Yên Bái: Người nhiễm “H” mong được vay vốn
- Cập nhật: Thứ năm, 30/3/2017 | 7:58:19 AM
YBĐT - Không chỉ tạo công ăn việc làm, giúp những người nhiễm HIV hòa nhập cộng đồng, hoạt động cho vay vốn tạo sinh kế cho người nhiễm HIV còn mang ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc.
Thành viên Nhóm Hoa hướng dương được hỗ trợ vay vốn chăn nuôi phát triển kinh tế.
|
Theo số liệu thống kê, lũy tích trường hợp nhiễm HIV được phát hiện trên địa bàn tỉnh là trên 5.000 người, trong đó, 4.011 người nhiễm HIV/AIDS còn sống.
Trong những năm qua, với sự tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực điều trị và chăm sóc y tế đối với người bị nhiễm HIV đã và đang giúp những người nhiễm HIV kéo dài tuổi thọ, cải thiện sức khỏe và được trở về hòa nhập với cuộc sống. Cũng theo đó, nhu cầu việc làm của họ ngày càng cao.
Tuy nhiên, sự kỳ thị, phân biệt đối xử cũng như tình trạng sức khỏe khiến những người nhiễm HIV gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm công việc ổn định, lâu dài. Khi đó, vấn đề vay vốn tự tạo công ăn việc làm, giảm gánh nặng cho gia đình và độc lập về kinh tế trở thành nhu cầu cấp bách của mỗi cá nhân. Song thực tế, với những người nhiễm HIV, việc tiếp cận với các nguồn vốn vay, tín dụng không phải là chuyện dễ dàng.
Thực tế, những năm 2008 – 2015, đã có một số dự án hỗ trợ vay vốn tạo việc làm cho người có “H” như: Dự án của Tổ chức Y tế Hà Lan đã hỗ trợ cho hơn 60 người tại Trấn Yên, thị xã Nghĩa Lộ được vay vốn; Chương trình can thiệp giảm tác hại của Dự án Phòng chống HIV/AIDS do WB tài trợ; Đề án phòng chống HIV/AIDS của tỉnh; Dự án J04 của Tổ chức phòng chống tội phạm ma túy của Liên Hợp Quốc đã triển khai chương trình cho vay tín dụng vi mô đối với các đối tượng nghiện ma túy và những người nhiễm HIV/AIDS thông qua hội phụ nữ tại 3 xã: Cát Thịnh, Sơn Thịnh, Đồng Khê của huyện Văn Chấn...
Năm 2011, Nhóm Hoa hướng dương Trấn Yên được thành lập, với sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật và tài chính từ Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam và sự hỗ trợ về tư cách pháp nhân của UBND huyện Trấn Yên. Nhóm hoạt động với 3 mảng chính đó là chăm sóc sức khỏe, hoạt động xã hội và tạo sinh kế cho thành viên.
Trong đó, mảng sinh kế được coi là một trong những hoạt động chính và được các thành viên quan tâm do các thành viên chủ yếu là lao động phổ thông, trình độ thấp, trên 70% thành viên thuộc diện hộ nghèo, không có việc làm ổn định. Qua khảo sát nhóm đã đề xuất với Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam hỗ trợ vốn.
Với tổng số vốn được hỗ trợ là 234 triệu đồng, Nhóm đã cho 14 thành viên vay vốn, với số tiền 11 triệu đồng/người. Các thành viên đều phát triển, sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, giai đoạn đầu triển khai mô hình nuôi gà thả vườn, mô hình phát triển tốt, sau 3 năm các thành viên đã hoàn trả số vốn vay. Giai đoạn sau Nhóm để các thành viên vay vốn phát triển sinh kế theo hộ gia đình dựa trên các nhu cầu của từng thành viên.
Chị N.T.N, xã Y Can, Trấn Yên, thành viên được vay vốn cho biết: “Chồng mất, mình thì bệnh tật ốm yếu, nhà ít ruộng, lại chẳng có việc làm, gia đình mình thuộc hộ nghèo của xã. Nhưng từ khi tham gia Nhóm Hoa hướng dương được hỗ trợ vay vốn, với số tiền 11 triệu đồng, mỗi năm, mình nuôi 2 lứa lợn từ con 4 - 5 con và 20 con gà mái đẻ lấy trứng bán để trang trải sinh hoạt”.
Có thể thấy những dự án trên thực sự phát huy hiệu quả, không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, nguồn vốn vay cho phát triển sinh kế đối với người nhiễm HIV mà còn mang ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc. Với những người đã mang trong mình vi rút HIV, thường bị coi là gánh nặng gia đình, bị kỳ thị và đánh mất lòng tin của xã hội do vậy họ luôn mong muốn được khẳng định mình.
Chị Ngô Thị Liên - Trưởng nhóm Hoa hướng dương Trấn Yên tâm sự: “Trong Nhóm, nhiều thành viên trước đây dù chỉ 50.000 đồng cũng không vay nổi, nhờ có Dự án này, các bạn được vay 11 triệu đồng.
Với những người bình thường có thể đó là một con số nhỏ, nhưng với những người nhiễm “H”, đó là cả một số tiền lớn. Nhờ số tiền đó, tinh thần các bạn lên cao, chăm chỉ làm ăn, sống tích cực hơn và có ích hơn. Cũng từ đó dần thay đổi nhìn nhận, đánh giá của những người xung quanh đối với mình, giảm dần sự kỳ thị trong cộng đồng”.
Thực tế, các chương trình, dự án phòng chống HIV/AIDS phần nhiều đều trông chờ vào sự tài trợ của các tổ chức nước ngoài và các dự án này còn khá khiêm tốn cả về quy mô và số lượng, chưa có nhiều người nhiễm “H” được tiếp cận nguồn vốn vay và giải quyết việc làm. Ngoài ra, một số dự án đã kết thúc, một số dự án đang trong lộ trình cắt giảm kinh phí.
Đứng trước khó khăn trên những người nhiễm HIV/AIDS và gia đình người nhiễm HIV/AIDS rất mong muốn các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cùng các tổ chức đoàn thể xã hội quan tâm đối với những người nhiễm HIV/AIDS, tạo điều kiện cho họ được tham gia các tổ chức đoàn thể và được tín chấp vay vốn, có điều kiện phát triển kinh tế gia đình.
Thu Hiền
Các tin khác
Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố 63 cụm thi THPT quốc gia 2017 trên cả nước do các sở GD-ĐT chủ trì. Theo đó, tham gia coi thi, chấm thi là giáo viên các trường phổ thông và cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ có ngành đào tạo giáo viên.
Theo Kế hoạch, tỉnh Yên Bái sẽ áp dụng Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản-Nhi, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố; trạm ytế các xã, phường, thị trấn; khoa sản các bệnh viện tư nhân, bệnh viện ngành; các cơ sở y tế có triển khai tiêm phòng viêm gan B sơ sinh; các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.
YBĐT - Những năm qua, Hội Phụ nữ xã Đông An (Văn Yên) đã triển khai thực hiện tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Hội đã xây dựng và nhân rộng các mô hình tiết kiệm, gia đình “5 không, 3 sạch”, ký tín chấp ủy thác cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.