốc hoặc tử vong nếu không được phát hiện sớm, không điều trị đúng phương pháp và không đủ thời gian. Tuy bệnh lao không còn nguy hiểm nhưng cần phải phòng tránh không để biến chứng: tràn dịch khí màng phổi, ho ra máu và xơ phổi.

Trong 5 năm qua, Bệnh viện đã phát hiện, thu nhận mới khoảng 320 bệnh nhân lao mới/ năm. Trong đó, có khoảng 55% là lao phổi AFB (+), hàng năm quản lý và điều trị khoảng 600 bệnh nhân lao, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch. Riêng năm 2016, số người nghi mắc lao là trên 3.000 người, có khoảng 600 người mắc bệnh lao.

P.V: Hiện nay, chương trình phòng, chống lao tại tỉnh Yên Bái còn gặp những khó khăn và thách thức gì thưa ông?

Ông Phan Văn Sơn: Yên Bái là một tỉnh miền núi giao thông đi lại khó khăn; trình độ dân trí không đồng đều, còn nhiều tập quán lạc hậu đã làm ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh (KCB) và phòng bệnh. Bệnh lao và các bệnh về phổi trong những năm gần đây có chiều hướng còn cao, đặc biệt lao đồng nhiễm HIV/AIDS.

Bên cạnh những thuận lợi, chương trình phòng chống lao trên địa bàn còn gặp những khó khăn và thách thức. Trước hết phải kể đến thiếu hụt cán bộ có chất lượng cao, cụ thể là thiếu bác sỹ. Hiện cả đơn vị chỉ có 7 bác sỹ nhưng Bệnh viện đã cố gắng đảm bảo về chất lượng trên cả hai lĩnh vực: điều trị và chỉ đạo tuyến.

Mặt khác, ở tuyến huyện, do đã được sáp nhập giữa trung tâm y tế với bệnh viện đa khoa huyện, cán bộ làm công tác chuyên khoa lao cần được đào tạo thêm để bảo đảm thực hiện mục tiêu của chương trình chống lao quốc gia đề ra.

Tiếp đến, kinh phí công tác phòng chống lao hiện nay chỉ có thể đáp ứng được một phần nhu cầu thực tế, trong khi đó các khoản chi trả cho con người bao gồm lương và các khoản phụ cấp theo lương như: độc hại, đặc thù, bảo hộ lao động, bồi dưỡng bằng hiện vật, trực, các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… chiếm 87,9% tổng số kinh phí được cấp.

Song song với đó, mô hình bệnh tật diễn biến phức tạp như ung thư phổi, giãn phế quản, ung thư phế quản và lao phổi, bệnh lao đồng nhiễm HIV... Đặc biệt, người dân còn chủ quan, vẫn có thói quen tự chữa bệnh không cần thầy thuốc. Quan trọng hơn, nhận thức của cộng đồng về công tác phòng chống lao còn hạn chế.

P.V: Xin ông cho biết giải pháp thực hiện tốt công tác phòng, chống lao trên địa bàn?

Ông Phan Văn Sơn: Để công tác phòng chống lao đạt hiệu quả hơn nữa, Bệnh viện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết, tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức của Bệnh viện cho phù hợp với tình hình thực tế; đề nghị tăng số giường điều trị lên 70 giường bệnh; bố trí lực lượng cán bộ hợp lý để làm tốt công tác KCB tại Bệnh viện, đồng thời làm tốt công tác chỉ đạo tuyến chương trình mục tiêu quốc gia tại cơ sở; tăng cường đào tạo để có đủ cán bộ có trình độ chuyên môn cao; cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh...

Đối với giải pháp về chuyên môn, Bệnh viện tiếp tục triển khai thực hiện tốt quy định của Bộ Y tế về nâng cao chất lượng KCB; nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ để làm tốt công tác KCB, sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng phù hợp; tranh thủ sự hỗ trợ từ Bệnh viện Phổi Trung ương và Dự án Phòng chống lao quốc gia cho công tác KCB và phòng chống lao và các bệnh phổi; tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe phòng chống bệnh lao để làm giảm sự gia tăng của bệnh, đặc biệt là đẩy mạnh các hoạt động của Dự án Thực hành xử trí tốt bệnh hô hấp (PAL), triển khai thêm các hoạt động của chiến lược PAL tại các xã của huyện Văn Chấn và Trấn Yên; tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe phòng chống lao và các bệnh hô hấp trong nhân dân và người bệnh đến KCB tại Bệnh viện, dưới nhiều hình thức, nhiều kênh thông tin, nhằm duy trì thành quả công tác chống lao đã đạt được từ nhiều năm nay.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Trần Minh (thực hiện)

Các tin khác
Lực lượng chức năng giám sát việc tiêu hủy sản phẩm.

Chiều 19/4, Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái phối hợp cùng cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy gần 7 tấn chân gà đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đoàn công tác Hội CCB tỉnh Ninh Thuận tham quan gian trưng bày hiện vật lịch sử giải đoạn 1954 - 1975 tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái.

Trong hành trình về nguồn tại các tỉnh phía Bắc nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/154 - 7/5/2014) và 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), chiều 19/4, đoàn công tác Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Ninh Thuận đã tham quan Bảo tàng tỉnh Yên Bái.

Lò đốt rác Đông Cuông chính thức hoạt động trờ lại vào ngày 19/4

Sáng 19/4, Lò đốt chất thải rắn sinh hoạt xã Đông Cuông, huyện Văn Yên đã chính thức vận hành trở lại sau thời gian tạm dừng hoạt động để xử lý sự cố kỹ thuật và lấy mẫu quan trắc khí thải tại khu vực lò đốt và khu vực dân cư lân cận.

Ảnh minh họa

Nghị định 40/2024/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở 2023 nêu rõ chế độ, chính sách, của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở chính thức được áp dụng từ 1/7 tới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục